Print

Nắng nóng mang lại hy vọng cho thợ sản xuất ô thủ công ở Nhật Bản

Thứ Ba, 19 /09/2023 13:13

Một trong những cửa hàng bán ô thủ công cuối cùng ở Tokyo (Nhật Bản) đã vượt qua nhiều dông bão và hiện đang có bước phát triển mạnh nhờ nhu cầu về ô bùng nổ khi mùa hè năm nay ở Nhật Bản trở nên nóng hơn vì ảnh hưởng của hiện tượng El Nino.

Ông Hiroyuki Komiya, chủ sở hữu của Komiya Shoten- một xưởng sản xuất ô che mưa/nắng thủ công có tuổi đời gần một thế kỷ- đang cẩn thận giới thiệu sản phẩm của xưởng cho khách hàng xem, bên trong cửa tiệm ở Higashi-Nihombashi (Tokyo, Nhật Bản). 93 năm trước, Komiya Shoten được ông nội của ông Hiroyuki Komiya thành lập và xưởng sản xuất ô này từng là một trong 70 cửa tiệm bán ô thủ công nổi tiếng ở Nihonbashi, khu này từng là trung tâm của Tokyo cũ. Giờ đây, chỉ còn Komiya Shoten và một số ít cửa tiệm khác còn “sống sót”, chưa bị chấm dứt hoạt động kinh doanh bởi không cạnh tranh nổi với các sản phẩm ô nhựa giá rẻ được bày bán ở mọi siêu thị, cửa hàng tiện lợi.

Không sản xuất công nghiệp đại trà, Komiya Shoten chỉ sản xuất ô thủ công với chất liệu hàng đầu và làm bằng tay theo kỹ thuật để lại của những nghệ nhân, thợ thủ công lành nghề từ thời Minh Trị của Nhật Bản (1868-1912). “Thợ học việc cần ít nhất 5, 6 năm mới có thể thành thạo các công đoạn chế tạo ô”- Nghệ nhân Ikko Tanaka chia sẻ- “Ô truyền thống của Nhật Bản được làm bằng gỗ, tre và một loại giấy đặc biệt gọi là “washi” phủ dầu và trình độ nghệ nhân, thợ thủ công lành nghề cũng phải mất hàng tuần để thực hiện. Đến nay, theo thời gian, sản phẩm của chúng tôi được sử dụng công nghệ hiện đại, phủ vải dệt bằng vật liệu cản ánh sáng gần 100%. Bền hơn nhưng dĩ nhiên không thể giảm giá thành, hiện một chiếc ô làm thủ công vẫn giữ được giá, khoảng vài trăm USD”.

Việc nhập khẩu ô phương Tây- theo kiểu dáng như chúng ta biết ngày nay- bắt đầu từ năm 1859, sau khi Nhật Bản chấm dứt chính sách đóng cửa biên giới kéo dài 220 năm. Theo Hiệp hội Xúc tiến Sản xuất ô Nhật Bản, khi ấy đồ dùng phương Tây, trong đó có ô, nhanh chóng được người dân Nhật Bản yêu thích, thậm chí còn xem như một phụ kiện thời trang đắt tiền và sang trọng để nâng cao giá trị bản thân. Vô tình việc này làm ảnh hưởng lớn đến cuộc mưu sinh của các xưởng làm ô thủ công truyền thống. Để khỏa lấp khoảng trống trên thị trường, các xưởng làm ô thủ công truyền thống bắt buộc phải thay đổi để tự cứu mình. Lúc này, ông nội của ông Hiroyuki Komiya chuyển đến Tokyo, thành lập Komiya Shoten vào năm 1930 và nghiên cứu, cải tiến ô truyền thống Nhật Bản bằng cách tích hợp tinh hoa phương Tây.

Hoạt động kinh doanh của Komiya Shoten đạt đỉnh cao vào cuối những năm 1960, trước khi các sản phẩm ô nhựa giá rẻ bắt đầu tràn vào từ các nước châu Á khác. Nhiều xưởng làm ô thủ công truyền thống Nhật Bản đã bị phá sản và Komiya Shoten không tránh khỏi khó khăn. “Khi mà người tiêu dùng có thể dễ dàng mua ô nhựa với giá chỉ 500 yên/chiếc, thậm chí 100 yên/chiếc cũng có, thì chúng tôi đang bán những chiếc ô thủ công với giá 20.000 yên. Rõ ràng, chúng tôi không thể cạnh tranh được. Tuy nhiên, Komiya Shoten dần tìm được chỗ đứng trên thị trường bởi tư tưởng không bảo thủ, mà chấp nhận cải tiến để sản xuất ra những chiếc ô thời thượng đáp ứng nhu cầu khách hàng theo thời gian. Ngày nay, chúng tôi còn xây dựng một trang web bắt mắt, hoạt động mạnh trên mạng xã hội và sử dụng nhiều loại hình quảng cáo để nâng cao giá trị thương hiệu” - ông Hiroyuki Komiya chia sẻ.

Công việc kinh doanh của Komiya Shoten bắt đầu đều đặn hơn và có sự phát triển khá mạnh mẽ trong vòng 10 năm đổ lại đây. Sản phẩm của họ cũng chính thức được Tokyo công nhận là một trong những mặt hàng thủ công truyền thống để giới thiệu đến đông đảo du khách vào năm 2018. Ông Hiroyuki Komiya lạc quan cho biết: “Nhật Bản đang trải qua mùa hè nóng nực do hiện tượng El Nino. Ngày càng nhiều người có nhu cầu sử dụng ô che nắng; đặc biệt, số lượng khách hàng nam đã tăng lên đáng kể. Đó là cơ hội của Komiya Shoten”.

Tùng Anh (Theo Tokyo News)