Print

Quy mô của kinh tế số trong GDP đang có xu hướng gia tăng

Thứ Năm, 14 /09/2023 15:48

Khi phát triển kinh tế số đã được Chính phủ đặt ra kỳ vọng sẽ là động lực cho nền kinh tế trong thời gian tới, chỉ tiêu đo lường nền kinh tế số sẽ được xây dựng và công bố theo định kỳ.

Kết quả tính thử nghiệm sơ bộ giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước (GDP) từ Tổng cục Thống kê cho thấy: Tỷ trọng giá trị tăng thêm kinh tế số trong GDP năm 2022 là 12,86%. Trong đó ngành kinh tế số lõi đóng góp 7,82% (chiếm 60,85%); số hóa các ngành khác đóng góp 5,03% (chiếm 39,15%), bình quân giai đoạn 2019-2022 đạt khoảng 11,53%.

Theo khu vực kinh tế, đóng góp kinh tế số của khu vực dịch vụ trong GDP cao nhất, bình quân giai đoạn 2019-2022 đạt 6,60%; khu vực công nghiệp và xây dựng đạt 5,97%; số hóa trong khu vực Nông, lâm nghiệp và thủy sản có tỷ trọng thấp nhất trong 3 khu vực, bình quân giai đoạn 2019-2022 chỉ đóng góp khoảng 0,05% trong GDP.

Tổng cục Thống kê đánh giá, giai đoạn 2019-2022, quy mô của kinh tế số có xu hướng gia tăng, thể hiện sự nỗ lực của Chính phủ trong việc đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin và truyền thông, hoạt động số hóa của các ngành kinh tế ngày càng được tăng cường, đặc biệt là các ngành dịch vụ có xu hướng số hóa ngày càng tăng giúp tỷ trọng đóng góp giá trị gia tăng của khu vực dịch vụ trong GDP từ 6,49% năm 2019 lên 6,74% năm 2022...

Để phục vụ đo lường nền kinh tế số, Bộ KH-DT đã ban hành Thông tư số 13/2021/TT-BKHĐT quy định Hệ thống chỉ tiêu kinh tế số gồm 50 chỉ tiêu, trong đó có chỉ tiêu “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trong nước”. Đây cũng là một trong 230 chỉ tiêu thống kê quốc gia được quy định trong Luật Thống kê hiện hành. Cùng với đó, Quyết định số 05/2023/QĐ-TTg ngày 24/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Hệ thống chỉ tiêu thống kê cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã có chỉ tiêu “Tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong tổng sản phẩm trên địa bàn”.

Các chỉ tiêu này đã được giao cho Tổng cục Thống kê chịu trách nhiệm chủ trì biên soạn, công bố. Tuy nhiên, theo đánh giá: việc đo lường kinh tế số còn gặp nhiều khó khăn, thách thức đối với hầu hết các quốc gia trên thế giới, đặc biệt chỉ tiêu tỷ trọng giá trị tăng thêm của kinh tế số trong GDP/GRDP. Đây là chỉ tiêu kinh tế vĩ mô tổng hợp mới, khó và phức tạp cả về lý luận và thực tiễn, liên quan đến hầu hết các hoạt động của nền kinh tế. Hiện phương pháp đo lường chỉ tiêu kinh tế số vẫn đang được Tổng cục thống kê nghiên cứu, hoàn thiện. Dự kiến, kết quả chính thức sẽ được công bố vào cuối năm nay.

Thái An