Print

Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra báo cáo Chính phủ về thực hiện chính sách BHXH

Thứ Sáu, 15 /09/2023 15:17

Sáng 15/9, dưới sự chủ trì của Chủ nhiệm Nguyễn Thúy Anh, Ủy ban Xã hội của Quốc hội đã tiến hành thẩm tra báo cáo Chính phủ về thực hiện chính sách BHXH, quản lý và sử dụng quỹ BHXH năm 2022.

Thẩm tra báo cáo Chính phủ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong cho biết, tổng số người tham gia BHXH đến hết năm 2022 là 17,5 triệu người chiếm trên 38% lực lượng lao động trong độ tuổi, trong đó có trên 9 triệu người tham gia BHXH và chiếm 51,94%. Mặc dù vậy, năm 2022 tình hình chậm đóng BHXH tiếp tục gia tăng, trong đó việc chậm đóng BHXH chủ yếu diễn ra ở khu vực DN NQD chiếm hơn 80% tổng số tiền chậm đóng (số tiền chậm đóng 8.560 tỷ đồng, tăng trên 121 tỷ đồng so với năm 2021.

Cũng theo ông Đặng Thuần Phong, bên cạnh những kết quả đạt được, qua khảo sát của Ủy ban Xã hội tại các địa phương cho thấy, công tác tuyên truyền thực hiện khá bài bản với những giải pháp căn cơ, phù hợp với từng nhóm đối tượng. Song ở những địa phương có nhiều DN thì số lao động tham gia BHXH tăng cao. Ngành BHXH thường xuyên rà soát đối chiếu dữ liệu người tham gia BHXH qua cơ quan thuế nhưng số lao động sau rà soát tham gia BHXH chưa cao. Nhiều địa phương vẫn chưa có cơ chế hỗ trợ người dân tham gia BHXH tự nguyện, sự vào cuộc của cấp ủy chính quyền chưa cao, nhất là các cơ quan liên quan trong việc khai trình lao động…

Đồng tình với báo cáo Chính phủ cũng như báo cáo thẩm tra, song bà Đỗ Thị Lan- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị Bộ LĐ-TB&XH và BHXH Việt Nam làm rõ thêm một số vấn đề liên quan đến việc thanh toán chế độ tử tuất đang được thực hiện thông qua mã định danh cá nhân, hồ sơ điện tử và hồ sơ giấy; thủ tục thanh toán BHXH một lần; thủ tục gộp sổ BHXH cho NLĐ... Đặc biệt, vai trò của cơ quan quản lý nhà nước trong việc giao chỉ tiêu phát triển BHXH cho các địa phương, nhất là BHXH tự nguyện. Ngành BHXH Việt Nam đã giao chỉ tiêu cho từng cán bộ BHXH nhưng để người dân thấy được chính sách cũng như tính ưu việt thì riêng ngành BHXH không đủ.

Quan tâm đến tình hình chậm đóng, nợ đóng BHXH, bà Nguyễn Thị Như Ý- Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Đồng Nai cho rằng cần nhìn nhận vấn đề này thấu đáo để hoàn thiện chế tài xử lý vi phạm, nhất là đối với hành vi trốn đóng, trục lợi BHXH, thẩm quyền xử phạt DN nợ đóng, chậm đóng BHXH khởi tố khởi kiện đối với hành vi trốn đóng nợ BHXH và kiến nghị sửa đổi văn bản để hoàn thiện; đẩy mạnh phân cấp cho các cơ quan, phân định rõ quản lý nhà nước với quản trị bộ máy…

Phát biểu tại buổi làm việc, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh khẳng định, trong năm 2022 bối cảnh Covid-19, kinh tế khó khăn… tuy nhiên, đến tháng 3/2022 kinh tế có bước phát triển, tạo ra dư địa tăng trưởng dẫn đến kết quả phát triển BHXH rõ nét như phát triển BHXH đạt 38,08% lực lượng lao động tham gia BHXH và vượt 0,8% so với chỉ tiêu được giao; trong đó BHXH tự nguyện đạt cao với 1,46 triệu người tham gia- vượt so với Nghị quyết số 28.

Thời gian qua, BHXH đã tham gia tích cực xây dựng chính sách cũng như giải quyết chính sách cho NLĐ. Hiện giải quyết cho trên 10 triệu người hưởng BHXH, trong đó có trên 3 triệu người hưởng hưu trí; 160 triệu lượt KCB BHYT; 130 triệu TTHC giải quyết điện tử… CNTT đã đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ năm 2022. Bên cạnh đó, công tác truyền thông gắn với hiệu quả, đa dạng linh hoạt và phù hợp với từng vùng miền, cấp xã đã thành lập BCĐ triển khai thực hiện chính sách BHXH và cơ quan BHXH địa phương giao chỉ tiêu cho từng cán bộ BHXH trong phát triển BHXH…

Kết luận phiên làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Thúy Anh đánh giá cao Chính phủ cũng như các cơ quan liên quan đã chuẩn bị báo cáo đầy đủ, cũng như làm rõ những vấn đề các đại biểu nêu. Đồng thời, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội đề nghị các cơ quan liên quan hoàn thiện báo cáo để trình Ủy ban TVQH cho ý kiến tại phiên họp tháng 9/2023.

Nguyệt Hà