Tỷ lệ hưởng lương hưu ở Việt Nam đang cao nhất khu vực
Bộ LĐ-TB&XH vừa có công văn gửi Đoàn ĐBQH tỉnh Thái Nguyên và Bà Rịa- Vũng Tàu trả lời kiến nghị của cử tri gửi tới sau kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV liên quan đến tỷ lệ đóng BHXH, hưởng lương hưu...
Trước phản ánh của cử tri tỉnh Thái Nguyên về mức đóng BHXH bắt buộc lao động Việt Nam theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH ngày 14/4/2017 của BHXH Việt Nam và Nghị định số 143/2018/NĐ-CP ngày 15/10/2018 của Chính phủ là quá cao (32%). Cử tri đề nghị nghiên cứu giảm mức đóng xuống 20% đến 25%, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, mức đóng BHXH (tỷ lệ đóng và mức tiền lương làm căn cứ đóng BHXH) được tính toán, cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện trong mối quan hệ: Tương quan, phù hợp với mức hưởng; tương quan với giá trị thực tế của mức đóng, mức hưởng các chế độ BHXH (giá trị tuyệt đối); tương quan giữa thời gian đóng và thời gian hưởng, mức độ bao phủ của các chế độ BHXH.
Về số tương đối, Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ đóng BHXH cao (Singapore, Trung Quốc, Nhật Bản, Malaysia…) nhưng tỷ lệ hưởng lương hưu ở Việt Nam cao nhất trong khu vực, thậm chí cao nhất trên thế giới. Theo quy định của pháp luật BHXH hiện hành, tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa của Việt Nam là 75% tương ứng với thời gian đóng BHXH là 30 năm đối với nữ và 35 năm đóng đối với nam. Như vậy, tỷ lệ tích lũy (tỷ lệ hưởng lương hưu tương ứng với một năm đóng BHXH) của Việt Nam hiện nay bình quân là 2,14% đối với nam và 2,5% đối với nữ, trong khi các nước như Trung Quốc và Hàn Quốc tỷ lệ này chỉ là 1%; bình quân của thế giới cũng chỉ khoảng 1,7%. Như vậy, việc đặt vấn đề giảm tỷ lệ đóng BHXH đồng nghĩa với việc phải giảm tỷ lệ hưởng các chế độ BHXH (tỷ lệ hưởng lương hưu) dẫn đến giá trị thực mức hưởng các chế độ của NLĐ còn thấp so với hiện hành, do đó không phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của Việt Nam hiện nay.
Cử tri tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu phản ánh tuổi nghỉ hưu của công nhân lao động tăng dần để nam đạt đến 62 tuổi, nữ đến 60 tuổi. Trong khi lao động làm việc trong ngành may mặc… sức khỏe suy giảm nên không thể làm việc đến độ tuổi này, phải xin nghỉ và không được hưởng lương hưu vì chưa đủ tuổi, phải nhận BHXH một lần… Do vậy, cử tri kiến nghị cần có những quy định cụ thể về những ngành, nghề được về hưu trước tuổi nhằm giải quyết các vấn đề bất cập hiện nay.
Về vấn đề này, Bộ LĐ-TB&XH cho biết, chế độ hưu trí hay được gọi là chế độ tuổi già, là một trong các chế độ của chính sách BHXH nhằm đảm bảo nguồn thu nhập hàng tháng cho NLĐ khi về già (đến tuổi nghỉ hưu). Theo quy định của pháp luật BHXH, NLĐ để được hưởng lương hưu hàng tháng phải đáp ứng đồng thời hai điều kiện về tuổi đời và thời gian đóng BHXH nhằm đảm bảo hài hòa, cân đối giữa thời gian đóng góp và thời gian thụ hưởng chế độ BHXH của NLĐ, từ đó đảm bảo cân đối và bền vững lâu dài của quỹ BHXH. Vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được thảo luận, thống nhất thông qua tại Nghị quyết số 28. Thể chế hóa chủ trương tăng tuổi nghỉ hưu tại Nghị quyết số 28, Quốc hội đã thống nhất ban hành Bộ luật Lao động năm 2019, trong đó Điều 169 và Điều 219 quy định về tuổi nghỉ hưu, điều kiện về tuổi hưởng lương hưu.
Trong quá trình nghiên cứu, xây dựng Bộ luật Lao động năm 2019, vấn đề tuổi nghỉ hưu đã được trao đổi, thảo luận, đánh giá một cách kỹ lưỡng, tổng thể các mặt có liên quan. Vì vậy, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu hay điều kiện về tuổi hưởng lương hưu của NLĐ không thực hiện tăng ngay lên 62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ mà được điều chỉnh theo lộ trình mỗi năm chỉ tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ. Bên cạnh đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu cũng đã xem xét tính đến các yếu tố về tính chất, loại hình lao động và sức khỏe của NLĐ, đối với những NLĐ làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế- xã hội đặc biệt khó khăn hoặc những NLĐ sức khỏe yếu (bị suy giảm khả năng lao động) thì cũng có thể nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn so với người làm việc trong điều kiện lao động bình thường (nghỉ hưu sớm hơn tối đa 5 tuổi hoặc 10 tuổi tùy từng trường hợp).
Bên cạnh đó, một số nghề, công việc thuộc lĩnh vực dệt may đã được quy định tại Mục X Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm ban hành kèm theo Thông tư số 11/2020/TT-BLĐTBXH ngày 12/11/2020 của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH. NLĐ làm nghề, công việc thuộc Danh mục nêu trên có thể được nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn theo quy định tại Điều 5 Nghị định số 135/2020/NĐ-CP ngày 18/11/2020 của Chính phủ về tuổi nghỉ hưu.
Trong thời gian tới, trên cơ sở đề xuất của các bộ, ngành, địa phương, Bộ LĐ-TB&XH sẽ tổng hợp, nghiên cứu, rà soát để sửa đổi, bổ sung Danh mục nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm và nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nói chung và trong ngành dệt may nói riêng nhằm đảm bảo thực hiện tốt các chế độ, chính sách cho NLĐ, trong đó có nội dung nghỉ hưu ở tuổi thấp hơn của NLĐ.
V.Thu