Print

Người dân chưa đồng thuận thì chính quyền quận, huyện chưa thể cho thuê vỉa hè.

Thứ Sáu, 22 /09/2023 08:05

Trưởng phòng Khai thác hạ tầng đường bộ (Sở GTVT TP.HCM) khẳng định tại cuộc họp ở Trung tâm Báo chí hôm 21/9 rằng, người dân chưa đồng thuận thì chính quyền quận, huyện chưa thể cho thuê vỉa hè.

Chủ trương cho thuê vỉa hè đã được HĐND TP.HCM thông qua với Nghị quyết về thu phí sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố trên địa bàn. Hoạt động cho thuê, thu phí vỉa hè sẽ bắt đầu từ 1/1/2024; tiền thu được từ hoạt động này nộp 100% vào ngân sách thành phố.

Ông Ngô Hải Đường giải thích về hoạt động cho thuê, thu phí vỉa hè

Theo Nghị quyết, giá cho thuê vỉa hè (còn gọi là mức thu phí) mỗi tháng dao động từ 20.000 đồng đến 350.000 đồng cho mỗi m2 tùy từng khu vực (cả địa bàn chia thành 5 khu vực). Nghị quyết còn nêu rõ, nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố dưới 15 ngày trong tháng thì tính nửa tháng; nếu số ngày sử dụng lòng đường, hè phố từ 15 ngày trở lên trong tháng thì tính tròn 1 tháng.

Nghị quyết cũng giao Sở GTVT và UBND cấp huyện tiến hành rà soát, ban hành danh mục các tuyến đường đủ điều kiện sử dụng tạm thời lòng đường, hè phố với các chức năng, hoạt động cụ thể. Liên quan vấn đề này, ông Ngô Hải Đường- Trưởng phòng Khai thác hạ tầng đường bộ giải thích thêm "không phải tuyến đường nào ở TP.HCM cũng đủ điều kiện cho thuê vỉa hè để thu phí".

Trước câu hỏi của người dân trên tuyến đường đủ điều kiện cho thuê vỉa hè để thu phí mà lắc đầu vì ảnh hưởng đến điều kiện sống, sinh hoạt của người dân, thì chính quyền cấp huyện phải làm sao? Ông Đường khẳng định "dân lắc đầu là chính quyền không được gật". Thay vào đó, chính quyền cấp huyện phải vận động, thuyết phục người dân ký giấy đồng thuận. Chỉ đến lúc người dân gật đầu (bằng văn bản) thì chính quyền mới triển khai hoạt động cho thuê và thu phí vỉa hè.

Trong tình huống người dân gật đầu rồi, chính quyền cấp huyện triển khai hoạt động cho thuê, thu phí vỉa hè rồi, nhưng phía thuê khiến cuộc sống người dân xáo trộn, ảnh hưởng quá, thì phải làm sao? Về việc này, ông Đường nói rằng, tổng thời gian tạm cho thuê để thu phí vỉa hè từ 6 đến 12 tháng. Trong thời gian đó, cả người dân lẫn chính quyền cấp huyện đều có công cụ giám sát hoạt động trên vỉa hè. Do đó, vấn đề phát hiện và xử trí sẽ kịp thời.

Liên quan đến công cụ giám sát, Nghị quyết cũng yêu cầu các cơ quan liên quan đến hoạt động cho thuê, thu phí vỉa hè xây dựng công cụ số để cộng đồng giám sát cả vấn đề tài chính; hạn chế tối đa thanh toán tiền mặt trong hoạt động cho thuê, thu phí vỉa hè.

Trước câu hỏi người dân “muốn chia lợi ích từ hoạt động cho thuê vỉa hè để thu phí” mới gật đầu đồng thuận thì phía chính quyền cấp huyện phải trả lời ra sao, ông Đường khẳng định: "Vẫn kiên trì vận động và thuyết phục, vì 100% phí thu được phải nộp hoàn toàn vào ngân sách thành phố. Không có bất kỳ ngoại lệ nào".

Thanh Giang