Print

WHO: Y nghĩa của bao phủ tiêm chủng toàn cầu đối với người nghèo

Thứ Ba, 26 /09/2023 12:02

Đại dịch có thể xảy ra bất cứ lúc nào- đây là một thực tế mà thế giới đã nhận thức sâu sắc trong vài năm qua. Đại dịch Covid-19 đã dạy cho chúng ta về tác động tàn khốc của các bệnh truyền nhiễm mới nổi hoặc các bệnh liên quan đến đói nghèo (EID) và do đó, ý nghĩa của bao phủ tiêm chủng càng được tô đậm.

Tiêm chủng có thể cứu mạng sống của con người, song với đối tượng người nghèo, khả năng tiếp cận nguồn tài nguyên này không phải là lý tưởng. Vì vậy, cần phải mở diện bao phủ tiêm chủng toàn cầu, vì điều này có thể thay đổi nền tảng sức khỏe, cũng như sinh kế, của người nghèo trên khắp thế giới.

Trên khắp thế giới, bệnh tật tàn phá cuộc sống của mọi người, trong đó ảnh hưởng nhất là người nghèo. Nền tảng sức khỏe không tốt, thì không có khả năng làm việc có năng suất, dẫn đến thu nhập thấp và có nguy cơ đói nghèo. Ngược lại, càng đói nghèo, thì sức khỏe càng kém, phải chịu gánh nặng tài chính để có tiền chạy chữa, nghèo lại càng nghèo.

Bên cạnh đó, còn có một số bệnh liên quan đến đói nghèo hay còn gọi là PRD. 2 trong số 3 ca tử vong ở trẻ em ở Châu Phi, Đông Nam Á là do 6 bệnh lao, sốt rét, HIV/AIDS, sởi, viêm phổi và tiêu chảy. Kết hợp với biến chứng khi sinh con, 6 căn bệnh này làm tử vong 14 triệu người/năm. 3 bệnh PRD có số người mắc nhiều nhất là AIDS, sốt rét và lao chiếm 18% tổng số bệnh ở các quốc gia đang phát triển. Mặc dù vậy, khoảng 30% dân số toàn cầu và 50% dân số ở những khu vực nghèo nhất thuộc Châu Phi, Châu Á không được tiếp cận thường xuyên với các loại thuốc cần thiết.

Vắc-xin là phương pháp điều trị cho nhiều bệnh PRD nhưng thực tế nhiều người nghèo chưa được tiếp cận nguồn tài nguyên quý giá này. Lấy vắc-xin tiêm phòng Covid-19 làm ví dụ, tính đến tháng 10/2022, chỉ có 25% dân số sống ở các quốc gia có thu nhập thấp được tiêm ít nhất 1 liều vắc-xin; trong khi đó, các quốc gia thu nhập cao có tỷ lệ là 72%. Tương tự, vắc-xin phòng tả có sẵn trên toàn thế giới nhưng hiếm khi được sử dụng ở cơ sở y tế công cộng ở các quốc gia đang phát triển, mặc dù cực kỳ cần thiết. Hay vắc-xin HPV chỉ được tiêm ở 41% quốc gia có thu nhập thấp, trong khi con số này ở các quốc gia có thu nhập cao là 83%.

Thực ra, trong những năm gần đây, thế giới đã ghi nhận những nỗ lực bao phủ vắc-xin với người nghèo, bởi mọi nghiên cứu đều cho thấy việc tiếp cận vắc-xin đầy đủ có lợi ích như thế nào đối với đối tượng này. Ví dụ, kể từ năm 2019, Malawi, Ghana và Kenya đã tham gia Chương trình Triển khai vắc xin sốt rét (MVIP) do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều phối và Liên minh Vắc-xin, toàn cầu (GAVI); Quỹ Toàn cầu Phòng, chống AIDS, lao và sốt rét và UNITAID tài trợ để nâng độ bao phủ vắc-xin sốt rét. Hiện vắc-xin này đã được tiêm cho hơn 1,7 triệu trẻ em, giúp giảm đáng kể tỷ lệ mắc bệnh sốt rét nghiêm trọng và giảm tỷ lệ tử vong.

Như vậy, có thể khẳng định, “tiêm chủng toàn cầu sẽ thay đổi thế giới”. Nhờ tiêm chủng, khả năng tiếp cận dịch vụ chăm sóc phòng ngừa bệnh PRD tăng lên, các cộng đồng có thu nhập thấp sẽ củng cố được nền tảng sức khỏe. Tiêm chủng cũng giúp ngăn ngừa các biến thể mới đang nổi lên, hỗ trợ hệ thống y tế và giúp các quốc gia khỏi thiệt hại kinh tế lâu dài vì chi phí y tế. Chẳng hạn, nếu các quốc gia thu nhập thấp có tỷ lệ tiêm phòng Covid-19 tương đương với các quốc gia thu nhập cao vào tháng 9/2022 (khoảng 54%) thì GDP của họ sẽ tăng thêm 16,27 tỷ USD.

Tùng Anh (Theo WHO)