Nhật Bản: Người trên 80 tuổi vượt 10% dân số
Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, ngày 17/9, xác nhận nước này đang có 12,59 triệu người trên 80 tuổi, tăng 270.000 người so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là lần đầu tiên tỷ lệ người trên 80 tuổi ở Nhật Bản vượt mốc 10% dân số. Số người trên 75 tuổi hiện là 20,05 triệu, chiếm 16,1% dân số, lần đầu tiên vượt mốc 20 triệu người. Trong khi đó, số người trên 65 tuổi ở đất nước này tiếp tục ở mức cao kỷ lục là 36,23 triệu, chiếm 29,1% dân số.
Với các số liệu trên, Nhật Bản vẫn duy trì vị trí quốc gia có tỷ lệ người cao tuổi (trên 65 tuổi) cao nhất thế giới. Trong nhóm tuổi này, có 20,51 triệu người là nữ giới và 15,72 triệu người là nam giới. Sự chênh lệch đó cho thấy tuổi thọ trung bình của nữ giới có xu hướng cao hơn nam giới.
Số liệu này được đưa ra trong bối cảnh chính phủ Nhật Bản không ngừng nỗ lực triển khai các biện pháp và chính sách nhằm đưa đất nước thoát khỏi tình trạng dân số già hóa nhanh. Dân số ngày càng già hóa khiến chính phủ phải tăng chi cho các chương trình phúc lợi xã hội, có thể gây ảnh hưởng đến nền kinh tế khi ngân sách thu vào không đủ đáp ứng những chương trình như vậy, trong khi thiếu hụt ngân sách sẽ khiến nền kinh tế đi xuống.
Đầu năm 2023, trong phiên họp Quốc hội, Thủ tướng Fumio Kishida thừa nhận một điều chưa từng có rằng Nhật Bản đang "trên bờ vực không thể duy trì các chức năng xã hội" do khủng hoảng dân số.
Cũng theo Bộ Nội vụ và Truyền thông Nhật Bản, số người cao tuổi ở nước này vẫn làm việc trong năm 2022 tăng lên 9,12 triệu người. Đây là năm thứ 19 liên tiếp con số này tăng, và chiếm 13,6% tổng lực lượng lao động của Nhật Bản.
Hồi năm 2021, khoảng 60.000 người cao niên mới gia nhập đội ngũ nghỉ hưu vẫn làm việc, nâng tổng số người già đi làm tại Nhật Bản lên khoảng 9,09 triệu. Trong cùng năm, tỷ lệ người đang làm việc trong độ tuổi từ 65 - 69 đã là 50,3%. Ngay cả trong số ở độ tuổi cao hơn, từ 70-74 tuổi, khoảng 1/3 người vẫn làm việc.
Theo khảo sát mới đây của tờ báo Shukan Jitsuwa, trong số những người nghỉ hưu vẫn tiếp tục đi làm thì chỉ một số ít người cho biết là vì thích, phần lớn thừa nhận họ phải tiếp tục làm việc cực nhọc nếu không muốn đối mặt với viễn cảnh nghèo đói.
"Trong một tương lai không xa, có lẽ cứ 2 người cao tuổi thì có 1 người sẽ phải tiếp tục làm việc cho đến khi họ không còn sức khỏe hoặc tinh thần", trích đoạn một bài viết trên Shukan Jitsuwa.
"Trong thời kỳ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng sau chiến tranh, Nhật Bản đã trở thành nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới và tuổi nghỉ hưu bắt buộc là 60, người ta cho rằng người già sẽ được tận hưởng những năm tháng vàng son của mình như đi du lịch và theo đuổi sở thích của họ. Nhưng sau đó, bong bóng kinh tế sụp đổ vào những năm 1990 rồi nhiều biến động khác và gần đây là sự mất giá của đồng yên thì ước mơ của mọi người về tuổi nghỉ hưu thoải mái đã bị nghiền nát" - một nhà phê bình kinh tế đánh giá.
Theo một cuộc khảo sát năm 2019 của Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản, 46,2% số người lớn tuổi được hỏi đưa ra lý do tiếp tục làm việc là "để duy trì sức khỏe", tiếp đến là "nâng cao chất lượng cuộc sống" (33,9%) và "vì sống là để làm việc" (28,8%).
Hoàng Dương