Print

Giải pháp “gỡ vướng” cho ngành công nghiệp hỗ trợ

Thứ Hai, 25 /09/2023 09:42

Các chuyên gia nhận định, DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã tự ý thức được việc cải tiến, nâng cao năng lực của mình nhằm khẳng định vị thế tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, số DN công nghiệp hỗ trợ hiện đạt khoảng 5.000 DN. Các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ hiện nay cũng đang cung cấp đủ trong nước và xuất khẩu đi một số thị trường trên thế giới như: các sản phẩm dây cáp điện, hộp số, các linh kiện nhựa… Thị trường xuất khẩu chủ yếu của ta là Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc, Hoa Kỳ.

Điều đáng ghi nhận nữa là hiện nay các DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã tự ý thức được việc cải tiến, nâng cao năng lực của mình thông qua đào tạo đội ngũ quản lý, cũng như đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trong quy trình sản xuất. DN công nghiệp hỗ trợ khẳng định vị thế tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu.

Theo số liệu, số lượng DN tham gia làm nhà cung ứng cấp một cho các tập đoàn đa quốc gia là khoảng 100 DN; cung ứng cấp hai, cấp ba là khoảng 700 DN. Trong đó, ở lĩnh vực điện tử, Samsung hiện có khoảng 50 DN là nhà cung ứng cấp một và khoảng 170 DN là nhà cung ứng cấp hai. Ở lĩnh vực cơ khí- ô tô, Việt Nam có khoảng 12 DN tham gia cung ứng cấp một cho Toyota.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nội địa hóa của các sản phẩm công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng được cải thiện rất đáng kể trong thời gian vừa qua. Cụ thể như trong lĩnh vực dệt may, da giày, tỷ lệ nội địa hóa khoảng 45- 50%; các lĩnh vực cơ khí chế tạo đạt 15- 20%; lĩnh vực sản xuất, lắp ráp ô tô 5- 20%, riêng đối với một số sản phẩm xe như xe tải và xe khách thì tỷ lệ này nội địa hóa này cao hơn.

Chia sẻ tại Hội thảo “Tháo gỡ khó khăn, tăng lực cho công nghiệp hỗ trợ” diễn ra vừa qua, ông Phạm Tuấn Anh- Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương) cho hay, trong khoảng gần 10 năm trở lại đây, với sự quan tâm của Đảng, Chính phủ, các bộ, ngành và các địa phương, ngành công nghiệp hỗ trợ mà cụ thể là DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đã có những chuyển biến tích cực cả về số lượng DN cũng như sản phẩm.

Bên cạnh mặt tích cực nêu trên, bà Đỗ Thị Thúy Hương- Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam cũng thẳng thắn nhìn nhận, những kết quả nêu trên còn có những hạn chế. Trong đó phải kể đến DN công nghiệp hỗ trợ Việt Nam hiện nay vẫn đang nằm ở trong phân khúc giá trị gia tăng rất thấp trong chuỗi cung ứng; phần nghiên cứu phát triển (R&D) tại các DN công nghiệp hỗ trợ cũng đã có được quan tâm đến nhưng chưa thực sự đúng mức.

Bên cạnh đó, mối liên kết giữa các DN công nghiệp hỗ trợ với các DN FDI chưa được chặt chẽ, mặc dù trong thời gian vừa qua các bộ, ngành, địa phương cũng đã rất nỗ lực trong việc kết nối các DN công nghiệp hỗ trợ trong nước với các tập đoàn đa quốc gia.

Theo bà Hương, để nâng cao năng lực canh tranh, DN rất cần có sự hỗ trợ đầu tư về công nghệ để DN có thể tiếp cận vào chuỗi cung ứng của các tập đoàn lớn đang hoạt động tại Việt Nam. Hơn hết, muốn phát triển phải quan tâm dìu dắt những thế hệ thanh niên Việt Nam đã và đang du học, làm việc, làm thuê ở nước ngoài trở về quê hương, hình thành nên những DN sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo để hun đúc tinh thần khởi nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

Ở góc độ quản lý, ông Phạm Tuấn Anh chỉ rõ những hạn chế cần sớm khắc phục. Đó là ngành công nghiệp hỗ trợ nước ta còn khá non trẻ, yếu kém ở một số phân ngành. Quy mô và năng lực của các DN công nghiệp hỗ trợ còn nhiều hạn chế, khả năng cạnh tranh của sản phẩm được đánh giá là chưa cao.

Đặc biệt, trong bối cảnh khó khăn chung toàn cầu, các nước có nhiều thay đổi trong chính sách xây dựng chuỗi cung ứng, nhiều cơ hội và thách thức đặt ra cho các DN hỗ trợ Việt Nam. Hơn lúc nào hết, các DN đang cần được tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tiếp thêm những trợ lực từ chính sách, cơ chế để tăng cường nguồn lực, khả năng ứng dụng khoa học công nghệ, qua đó nâng cao chất lượng sản phẩm và sức cạnh tranh trong chuỗi cung ứng.

Còn ở góc độ DN, ông Nguyễn Vân- Phó Chủ tịch Hiệp hội DN ngành công nghiệp hỗ trợ TP.Hà Nội (HANSIBA) chia sẻ, các DN trong hiệp hội hầu hết đã vượt qua được khó khăn trong việc đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu và mất đi bạn hàng. Mặc dù vậy, cộng đồng DN công nghiệp hỗ trợ Hà Nội còn vô vàn khó khăn. Đó là, về năng lực cạnh tranh, các DN trong nước còn hạn chế, đặc biệt là những DN vừa và nhỏ, thiếu nguồn vốn, công nghệ, thậm chí cần hỗ trợ cả về công tác xúc tiến thương mại, bán hàng.

Để giúp DN phát triển, cần sự quan tâm từ các bộ, ngành trong việc tích cực phổ biến và triển khai hiệu quả các cơ chế chính sách của các cấp, cơ quan Trung ương từ Quyết định số 68/QĐ-TTg về Chương trình Phát triển công nghiệp hỗ trợ từ năm 2016 đến năm 2025. “Ở đâu đó, cơ chế chính sách hỗ trợ của Chính phủ còn chưa được phổ biến và triển khai việc thụ hưởng này đến các DN”- ông Nguyễn Vân chia sẻ.

Bên cạnh đó, bà Đỗ Thị Thúy Hương cũng cho rằng, vốn, công nghệ, nhân lực là 3 yếu tố quan trọng để DN phát triển, tạo động lực cho DN tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu một cách bền vững. Vì vậy, cần có chính sách để hỗ trợ tháo gỡ điểm nghẽn cho DN. Trước hết về vốn, tự thân DN rất khó, nên các chính sách cần tạo điều kiện cho DN tiếp cận một cách thuận lợi, phù hợp ngay khi DN có cơ hội kinh doanh. Về công nghệ, ngoài nội lực của DN cũng cần sự hỗ trợ từ các tổ chức trong và ngoài nước, liên kết hỗ trợ DN trong chuyển giao công nghệ. Đối với nhân lực, mô hình liên kết đào tạo giữa nhà trường và DN cần phải đẩy mạnh hơn nữa, để tạo động lực và cung cấp cho thị trường lao động đội ngũ nhân lực có tay nghề, đáp ứng đúng nhu cầu của DN.

Hà Thuỷ