Print

Olympic Việt Nam dừng bước tại ASIAD 19: Tiếc, nhưng không bất ngờ

Thứ Hai, 25 /09/2023 15:24

Đội tuyển Olympic Việt Nam đã không thể tạo nên bất ngờ, sau trận thua 1-3 trước Olympic Saudi Arabia. Thực tế, đây là một thất bại được dự báo từ trước, bởi nhiều nguyên nhân sâu xa.

Tuyển Olympic Việt Nam, chính xác là đội U23+ 2 tuyển thủ trên 23 tuổi, và nếu cần chính xác hơn nữa, thì là: 18 cầu thủ U20 + 2 cầu thủ U23 + 2 tuyển thủ trên 23 tuổi, đã dừng bước tại vòng bảng môn bóng đá nam ASIAD 19, trở thành đội Olympic Đông Nam Á duy nhất không qua vòng bảng. Không bất ngờ, không hụt hẫng nhưng có chút nuối tiếc.

Ngay từ giai đoạn chuẩn bị của đội bóng, các thông tin truyền thông phát đi từ LĐBĐ Việt Nam đã nhấn mạnh rõ: “Có 2 đội U23 được thành lập với 2 mục tiêu khác nhau!”.

Một đội, do HLV Philippe Troussier dẫn dắt, được thành lập với mục tiêu tham dự vòng loại và cố gắng giành vé dự giải U23 châu Á.

Đội còn lại, do HLV Hoàng Anh Tuấn dẫn dắt, thành lập với thành phần cầu thủ và mục đích như trên.

Với một lực lượng mà chỉ cần nhìn vào độ tuổi tham dự, chưa tính tới các yếu tố chuyên môn khác như thể chất, thể hình, kinh nghiệm, bản lĩnh, người hâm mộ- đừng nói tới HLV, cựu cầu thủ, chuyên gia bóng đá cũng có thể nhận thấy sự thua thiệt về chất lượng đội bóng của chúng ta so với mặt bằng Đông Nam Á, chưa nói tới những đối thủ vượt tầm, như Iran hay Saudi Arabia.

Chưa hết, phải tới ngày 13/9- tức là 3 ngày trước khi đội lên đường dự ASIAD 19, HLV Hoàng Anh Tuấn mới có thêm 12 cầu thủ, bổ sung từ U23 do HLV Troussier chỉ đạo; cũng tức là, khi đội Olympic Việt Nam mới có đủ quân số để tập luyện, cả về thể lực, chiến thuật, mảng miếng tấn công- phòng thủ, bộ khung đội bóng…

So với những lần chuẩn bị trước đây, các HLV đều cần tối thiểu 3 tháng để rèn quân, hẳn chúng ta sẽ dễ dàng thông cảm với thất bại này của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn.

Olympic Việt Nam không được kì vọng sẽ đạt thành tích cao ở ASIAD 19.

Dự báo này được ngầm hiểu thông qua phản ứng của NHM và truyền thông trong nước. Tới ngày thi đấu đầu tiên của môn bóng đá nam, thậm chí là lễ khai mạc của Đại hội, không có một cơ quan báo chí nào của Việt Nam mua được bản quyền sự kiện, để tường thuật trực tiếp cho bà con theo dõi; và tinh thần sôi sục, thậm chí là phản ứng tiêu cực của NHM, đối với việc không thể theo dõi trực tiếp các trận đấu của Olympic Việt Nam cũng chỉ lăn tăn như nước sôi mắt cua.

Thái độ này hoàn toàn khác, so với những gì xảy ra vào năm 2018!

"Đá thế này, Olympic Việt Nam sẽ về nhà sớm"- đó chính là phát biểu của HLV Hoàng Anh Tuấn, sau chiến thắng 4-2 của các học trò trước Olympic Mông Cổ.

NHM có thể cho rằng nhà cầm quân sinh năm 1968 "khó tính và khắt khe với học trò". Nhưng đến bây giờ, khi có thời gian để nhìn lại và đối chiếu, đó là lời tự sự từ đáy lòng.

Hiển nhiên, ông Hoàng Anh Tuấn hiểu quá rõ các đối thủ Olympic Iran và Saudi Arabia cùng có 7 trận đấu ở các giải quốc tế và giao hữu khác nhau, trong riêng năm 2023, không phải là Olympic Mông Cổ- chỉ có vỏn vẹn 2 trận giao hữu trước khi sang Trung Quốc.

Và chính ông sau đó cũng phải thừa nhận: “Kết quả như thế nào tôi cũng đã đoán được trước. Cầu thủ của chúng ta còn quá trẻ. Họ thua cả Iran, Saudi Arabia về cả tuổi tác lẫn chuyên môn. Tôi cũng có hơi tiếc khi ở giải này các cầu thủ thi đấu chưa đúng sức.

Có nhiều yếu tố, chẳng hạn họ đã phải thi đấu quá nhiều, rồi áp lực tâm lý, thiếu vắng cầu thủ khiến họ chơi chưa đúng chuyên môn. Thật ra, những kết quả ở Asiad lần này là hợp lý”.

Một thành tích thất vọng, được các bên- từ NHM, truyền thông cho đến chính VFF, và những người trong cuộc như HLV, cầu thủ- ngầm hiểu và xác nhận ngay từ đầu.

Thi xong xuôi, tất cả lại về!

Nhưng, rõ ràng HLV Hoàng Anh Tuấn, các thành viên BHL, các chuyên gia bóng đá của VFF hẳn đã nhìn ra hơn 1 bài học từ thất bại, có phần cay đắng này. Nó không chỉ là việc “chúng ta đều để thua ở những thời điểm nhạy cảm, điều đó thật đáng tiếc", như lời ông Tuấn chia sẻ; mà còn là “những bài học sâu sắc” để hướng tới tương lai.

Không riêng Việt Nam, cả Đông Nam Á đều chuẩn bị cho tương lai, phản chiếu ở cách họ dùng cầu thủ trẻ tại ASIAD 19.

Olympic Thái Lan có 6/22 cầu thủ U20 và không tăng cường cầu thủ quá tuổi. Olympic Indonesia cũng có 6/20 cầu thủ U20 và tăng cường 01 cầu thủ quá tuổi.

Chúng ta có 2 người quá tuổi, nhưng trong cả 3 trận đấu tại vòng bảng, HLV Hoàng Anh Tuấn đều không sử dụng Đỗ Sĩ Huy, Nhâm Mạnh Dũng vì lý do chiến thuật và… đau mắt đỏ.

14 cầu thủ U20 của chúng ta đã có cơ hội vào sân, và tích lũy những kinh nghiệm rất bổ ích. Nhưng giá như, suất của Đỗ Sĩ Huy được dùng cho một tiền vệ quá tuổi, hẳn tác động chuyên môn và bản lĩnh của anh ta vào trận đấu sẽ trực tiếp và rõ ràng hơn.

Các đội Olympic Myanmar, Thái Lan và Indonesia đều có thêm ít nhất một trận đấu nữa để cọ xát, có nghĩa là có thêm kinh nghiệm để trau giồi.

Còn chúng ta thì không- đó hẳn cũng là một bài học sâu sắc… về cách chọn và dùng người.

Hoàng Hương