Print

Nợ toàn cầu trở lại xu hướng tăng

Thứ Ba, 19 /09/2023 14:24

Cơ sở dữ liệu nợ toàn cầu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cho biết, gánh nặng nợ toàn cầu năm 2022 đã giảm trong năm thứ hai liên tiếp nhưng vẫn ở trên mức vốn đã cao trước đại dịch COVID-19.

Theo số liệu của Cơ sở này, tổng nợ năm ngoái tương đương 238% GDP toàn cầu, cao hơn 9 điểm phần trăm so với năm 2019. Tính theo đồng đôla Mỹ, số nợ lên tới 235 nghìn tỷ USD, cao hơn 200 tỷ USD trong năm 2021.

Theo các chuyên gia, trong những năm tới đây, giới hoạch định chính sách cần phải kiên định với cam kết duy trì tính bền vững của nợ. 

Bất chấp sự phục hồi tăng trưởng kinh tế từ năm 2020 và lạm phát cao hơn nhiều so với dự kiến, nợ công vẫn ở mức cao. Thâm hụt tài chính khiến mức nợ công tăng cao, do nhiều chính phủ chi tiêu nhiều hơn để thúc đẩy tăng trưởng và ứng phó với tình trạng giá lương thực cũng như năng lượng tăng vọt ngay cả khi các hỗ trợ tài chính liên quan đến đại dịch COVID-19 đã kết thúc.

Kết quả là nợ công chỉ giảm 8 điểm phần trăm GDP toàn cầu trong hai năm qua, chỉ bù đắp được khoảng một nửa mức tăng liên quan đến đại dịch. Trong khi đó, nợ tư nhân, bao gồm nợ hộ gia đình và nợ doanh nghiệp phi tài chính giảm với tốc độ nhanh hơn, tương ứng 12 điểm phần trăm GDP toàn cầu.

Trước đại dịch COVID-19, tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu cũng đã tăng trong nhiều thập niên. Nợ công toàn cầu tăng gấp ba lần kể từ giữa những năm 1970, lên tới 92% GDP (hoặc hơn 91 nghìn tỷ USD) vào cuối năm 2022. Nợ tư nhân cũng tăng gấp ba lần, lên 146% GDP (hoặc gần 144 nghìn tỷ USD) nhưng trong khoảng thời gian dài hơn, từ năm 1960 đến năm 2022.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đóng vai trò trung tâm trong xu hướng gia tăng nợ toàn cầu khi vay nợ nhanh hơn tốc độ tăng trưởng kinh tế. Tỷ lệ nợ so với GDP đã tăng lên ngang bằng với Mỹ, trong khi tính theo USD, tổng nợ của Trung Quốc (47,5 nghìn tỷ USD) vẫn thấp hơn đáng kể so với Mỹ (gần 70 nghìn tỷ USD). Đối với nợ doanh nghiệp phi tài chính, tỷ trọng 28% của Trung Quốc là lớn nhất thế giới.

Nợ của các nước đang phát triển có thu nhập thấp cũng tăng đáng kể trong hai thập niên qua. Ngay cả khi mức nợ của họ, đặc biệt là nợ tư nhân, vẫn ở mức trung bình tương đối thấp so với các nền kinh tế tiên tiến và mới nổi, tốc độ gia tăng kể từ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu đã tạo ra hàng loạt thách thức. Hơn nửa số quốc gia đang phát triển có thu nhập thấp đang đứng trước nguy cơ gặp khó khăn về nợ nần cao.

Các chuyên gia của IMF khuyến nghị các chính phủ nên hành động khẩn cấp để giúp giảm bớt rủi ro về nợ và đảo ngược xu hướng nợ dài hạn.

Đối với nợ của khu vực tư nhân, chính sách có thể bao gồm giám sát thận trọng gánh nặng nợ của hộ gia đình và doanh nghiệp phi tài chính cũng như các rủi ro liên quan đến ổn định tài chính. Đối với nợ công, việc xây dựng khung tài chính đáng tin cậy có thể hướng quá trình cân bằng nhu cầu chi tiêu với tính bền vững của nợ.

Đối với các nước đang phát triển có thu nhập thấp, cải thiện khả năng thu thêm nguồn thu từ thuế là vấn đề then chốt, như đã được thảo luận trong Báo cáo Giám sát tài chính hồi tháng 4/2023 của IMF. Còn với những nước có khoản nợ không bền vững, cần có một cách tiếp cận toàn diện bao gồm kỷ luật tài chính cũng như tái cơ cấu nợ theo Khung chung 20 điểm của IMF.

Theo báo cáo, điều quan trọng là giảm gánh nặng nợ sẽ tạo ra không gian tài chính và cho phép đầu tư mới, giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những năm tới. Những cải cách đối với thị trường lao động và sản phẩm nhằm tăng sản lượng tiềm năng ở cấp quốc gia sẽ tiếp sức cho mục tiêu đó. Hợp tác quốc tế về thuế, bao gồm cả thuế carbon, có thể làm giảm bớt áp lực lên tài chính công.

Ngọc Tuấn