Nhiều nguy cơ tiềm ẩn tai nạn thương tích, xâm hại trẻ em
Các bộ, ngành, địa phương hiện phối hợp tích cực thực hiện các biện pháp liên quan đến trẻ em, song tình hình xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích trẻ em vẫn diễn biến phức tạp với nhiều nguy cơ tiềm ẩn gia tăng…
Bà Nguyễn Thị Hà- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, 9 tháng năm 2023, Bộ LĐ-TB&XH đã chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc Bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện các chương trình, đề án về trẻ em, chủ động phối hợp triển khai các biện pháp giải quyết các vấn đề về trẻ em: bạo lực, xâm hại tình dục trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích; kịp thời tiếp nhận và giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến trẻ em; kịp thời chỉ đạo và kiến nghị giải quyết các vấn đề về trẻ em...
Tuy nhiên, tình hình xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích trẻ em vẫn diễn biến phức tạp với nhiều nguy cơ tiềm ẩn gia tăng. Bên cạnh đó, nguồn ngân sách trung ương hỗ trợ cho các chương trình, mục tiêu về trẻ em, đặc biệt về bảo vệ trẻ em không đáp ứng kịp yêu cầu thực tế; một số địa phương chưa quan tâm đầu tư, phân bổ ngân sách địa phương để triển khai các giải pháp, mô hình duy trì, phát triển dịch vụ bảo vệ trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích trẻ em; tổ chức và nhân lực làm công tác trẻ em thường xuyên có sự thay đổi, việc đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho đội ngũ này chưa thường xuyên nên ảnh hưởng tới chất lượng, hiệu quả công tác trẻ em...
Cũng theo bà Hà, năm 2024, Bộ LĐ-TB&XH tiếp tục triển khai thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ trẻ em, phòng chống xâm hại, tai nạn, thương tích trẻ em; chăm sóc sức khỏe tâm thần cho trẻ em... Thúc đẩy, hướng dẫn việc phân bổ ngân sách địa phương thực hiện các giải pháp, mô hình và hoàn thành các mục tiêu của Chương trình Hành động quốc gia Vì trẻ em giai đoạn 2021- 2030; chủ trì phối hợp, hướng dẫn bộ, ngành, địa phương triển khai lộ trình thực hiện các Khuyến nghị về quyền trẻ em của Ủy ban Quyền trẻ em của LHQ theo Kế hoạch thực hiện Khuyến nghị được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt...
Tại buổi làm việc với Bộ LĐ-TB&XH về lĩnh vực trẻ em, Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội ghi nhận kết quả các đơn vị đã chỉ đạo triển khai thực hiện và đạt được trong 9 tháng năm 2023 về công tác quản lý nhà nước và triển khai hiệu quả các chương trình, đề án, hoạt động về thanh niên, trẻ em. Đồng thời, đề nghị Bộ LĐ-TB&XH phối hợp với các Bộ, ngành hữu quan, các địa phương nghiên cứu giải pháp nâng cao hiệu quả và tính chủ động trong công tác phòng ngừa xâm hại trẻ em, tai nạn thương tích trẻ em; khắc phục tình trạng trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi ở vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn, tình trạng trẻ em thừa cân, béo phì, dậy thì sớm ở khu vực đô thị, tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số. Đặc biệt, quan tâm khắc phục những khó khăn, bất cập trong việc thực hiện chăm sóc thay thế đối với trẻ em mồ côi; tham mưu, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm công tác trẻ em các cấp; tăng cường công tác phối hợp liên ngành trong bảo vệ, chăm sóc trẻ em... Đồng thời, Bộ LĐ-TB&XH triển khai quyết liệt, hiệu quả các chương trình, đề án, dự án về trẻ em; rà soát, kiến nghị, tham mưu sửa đổi, bổ sung, từng bước hoàn thiện chính sách pháp luật về trẻ em...
Nguyệt Hà