Nỗi lo của Trung Quốc khi dân số già hóa nhanh
Tình trạng già hóa dân số ở Trung Quốc dự kiến sẽ thêm căng thẳng vào thập niên tới khi quốc gia tỷ dân sẽ có thêm 100 triệu người trên 60 tuổi.
Ông Du Peng- nhà nhân khẩu học hàng đầu của Trung Quốc cảnh báo tốc độ già hóa dân số ở nước này sẽ tăng mạnh trong thập niên tới, với số dân ở độ tuổi trên 60 tăng trung bình 10 triệu người mỗi năm. Theo đó, vào thập niên 2030, Trung Quốc sẽ có thêm 100 triệu người cao niên và tới năm 2050, con số này sẽ tăng lên 520 triệu, chiếm 37,8% dân số. Tình trạng này sẽ gây áp lực nặng nề lên quỹ lương hưu nhà nước, các cơ sở chăm sóc cho người cao tuổi và dịch vụ y tế.
Theo dữ liệu chính thức, Trung Quốc có 209,78 triệu người trên 65 tuổi vào năm ngoái, chiếm 14,9% dân số, tăng từ con số 200 triệu năm 2021.
"Thập niên tới kể từ bây giờ là thời điểm quan trọng nhất để Trung Quốc tích cực ứng phó với tình trạng dân số già đi", ông Du Peng nói.
Trung Quốc đang đứng trước rất nhiều thách thức về nhân khẩu học, bao gồm tỷ lệ sinh thấp và xã hội già hóa nhanh. Hồi tháng 5, nước này cam kết "phát triển dân số chất lượng cao". Theo hãng thông tấn Tân Hoa, chính phủ đã ban hành hướng dẫn khẳng định "thúc đẩy xây dựng hệ thống dịch vụ chăm sóc người cao tuổi cơ bản là nhiệm vụ quan trọng trong thực hiện chiến lược quốc gia tích cực ứng phó với già hóa dân số và đạt được sự bình đẳng hóa các dịch vụ công cơ bản". Tuy nhiên, đến nay, các nhà chức trách chưa đưa ra được nhiều biện pháp cụ thể.
Năm 2020, lương hưu lần đầu tiên vượt qua tiền hỗ trợ từ gia đình thành nguồn thu nhập chính của người cao tuổi Trung Quốc. Theo ông Du Peng, đây là một dấu hiệu cho thấy áp lực của dân số già có thể sẽ ảnh hưởng tới xã hội Trung Quốc.
Vào đầu năm 2022, Trung Quốc cho biết sẽ dần nâng tuổi nghỉ hưu bắt buộc- 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ nhân viên văn phòng và 50 tuổi đối với nữ công nhân. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa có lộ trình cụ thể cho nỗ lực này.
Vào năm 2030, Trung Quốc được cho là có số người cao tuổi bằng tổng dân số của tất cả các nước phát triển cộng lại. Ủy ban Y tế quốc gia Trung Quốc ước tính nước này sẽ có 402 triệu người trên 60 tuổi vào năm 2040.
Quỹ hưu trí đô thị, xương sống của hệ thống lương hưu nhà nước Trung Quốc, trước đó được cảnh báo sẽ cạn tiền vào năm 2035 do lực lượng lao động giảm và khoảng cách giữa đóng góp với chi tiêu tăng lên. Theo ông Du Peng, Trung Quốc cần đẩy nhanh việc tích hợp bảo hiểm hưu trí tư nhân, tăng cường bảo hiểm y tế và hoàn thiện các hệ thống chăm sóc người cao tuổi. Đất nước tỷ dân cũng nên thực hiện một hệ thống hưu trí linh hoạt, bắt đầu với những ngành nghề đang có nhu cầu cao, ví dụ như giáo viên và bác sĩ.
Năm ngoái, dân số Trung Quốc lần đầu tiên giảm sau 6 thập niên. Tỷ lệ sinh quốc gia năm 2022 giảm xuống mức thấp kỷ lục. Các nhà chức trách đã triển khai nhiều biện pháp khuyến khích người dân sinh nhiều con hơn bao gồm kéo dài thời gian nghỉ thai sản, tăng trợ cấp nhà ở và giảm chi phí giáo dục cho các gia đình có con nhỏ.
Theo ông Du Peng, người cao tuổi cũng có thể góp phần giải quyết tình trạng giảm tỷ lệ sinh bằng cách tạo ra các cộng đồng kết hợp người già với trẻ nhỏ, giúp đỡ thế hệ trẻ đang quá tải trong việc nuôi dạy con cái của họ.
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, đến năm 2030, cứ 6 người trên thế giới thì có 1 người trên 60 tuổi. Vào năm 2050, toàn cầu dự tính có khoảng 2,1 tỷ người trên 60 tuổi. Năm ngoái, 29,1% dân số Nhật Bản ở độ tuổi trên 65, tỷ lệ này là 17% ở Mỹ và Hàn Quốc, và 7% ở Ấn Độ, theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB).
Dân số toàn cầu già đi đặt ra không ít những thách thức về kinh tế và xã hội. Xu hướng này cũng đồng nghĩa nhu cầu an sinh xã hội của người cao tuổi ngày càng tăng cao. Ðiểm yếu này đã bộc lộ rõ trong giai đoạn đại dịch COVD-19 hoành hành, và điều đáng buồn là chi tiêu công ở hầu hết các quốc gia không đủ để đáp ứng nhu cầu chăm sóc ngày càng tăng ở nhóm người cao tuổi.
Ngọc Tuấn