Print

Singapore: Người nghèo được bảo vệ bởi hệ thống lương thực, thực phẩm kiểu mới

Thứ Hai, 25 /09/2023 14:13

Hệ thống lương thực, thực phẩm kiểu mới ở Singapore đang giúp đỡ người nghèo bằng cách tạo điều kiện họ tiếp cận với lương thực, thực phẩm được trồng trọt và chế biến tại địa phương với giá cả phải chăng hơn, cũng như tạo ra thêm nhiều việc làm cho thị trường lao động.

Singapore là một quốc gia có thu nhập bình quân đầu người và là một trong những nền kinh tế có thứ hạng cao trên thế giới. Tính đến năm 2017, tổng thu nhập quốc dân (GNI) vào khoảng 54.530 USD/người. Mặc dù Singapore không có chuẩn nghèo chính thức, song vẫn ghi nhận 10% hộ gia đình chỉ kiếm được ít nhất 1.323 USD/tháng. Trước thực tế này, hệ thống lương thực, thực phẩm kiểu mới ở Singapore đang giúp đỡ người nghèo bằng cách tạo điều kiện họ tiếp cận với lương thực, thực phẩm được trồng trọt và chế biến tại địa phương với giá cả phải chăng hơn, cũng như tạo ra thêm nhiều việc làm cho thị trường lao động.

Với đất nông nghiệp hạn chế, Singapore trước đây phụ thuộc vào nhập khẩu, với hơn 90% lương thực, thực phẩm đến từ nhiều nguồn bên ngoài. Việc này khiến hệ thống lương thực, thực phẩm của Singapore gặp nhiều khó khăn, rất dễ bị gián đoạn trong chuỗi cung ứng; do đó, Chính phủ luôn phải tìm kiếm các giải pháp thay thế để đảm bảo nguồn cung lương thực, thực phẩm quốc gia và hỗ trợ người nghèo, hộ gia đình nghèo. Một trong những giải pháp là Chính phủ áp dụng sáng kiến nông nghiệp công nghệ cao theo phương pháp “vườn thẳng đứng”. Đây là hình thức nuôi trồng, sản xuất thực phẩm trong các lớp xếp chồng lên nhau hay bề mặt nghiêng theo chiều dọc.

Mô hình canh tác này sử dụng tối đa các kỹ thuật và công nghệ để kiểm soát toàn bộ các yếu tố môi trường như nhiệt độ, độ ẩm, nước... Đặc biệt, có thể trồng cây mà không sử dụng đất, hay phát triển hoàn toàn nhờ ánh sáng nhân tạo từ hệ thống đèn LED thay cho ánh sáng mặt trời. Có 3 hình thức canh tác điển hình nhất là thủy canh, khí canh và nuôi- trồng thủy canh. Những hình thức canh tác này hoàn toàn không phụ thuộc vào tự nhiên, đồng thời còn giúp giải quyết vấn đề về quỹ đất eo hẹp và bài toán không gian xanh tại Singapore, thuận lợi hướng tới “Mục tiêu 30x30”- đó là, sản xuất 30% lương thực, thực phẩm tại địa phương vào năm 2030. Và xa hơn, hệ thống lương thực, thực phẩm kiểu mới ở Singapore nỗ lực đạt mục tiêu giảm nghèo bởi trong trường hợp chuỗi cung ứng lương thực, thực phẩm bị gián đoạn, người nghèo, hộ gia đình nghèo bị ảnh hưởng nhiều nhất.

Ngân hàng Thực phẩm Singapore thống kê, 10,4% hộ gia đình được khảo sát cho biết, đã gặp phải tình trạng mất an ninh lương thực trong khoảng thời gian 12 tháng từ năm 2018 đến năm 2019. Do đó, bằng cách đảm bảo hệ thống lương thực, thực phẩm kiểu mới, người nghèo, hộ gia đình nghèo sẽ tiếp cận đầy đủ hơn với lương thực, thực phẩm với giá cả phải chăng nhất có thể. Bên cạnh đó, NLĐ có thu nhập thấp có thể cải thiện kỹ năng, kiến thức và gia tăng thu nhập bằng cách tham gia vào ngành nông nghiệp đô thị và các lĩnh vực liên quan. Như vậy, hệ thống lương thực, thực phẩm kiểu mới không chỉ giúp “xóa đói”, mà còn mang lại hiệu quả “giảm nghèo” nhất định.

Giáo dục đóng một vai trò quan trọng trong đảm bảo hệ thống lương thực, thực phẩm kiểu mới và xóa đói giảm nghèo. Singapore đã nắm bắt điều này bằng cách triển khai thực hiện các chương trình giáo dục nhằm nâng cao nhận thức về dinh dưỡng, giảm thiểu rác thải và tiêu dùng có trách nhiệm. Bằng cách trang bị cho người dân kiến thức về lựa chọn thực phẩm lành mạnh, cũng như giảm lãng phí thực phẩm, giáo dục góp phần xây dựng cộng đồng khỏe mạnh hơn và ổn định hơn về kinh tế. Như vậy, bằng cách phát triển các sáng kiến nông nghiệp bền vững và xây dựng hệ thống lương thực, thực phẩm kiểu mới, Chính phủ Singapore đang phấn đấu vì mục tiêu không người nghèo nào “bị bỏ lại phía sau”. Và mặc dù tỷ lệ nghèo tương đối thấp, song Singapore vẫn coi trọng vấn đề xóa đói giảm nghèo, hướng tới trở thành một xã hội thực sự hòa nhập và công bằng cho tất cả mọi người.

Tùng Anh (Theo AsiaOne)