Cảnh báo virus Corona tái bùng phát
Bà Thạch Chính Lệ, nhà nghiên cứu lừng danh từ Viện Virus học Vũ Hán của Trung Quốc, cảnh báo một dịch bệnh tương tự COVID-19 có thể bùng lên từ 20 loài virus Corona thuộc diện "nguy cơ cao".
Thạch Chính Lệ là chuyên gia hàng đầu về nghiên cứu các virus giống SARS lây từ động vật sang người, đặc biệt là từ dơi. Tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng đưa tin, cảnh báo trên được bà và các đồng nghiệp đưa ra trong một nghiên cứu công bố mới đây, trong đó họ khẳng định thế giới cần phải chuẩn bị cho một căn bệnh khác tương tự COVID-19. Bởi, nếu một loại virus corona gây ra bệnh đã xuất hiện trước đó thì có nguy cơ cao nó sẽ bùng phát trở lại.
Virus Corona đã gây ra đợt bùng phát bệnh hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) trên toàn cầu vào năm 2003 khiến hàng nghìn người tử vong, và mới đây là COVID-19.
Trong nghiên cứu, nhóm của bà Thạch Chính Lệ tại Viện Virus học Vũ Hán đã đánh giá nguy cơ lây lan sang người của 40 chủng virus Corona và xác định một nửa trong số đó là có nguy cơ cao. Trong số này, 6 chủng đã từng gây bệnh cho con người, và có bằng chứng cho thấy 3 chủng khác đã gây bệnh hoặc lây nhiễm cho các loài động vật khác.
Nhóm chuyên gia đã tiến hành phân tích các đặc điểm của virus, như số lượng, sự đa dạng di truyền, loài vật chủ và bất kỳ tiền sử bệnh lây truyền từ động vật sang người trước đây. Họ đi đến kết luận rằng "gần như chắc chắn sẽ có bệnh xuất hiện trong tương lai và rất có thể dịch bệnh do virus corona sẽ tái diễn".
Nhóm tác giả cũng đã xác định được các vật chủ quan trọng của các mầm bệnh có nguy cơ cao, bao gồm các vật chủ tự nhiên hoặc trung gian (bao gồm lạc đà, cầy hương, lợn hoặc tê tê). Họ chỉ ra rằng các công cụ xét nghiệm nhanh chóng và nhạy bén có thể được sử dụng để chủ động giám sát những loại virus có nguy cơ cao này.
Một nhà khoa học tại Trung tâm Kiểm soát và Phòng chống dịch bệnh (CDC) Trung Quốc cho biết, trong khi hầu hết các nghiên cứu về virus đều đi sâu vào một loại virus cụ thể, thì nghiên cứu này gần giống với một "từ điển về virus Corona".
Nghiên cứu trên được xuất bản trên tạp chí tiếng Anh Vi khuẩn và Nhiễm trùng từ tháng 7, nhưng chỉ gây được sự chú ý trên mạng xã hội Trung Quốc vào tháng 9 này. Một phần nguyên nhân là do nghiên cứu không được viết bằng tiếng Trung Quốc.
Viện Virus học Vũ Hán là tâm điểm của nhiều mối hoài nghi và tranh cãi xung quanh nguồn gốc virus SARS-CoV-2 gây đại dịch COVID-19. Một số người lập luận rằng virus kỳ lạ và nguy hiểm này có thể đã bị rò rỉ từ phòng thí nghiệm của Viện, biến Vũ Hán thành tâm dịch đầu tiên trên thế giới. Phía Trung Quốc bác bỏ giả thuyết này, và nhiều nhà khoa học tin COVID-19 có nhiều khả năng bắt nguồn từ một loại virus ở động vật, có thể là dơi, sau đó truyền sang người thông qua một vật chủ không xác định.
Mới đây, bà Thạch Chính Lệ cũng lên tiếng phản bác những cáo buộc của phương Tây cho rằng virus corona xuất phát từ phòng thí nghiệm.
Hồi tháng 6, Văn phòng Giám đốc Tình báo quốc gia (ODNI) của Mỹ công bố một báo cáo dài 4 trang được giải mật về cuộc điều tra nguồn gốc COVID-19, trong đó kết luận cộng đồng tình báo Mỹ không loại trừ khả năng SARS CoV-2 đến từ phòng thí nghiệm nhưng họ vẫn không thể tìm ra nguồn gốc của virus này.
Ngọc Tuấn