Chính sách BHYT HSSV: Góp phần giáo dục toàn diện
Mỗi buổi sáng, cô Phan Thị Huệ- nhân viên y tế Trường Tiểu học Kiến Hưng (Hà Đông, Hà Nội) khám cho khoảng 3-5 HS có các triệu chứng như: Sốt, chóng mặt, đau đầu, đau bụng... Với n những trường hợp nặng, cô liên hệ ngay với phụ huynh phối hợp đưa HS đến cơ sở y tế gần nhất. “Các con đang tuổi hiếu động, thích tìm tòi, khám phá, nên khó tránh những tổn thương không đáng có. Khi đó, chúng tôi sẽ thăm khám, giúp các con xử lý vết thương; đồng thời dặn dò, khuyên bảo để các con bảo đảm an toàn trong vui chơi, học tập”- cô Huệ chia sẻ.
Cũng theo cô Huệ, nhờ nguồn kinh phí BHYT, nên cơ sở vật chất, thuốc men cho phòng y tế của nhà trường được cải thiện, đáp ứng nhu cầu sơ cứu, cấp cứu và chăm sóc sức khỏe ban đầu cho HS. Để sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu do cơ quan BHXH chuyển về, nhà trường phối hợp với các BV tổ chức các đợt khám sức khỏe sàng lọc cho HS. Theo đó, mỗi HS đều có sổ khám bệnh để theo dõi và tổng kết tình hình sức khỏe. Nhà trường cũng chủ động thông báo cho phụ huynh nếu con em họ mắc hoặc có nguy cơ mắc các bệnh thường gặp như béo phì, suy dinh dưỡng, bệnh răng miệng, tật về mắt, cong vẹo cột sống… để có hướng điều trị, can thiệp sớm.
Cô Nguyễn Thị Hải Vân- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kiến Hưng cũng cho biết, bên cạnh ý nghĩa của việc chăm sóc sức khỏe ban đầu, việc tham gia BHYT còn giúp các em HS thể hiện trách nhiệm của bản thân với xã hội, nhất là trong việc chia sẻ rủi ro với cộng đồng. “Chính vì những lợi ích và giá trị nhân văn này, gia đình và nhà trường cùng phải chung tay đưa chính sách đi vào cuộc sống bằng việc chủ động, tích cực tham gia”- cô Vân nhấn mạnh.
Chia sẻ với phóng viên, anh Nguyễn Văn Tuấn (tổ 13, phường Kiến Hưng) cho biết: “Nhờ những chia sẻ của các thầy cô, tôi và gia đình nhận thức rõ các con mình là đối tượng bắt buộc tham gia BHYT cũng như ý nghĩa của chính sách. Vì thế, việc tham gia BHYT đã trở thành thói quen đều đặn được duy trì qua mỗi năm học”. Trong khi đó, theo chị Nguyễn Thị Hợi (trú tại chung cư Sông Nhuệ), BHYT có tính tương thân tương ái, chia sẻ rủi ro với những người không may bị ốm đau, bệnh tật, nên gia đình chị luôn tự giác tham gia cho con.
Trao đổi với chúng tôi, cô Nguyễn Thị Hải Vân- Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kiến Hưng cho biết thêm, một trong những giải pháp chính trong việc vận động HS tham gia BHYT chính là sự quyết tâm và đồng thuận cao của đội ngũ giáo viên và phụ huynh. Theo đó, ngay từ đầu năm học, các thầy cô đã tích cực tuyên truyền về quyền, lợi ích, mức đóng, mức hưởng BHYT trong cuộc họp phụ huynh; đồng thời truyền tải về ý nghĩa của chính sách trong các giờ sinh hoạt chào cờ đầu tuần, sinh hoạt tập thể, ngoại khóa, sinh hoạt giáo viên chủ nhiệm…
Cũng theo cô Vân, điều quan trọng nhất là phụ huynh HS ngày càng nhận thức rõ vai trò quan trọng của chính sách BHYT HSSV, nên trong năm học 2022-2023, nhà trường đạt 99,7% HSSV tham gia BHYT. Cũng theo cô Vân, BHYT HSSV là chính sách mang tính xã hội, không vì mục đích lợi nhuận do Nhà nước tổ chức thực hiện theo quy định tại Luật BHYT và được thực hiện theo nguyên tắc: Bảo đảm chia sẻ rủi ro giữa những người tham gia BHYT. Như vậy, việc tham gia BHYT còn thể hiện trách nhiệm chia sẻ với cộng đồng của mỗi người.
Sự vào cuộc tích cực của hệ thống chính trị và sự đồng thuận cao từ các nhà trường, phụ huynh, HS được xem là nền tảng trong việc thực hiện bao phủ 100% HSSV tham gia BHYT. Từ đây, thế hệ trẻ- chủ nhân tương lai của đất nước sẽ được thụ hưởng cơ chế chăm sóc sức khỏe toàn diện ngay từ trường học. Cùng với nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe ban đầu, nhiều em HS không may mắc bệnh còn được quỹ BHYT chi trả số tiền lớn, qua đó giúp gia đình giảm bớt gánh nặng tài chính.
Em Đào Thu Huyền (phường Trung Văn, Nam Từ Liêm, Hà Nội) là một trường hợp như vậy. Mỗi khi nhắc đến BHYT, trong Huyền lại trào lên sự biết ơn với một chính sách nhân văn. Huyền cho biết, trước đây em đã biết đến BHYT, nhưng khi trải qua lần phẫu thuật cong vẹo cột sống mới đây, em và gia đình mới thực sự thấm thía ý nghĩa của việc tham gia BHYT.
Chia sẻ với phóng viên, anh Đào Đăng Quý- bố của Đào Thu Huyền cho biết: Năm học trước, Huyền phải phẫu thuật nắn chỉnh cột sống tại BV Quân y 108. “Ca mổ tốn kém của gia đình gần 100 triệu đồng. Tuy nhiên, rất may mắn con đã được quỹ BHYT thanh toán 80%- tương đương hơn 70 triệu. Với gia đình tôi, đây là khoản tiền rất quý giá”- anh Quý xúc động chia sẻ. Bằng chính trải nghiệm của mình, anh Quý rất mong các phụ huynh khác hãy quan tâm tham gia BHT cho con em mình để đề phòng rủi ro.
Cô Nguyễn Thị Lý- Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Hà Nội)- nơi Huyền theo học cho biết: “Trong 5 năm qua, nhà trường luôn giữ vững kết quả 100% HS tham gia BHYT. Điều đó cho thấy nhận thức của HS và phụ huynh về ý nghĩa của chính sách BHYT đã có sự chuyển biến rõ rệt. Hiện nay, phần lớn phụ huynh đã chủ động tham gia BHYT cho con em mình ngay từ khi các con đang khỏe mạnh. Bởi, tham gia BHYT HSSV vừa để bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho thế hệ trẻ, vừa thể hiện lòng nhân ái, trách nhiệm với cộng đồng”. Cũng theo cô Lý, hiện nay, Trường THCS Nguyễn Du là một trong những “điểm sáng” trong công tác BHYT HSSV trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.
Trao đổi thêm với chúng tôi, ông Nguyễn Khánh Hoàng- Phó Giám đốc BHXH quận Nam Từ Liêm cho biết, năm học 2022-2023 tỷ lệ HSSV tham gia BHYT trên toàn quận đạt 99,04%. Còn trong năm học 2023-2024, tuy có nhiều khó khăn, nhưng BHXH quận sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông, trong đó đề nghị các trường đưa tỷ lệ tham gia BHYT HSSV vào tiêu chí thi đua và bình xét danh hiệu “Chi bộ trong sạch vững mạnh” hằng năm, phấn đấu 100% HSSV có thẻ BHYT.
“Trong nhiều năm qua, các trường học trên địa bàn quận đã phối hợp với BHXH quận thực hiện tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động HSSV tham gia BHYT, thực hiện tốt công tác thu nộp BHYT; quản lý, sử dụng hiệu quả kinh phí chăm sóc sức khỏe ban đầu tại trường học… Ngay từ đầu năm học, các trường đều đã lập kế hoạch và xây dựng tốt đội ngũ tuyên truyền viên, để vận động HS tham gia BHYT”- ông Hoàng chia sẻ.
Thực hiện và trình bày: Hà Hùng