Tập trung tháo gỡ vướng mắc, tạo cơ hội cho tất cả mọi người lao động
Chiều 19/9, diễn ra Phiên toàn thể- Toạ đàm cấp cao với chủ đề “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” và bế mạc Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam năm 2023. Tại Lễ bế mạc, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để đạt tăng trưởng năng suất cao hơn, đòi hỏi Việt Nam cần cải thiện lực lượng lao động, hoàn thiện hệ thống bảo trợ xã hội, nhất là cải thiện độ bao phủ BHXH để tăng tính đối phó với rủi ro thất nghiệp và đảm bảo thu nhập khi về già.
Cần chính sách hỗ trợ DN
Chia sẻ tại Phiên toàn thể, TS.Nguyễn Đình Cung- nguyên Viện trưởng Viện CIEM cho biết, trong năm 2023, cân đối ổn định vĩ mô và duy trì an sinh xã hội đã tạo đà cho phát triển. Tuy nhiên, vẫn còn những điểm yếu mang tính cơ cấu như nền kinh tế còn bị phân mảnh. Nền kinh tế mở nhưng mức độ năng lực hội nhập của DN tư nhân trong nước còn thấp, nên khó tận dụng cơ hội do hội nhập mang lại.
Vì vậy, cần làm sống động lại năng lực nội sinh của DN thông qua chính sách hỗ trợ; đồng thời Việt Nam không thể tiếp tục dựa trên lợi thế chi phí thấp mà phải đầu tư để đổi mới công nghệ, quy trình sản xuất, chuyển đổi sản xuất theo hướng xanh. Bên cạnh đó, phải đa dạng hóa thị trường; tạo môi trường kinh doanh thuận lợi tối đa cho xuất khẩu, khuyến khích đổi mới sáng tạo, áp dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh.
ĐBQH Vũ Tiến Lộc cũng cho rằng, trong 30 năm qua, việc phát triển DN và nâng cao năng suất lao động đã đưa nước ta thoát khỏi đói nghèo, trở thành nước có thu nhập trung bình. Hiện tại, chúng ta vẫn đang tập trung vào 2 yếu tố này- chính là động lực tăng trưởng chính cho sự phát triển của đất nước. Cũng theo ông Lộc, Việt Nam có 900.000 DN và khoảng 5,2 triệu hộ kinh doanh. "Số lượng DN không ít, nhưng chất lượng DN lại không cao, năng suất lao động đang tụt hậu và chưa đáp ứng nhu cầu của giai đoạn phát triển mới"- ông Lộc chỉ rõ.
Ông Lộc cũng cho rằng, dự báo việc phục hồi nền kinh tế Việt Nam cũng như thế giới sẽ là hình chữ U và đáy rất dài- đây là thách thức rất lớn, ảnh hưởng nặng nề. Song với lợi thế về địa chính trị và chính sách đối ngoại, Việt Nam là nền kinh tế quy mô vừa, lợi thế DN vừa và nhỏ, nên cần có chính sách thúc đẩy liên kết các DN FDI với Việt Nam, đảm bảo cắm rễ sâu trong nền kinh tế, cộng sinh cùng có lợi với các DN Việt Nam. Bên cạnh đó, cần tăng cường năng lực đối tác công tư trong các dự án phát triển công nghiệp, tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý về đối tác công tư và quan tâm đến nâng cao năng suất lao động.
Luôn chăm lo an sinh cho người dân
Trả lời câu hỏi của đại biểu về triển khai chính sách an sinh và đảm bảo cơ hội việc làm cho NLĐ, ông Nguyễn Văn Hồi- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, điểm nổi bật nhất trong chính sách về an sinh, đó là Đảng, Nhà nước và các cấp, các ngành rất quan tâm phát triển kinh tế đi đôi với đảm bảo an sinh xã hội. Nhiều chính sách đã được ban hành kịp thời, nhằm hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả của đại dịch Covid-19, hỗ trợ NLĐ, người nghèo, NLĐ bị mất việc làm, hỗ trợ vốn vay cho khu vực phi kết cấu trong tiếp cận vốn tín dụng.
Cùng với đó, Việt Nam cũng chú trọng phát triển thị trường mới, duy trì tốc độ phát triển GDP và duy trì tỷ lệ thất nghiệp thấp nhờ có các công cụ và giải pháp can thiệp vào thị trường lao động. Đối với lao động di chuyển về khu vực nông thôn, cũng kịp thời có các gói tín dụng để phát triển kinh tế ở khu vực nông thôn. Đặc biệt, chính sách BHYT được thực hiện tốt, với tỷ lệ người dân tiếp cận ngày càng tăng; các chính sách hỗ trợ giáo dục, đào tạo được triển khai từ mầm non tới đại học và đào tạo nghề...
“Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất về an sinh xã hội là thiên tai, dịch bệnh bất thường và tốc độ già hóa dân số khá nhanh. Vì vậy, Bộ LĐ-TB&XH đã đề xuất các cơ chế chính sách hỗ trợ tạo việc làm cho người cao tuổi có việc làm phù hợp với sức khỏe và kinh nghiệm của từng đối tượng…”- ông Hồi nhấn mạnh.
Phát biểu bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, sau một ngày làm việc tích cực, nghiêm túc, trách nhiệm, Diễn đàn Kinh tế-Xã hội Việt Nam 2023 đã hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội, người dân và cộng đồng DN trong và ngoài nước, cũng như các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và địa phương.
Theo thống kê của BTC, có khoảng 450 đại biểu đã tham dự trực tiếp và được kết nối trực tuyến với 6 học viện, trường đại học với khoảng 1.000 giảng viên, HSSV trực tiếp theo dõi. Diễn đàn đã có sự lan tỏa tích cực, chia sẻ tiếng nói của cộng đồng DN thông qua đại diện Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các hiệp hội, DN, cũng như chuyên gia trong và ngoài nước…
Tóm tắt một số nội dung chính đã được thảo luận, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, sau đại dịch Covid-19, hầu hết các nền kinh tế thế giới phải gặp thách thức lớn. Đặc biệt, việc Quốc hội, Chính phủ ban hành và triển khai các chính sách, giải pháp quyết liệt, kịp thời, kể cả chưa từng có tiền lệ trong suốt 2,5 năm qua, đã giúp Việt Nam đứng vững, cơ bản vững vàng vượt qua mọi khó khăn và đạt được nhiều kết quả quan trọng. Theo đó, nền kinh tế vẫn duy trì được đà tăng trưởng và vẫn là một “điểm sáng” trong “bức tranh màu xám” của nền kinh tế toàn cầu.
Tuy nhiên, từ quý IV/2022, kinh tế Việt Nam tăng trưởng chậm lại, rất khó đạt chỉ tiêu cả năm 2023 mà Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Đáng lưu ý, cả 3 động lực tăng trưởng hiện nay của nền kinh tế đều gặp khó khăn mang tính cơ cấu, do thiếu định hướng dài hạn và giải pháp cụ thể, kịp thời. Nhấn mạnh nguồn nhân lực là động lực nội sinh cốt lõi của nền kinh tế cũng như khuyến nghị của WB, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, để đạt tăng trưởng năng suất cao hơn, đòi hỏi cải thiện lực lượng lao động trẻ, tiếp tục hoàn thiện hệ thống bảo trợ xã hội, nhất là cải thiện độ bao phủ BHXH để tăng tính đối phó với rủi ro thất nghiệp và đảm bảo thu nhập khi về già.
Nguyệt Hà