Print

Phát huy các nguồn lực, phát triển BHXH, BHYT trên địa bàn Thủ đô

Thứ Hai, 25 /09/2023 21:05

Ngày 25/9, Hội đồng Quản lý (HĐQL) BHXH thực hiện giám sát công tác tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT tại BHXH TP.Hà Nội giai đoạn 2021-2023. Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường chủ trì giám sát cùng sự tham gia của Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa và lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.

Ghi nhận kết quả tích cực

Theo báo cáo của BHXH TP.Hà Nội, trong giai đoạn 2021-2023, BHXH Thành phố đã chủ động làm tốt công tác tham mưu Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố chỉ đạo thực hiện chính sách, pháp luật BHXH, BHYT. Theo đó, trong gần 3 năm qua, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố ban hành 44 văn bản (bao gồm: 2 Nghị quyết, 2 Chương trình, 1 Chỉ thị, 11 Kế hoạch, 7 Quyết định và 21 văn bản) chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT trên địa bàn.

Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường phát biểu

Đặc biệt, Hà Nội đã huy động ngân sách thành phố để hỗ trợ người dân trên địa bàn tham gia BHXH tự nguyện. Cụ thể, năm 2022, đã hỗ trợ 44.635 người tham gia BHXH tự nguyện với số tiền là 8,2 tỷ đồng. Trong 8 tháng đầu năm 2023, đã hỗ trợ 58.158 người tham gia BHXH tự nguyện với số tiền là 13,16 tỷ đồng.

Số người tham gia BHXH, BHYT tăng nhanh qua các năm đều hoàn thành vượt kế hoạch được giao. Đến tháng 8/2023, số người tham gia BHXH bắt buộc trên địa bàn đạt trên 1,9 triệu người, tăng 80.085 người (4,17%) so với cùng kỳ năm 2022; đạt 94,24% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, chiếm 42,2% LLLĐ trong độ tuổi lao động (chỉ tiêu giao năm 2023 là 43%).

Số người tham gia BHXH tự nguyện là 77.520 người, tăng 8.780 người (12,77%) so với cùng kỳ năm 2022, đạt 75,36% Kế hoạch BHXH Việt Nam giao, chiếm 1,8% LLLĐ trong độ tuổi lao động (chỉ tiêu giao năm 2023 là 2%).

Số người tham gia BHYT là trên 7,7 triệu người, tăng 222.610 người, tăng 2,95% so với cùng kỳ năm 2022, đạt 97,98% kế hoạch BHXH Việt Nam giao, đạt tỷ lệ bao phủ 93,25% dân số (chỉ tiêu giao năm 2023 là 93,5%).

Đến nay, BHXH Thành phố đã ký hợp đồng với 03 tổ chức dịch vụ thu là Bưu điện, PVI và Viettel với 1.347 điểm thu và 2.289 nhân viên thu BHXH, BHYT. BHXH các quận, huyện, thị xã ký hợp đồng với 12 tổ chức dịch vụ thu BHXH, BHYT (02 phòng khám, bệnh viện; 03 hợp tác xã và 07 DN) với 13 điểm thu và 34 nhân viên thu.

BHXH Thành phố cũng đã phối hợp với Bưu điện Hà Nội và các tổ chức dịch vụ thu tổ chức 2.562 hội nghị khách hàng với trên 79.000 người tham dự; qua đó phát triển được 16.135 người tham gia BHXH tự nguyện và 15.752 người tham gia BHYT hộ gia đình.

Công tác thu, giảm chậm đóng cũng được triển khai đạt kết quả tích cực. Năm 2022, tổng số thu BHXH, BHYT, BH thất nghiệp của BHXH TP. Hà Nội là 54.212 tỷ đồng, tăng 5.089 tỷ đồng (10,4%) so với năm 2021, đạt 102% kế hoạch. Đến tháng 8/2023, tổng số thu 38.304 tỷ đồng, tăng 4.735 tỷ đồng (14,1%) so với cùng kỳ năm 2022, đạt 63,58% kế hoạch. Dự kiến đến hết năm 2023 thu 60.500 tỷ đồng, tăng 11,6% so với năm 2022.

Năm 2022, tổng số tiến chậm đóng BHXH, BHYT giảm 0,38% so với năm 2021; số tiền chậm đóng BHXH, BHYT phải tính lãi chiếm 2,5% tổng số phải thu (giảm 0,53% so với năm 2022). Đến tháng 8/2023, tỷ lệ chậm đóng giảm 0,81% so với cùng kỳ năm 2022; số tiền chậm đóng BHXH phải tính lãi chiếm 2,86% tổng số phải thu.

Hằng tháng, BHXH Thành phố chủ động phân tích, phân loại nợ BHXH, BHYT theo loại hình DN, ngành nghề sản xuất kinh doanh, thời gian nợ; xác định nguyên nhân, tính chất nợ, để có hình thức, biện pháp đôn đốc thu nợ cụ thể, phù hợp. Tổ chức thanh tra đột xuất chuyên ngành các đơn vị chậm đóng theo quy định...

Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa phát biểu

Quyền lợi BHXH, BHYT của người dân Thủ đô luôn được đảm bảo. Từ năm 2021 đến tháng 8/2023, BHXH TP đã chi 95.228 tỷ đồng đến khoảng 580.000 người hưởng lương hưu và trợ cấp BHXH hàng tháng, đảm bảo kịp thời, an toàn, chính xác. Giải quyết các chế độ BHXH, BH thất nghiệp cho 1.925.321 người, lượt người với số tiền 19.564,43 tỷ đồng.

Tính đến hết tháng 8/2023, trên địa bàn Hà Nội đã có trên 8,13 triệu lượt KCB được thanh toán BHYT.

BHXH TP.Hà Nội đánh giá, mặc dù số người tham gia BHXH, BHYT, trên địa bàn tăng nhanh qua các năm, tuy nhiên vẫn chưa đạt như mong muốn.

Việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT của một số chủ SDLĐ chưa nghiêm túc; vẫn còn tình trạng chậm đóng, trốn đóng, không tham gia BHXH hoặc tham gia BHXH không đầy đủ cho NLĐ.

Bên cạnh đó, công tác quản lý, thanh toán KCB BHYT trên địa bàn cũng đang gặp nhiều áp lực. Việc thực hiện tự chủ tài chính, gắn với phương thức thanh toán theo phí dịch vụ như hiện nay dẫn đến nhiều cơ sở KCB chỉ định bệnh nhân vào viện nội trú rộng rãi, kéo dài ngày điều trị, chỉ định rộng rãi, vượt quá mức cần thiết đối với xét nghiệm, chẩn đoán hình ảnh, thăm dò chức năng và các dịch vụ y tế. Tình trạng bệnh nhân ngoại tỉnh đến KCB tại Hà Nội ngày càng tăng cao; 7 tháng đầu năm phát sinh trên 1,08 triệu lượt KCB, chiếm 15,6% tổng số lượt KCB BHYT trên địa bàn....

Trong 3 tháng cuối năm, BHXH TP. Hà Nội tập trung mọi nguồn lực phát triển người tham gia BHXH, BHYT để đạt chỉ tiêu kế hoạch của UBND Thành phố, BHXH Việt Nam giao. Phấn đấu số thu BHXH, BHYT, BHTN đạt 60.250 tỷ đồng; giảm số tiền chậm đóng xuống dưới 2,5% tổng số phải thu.

Triển khai các giải pháp quản lý và sử dụng hiệu quả quỹ KCB BHYT, đảm bảo chi KCB BHYT không vượt dự toán do Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023.

Tiếp tục giải quyết, chi trả kịp thời các chế độ BHXH, BH thất nghiệp đảm bảo quyền lợi của người tham gia trên địa bàn Thủ đô.

Tiếp tục phát huy tiềm năng

Phát biểu tại buổi giám sát, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Đức Hòa ghi nhận những kết quả đạt được của BHXH TP.Hà Nội trong thời gian vừa qua.

Nhấn mạnh tiềm năng phát triển người tham gia BHXH, BHYT trên địa bàn thủ đô, Phó Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Hòa đề nghị BHXH Thành phố tích cực thực hiện đồng bộ các giải pháp, phối hợp với các Sở, ngành liên quan, tăng cường công tác tuyền truyền, vận động người dân tham gia BHXH, BHYT.

Với KCB BHYT, Phó Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam lưu ý BHXH TP.Hà Nội cần tiếp tục có giải pháp, biện pháp kiểm soát chi phí KCB BHYT trong phạm vi dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao. Phối hợp chặt chẽ với các cơ sở y tế để góp phần nâng cao chất lượng KCB, đảm bảo quyền lợi của người dân, đồng thời quản lý hiệu quả, cân đối bền vững quỹ KCB BHYT.

Để phát huy những kết quả đạt được, Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH Nguyễn Văn Cường đề nghị BHXH TP.Hà Nội tiếp tục bám sát chỉ đạo của BHXH Việt Nam, Thành ủy, HĐND, UBND Thành phố, tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách, pháp luật BHXH, BHYT trên địa bàn thủ đô.

Phát huy tối đa vai trò của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp trên địa bàn Hà Nội; chủ động phối hợp hiệu quả với các Sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã, triển khai thực hiện linh hoạt các giải pháp phát triển người tham gia BHXH, BHYT.

Tăng cường công tác thanh tra- kiểm tra, đẩy mạnh công tác thu, giảm số chậm đóng BHXH, BHYT. Nâng cao hơn nữa trách nhiệm giám định BHYT, qua đó đạt hiệu quả kiểm soát chi phí KCB BHYT, đảm bảo quyền lợi người tham gia.

Phó Chủ tịch chuyên trách HĐQL BHXH cũng đề nghị BHXH TP.Hà Nội cần chú trọng nâng cao ý thức văn hóa công sở trong giao tiếp, ứng xử với các tổ chức, cá nhân đến giao dịch làm việc. Tăng cường công tác kiểm tra công vụ, kiểm tra việc thực hiện các quy trình nghiệp vụ…

PV