Print

Tầng lớp trung lưu Trung Quốc thay đổi thói quen mua sắm vì kinh tế khó khăn

Thứ Năm, 21 /09/2023 14:03

Sự bất ổn của kinh tế Trung Quốc trong thời gian gần đây đã khiến những người thuộc tầng lớp trung lưu tìm đến các khu chợ bán buôn thay vì trung tâm thương mại lớn để mua sắm.

Cô Amy, 35 tuổi, là một giáo viên ở Bắc Kinh (Trung Quốc). Trước đây, cô Amy có thói quen mua sắm thời trang hàng hiệu ở các trung tâm thương mại lớn. Song sự bất ổn của kinh tế Trung Quốc trong thời gian gần đây đã khiến cô và những người thuộc tầng lớp trung lưu khác như cô thay đổi. Thay vì vung tiền mua đồ xa xỉ, họ bắt đầu để mắt đến phân khúc hàng hóa bình dân hơn và làm quen với việc mua sắm ở những khu chợ bán buôn.

Đại Lý Thụ Quảng Tân (Daliushu Guanxin) là một trong những khu chợ bán buôn nổi tiếng ở Bắc Kinh. Chợ là một khu phức hợp rộng lớn gồm hàng nghìn quầy hàng, bán mọi thứ từ quần áo, giày dép phụ kiện… đến vật dụng thường ngày, là nơi lui tới của khách du lịch, sinh viên, người nhập cư và người cao tuổi về hưu đang mua sắm hàng hóa với giá phải chăng. Giờ đây, nhiều người tiêu dùng có tiềm lực kinh tế hơn cũng gia nhập xu hướng săn hàng giá rẻ. “Tôi từng chỉ ưa chuộng quần áo hàng hiệu”- cô Amy vừa chọn đồ trong khu vực quần áo có giá từ 15 đến 50 nhân dân tệ (2-7 USD) vừa nói với PV- “Nhưng kinh tế ngày một khó khăn, một số bạn bè của tôi đã bị mất việc làm và tôi rất lo lắng điều đó sẽ xảy ra với tôi, điều này ảnh hưởng đến xu hướng tiêu dùng của tôi”.

Với mức lương hằng tháng và lương hưu hầu như không tăng; thị trường việc làm bất ổn với hơn 1/5 thanh niên Trung Quốc thất nghiệp; niềm tin và khả năng chi tiêu của các hộ gia đình rất thấp, trong khi nền kinh tế hầu như không tăng trưởng. Giá tiêu dùng chỉ tăng 0,1% so với cùng kỳ trong tháng 8/2023, trái ngược hẳn với tình trạng lạm phát gia tăng mà hầu hết các nền kinh tế lớn khác trên thế giới đã và đang chứng kiến kể từ khi đại dịch Covid-19 được kiểm soát. Đại diện Standard Chartered cho biết: “Đây thực sự là vấn đề đối với nền kinh tế Trung Quốc nhưng hiện tại chưa có phương thức nào đặc biệt hiệu quả để giải quyết vấn đề một cách dứt điểm. Nếu muốn khôi phục niềm tin của người tiêu dùng, cần phải “làm nóng” bất động sản hoặc hỗ trợ tiền mặt trực tiếp cho hộ gia đình và chúng tôi không nghĩ đó là lựa chọn khôn ngoan trong lúc này”.

Lĩnh vực bất động sản, một trong những trụ cột của nền kinh tế Trung Quốc, đang phải vật lộn với những khoản nợ khổng lồ. Các CEO-Giám đốc quản lý ngành hàng xa xỉ đang trông đợi tăng doanh số bán hàng tổng thể của năm 2023 vào dịp cuối năm, song với việc thay đổi thói quen tiêu dùng và xu hướng tiết kiệm của tầng lớp trung lưu, nhiều kế hoạch, chiến dịch bán hàng nhiều khả năng phá sản. “Tôi đến đây để mua quần áo giá rẻ cho bản thân và gia đình, nhằm tiết kiệm chi phí sinh hoạt. Trong lúc này, đây là cách hiệu quả để thắt chặt chi tiêu và “tích cốc phòng cơ””- một khách hàng họ Lữ, 45 tuổi, đang chăm chú mua sắm tại chợ bán buôn Đại Lý Thụ Quảng Tân thẳng thắn cho biết.

Tuy nhiên, sự thay đổi thói quen tiêu dùng của tầng lớp trung lưu cũng có mặt tích cực, đó là giúp cho phân khúc hàng hóa bình dân trở nên nhộn nhịp hơn. Bà Vân San, 50 tuổi, chủ một quầy hàng tại chợ bán buôn Đại Lý Thụ Quảng Tân chia sẻ: “Khác với trước đây, bây giờ có rất nhiều khách hàng trực tiếp đến mua ở quầy hàng khiến tôi gặp rất nhiều khó khăn để duy trì hoạt động bán hàng trực tuyến trên mạng. Vì chỉ có một mình tôi xoay xở, quá bận nên tôi phải từ chối yêu cầu của không ít khách hàng trên mạng vì không có thời gian sắp xếp việc giao hàng”.

Một người bán hàng họ Vương cũng cho biết thêm, không cứ gì cuối tuần, mà cả trong tuần thì lượng khách hàng ghé thăm cửa tiệm của anh đông đến mức anh phải cử thêm người đứng bên ngoài để cùng giám sát hàng hóa. “Tôi nhận thấy khách hàng cũng có thay đổi. Có những khách hàng của tôi trước đây từng đến Nhật Bản để mua sắm nhưng bây giờ lại đến cửa tiệm của tôi. Theo tôi đó là mua sắm thông minh, dù sao thì đồ dùng sử dụng một thời gian là bỏ, tốn nhiều tiền mua quá cũng chẳng để làm gì".

Tùng Anh (Theo Xinhua)