Phát triển nông nghiệp thông minh để chống đói nghèo ở Bulgaria
Gần một phần tư dân số Bulgaria đang sống dưới chuẩn nghèo quốc gia và quốc gia này đang là một trong những quốc gia dẫn đầu thế giới về “nông nghiệp thông minh” để chống lại đói nghèo.
Cũng giống như các quốc gia khác, sự chênh lệch mức sống giữa khu vực thành thị và khu vực nông thôn ở Bulgaria khá lớn. Ở khu vực nông thôn, vẫn còn có nhiều nơi có giao thông trở ngại, cơ sở hạ tầng không đầy đủ, thiếu cơ hội việc làm cho người trong độ tuổi lao động… dẫn đến tình trạng đói nghèo dai dẳng. Theo số liệu của cơ quan thống kê, gần một phần tư dân số Bulgaria đang sống dưới chuẩn nghèo quốc gia. Và để góp phần giải quyết thực trạng này, Bulgaria nghiên cứu và áp dụng nông nghiệp thông minh trong lĩnh vực nông nghiệp.
Nông nghiệp thông minh được hiểu là việc tận dụng các công nghệ tiên tiến như Internet vạn vật (IoT), Trí tuệ nhân tạo (AI) và phân tích dữ liệu để tối ưu hóa các quy trình nông nghiệp. Cách tiếp cận này giảm thiểu lãng phí tài nguyên và tối đa hóa sản lượng, khiến nó trở thành phương pháp lý tưởng để chuyển đổi các phương pháp canh tác truyền thống. Một số sáng kiến, chương trình về nông nghiệp thông minh đã và đang được thí điểm ở Bulgaria có thể kể đến: Giám sát hỗ trợ IoT; Ra quyết định dựa trên dữ liệu AI; Đa dạng hóa canh tác thông qua hệ thống Vườn thẳng đứng. Trong đó:
Giám sát hỗ trợ IoT là giám sát từ xa tình trạng cây trồng, độ ẩm của đất và điều kiện thời tiết. IoT thu thập dữ liệu theo thời gian thực, cho phép nông dân đưa ra quyết định hợp lý về tưới tiêu, bón phân và kiểm soát sâu bệnh. Qua đó, làm tăng năng suất sản xuất nông nghiệp và mang lại lợi nhuận cao hơn cho người nông dân. Chẳng hạn, Công ty ProDrone Sys22 sử dụng công nghệ máy bay không người lái để giám sát tới 2.000 mẫu đất với thông tin chính xác về thời gian về tình trạng đất và cây trồng.
Ra quyết định dựa trên dữ liệu AI là các thuật toán dựa trên AI sẽ phân tích dữ liệu được thu thập, cung cấp thông tin chuyên sâu về mô hình tăng trưởng cây trồng và dự đoán các nguy cơ tiềm ẩn. Cách tiếp cận chủ động này giúp người nông dân có biện pháp khắc phục kịp thời, ngăn ngừa thất thoát năng suất và đảm bảo thu nhập ổn định. Năm 2019, Chính phủ Bulgaria đã công bố Chiến lược Số hóa nông nghiệp và nông thôn', trong đó AI được sử dụng để kiểm soát sản xuất, bảo vệ cây trồng khỏi các sinh vật gây hại và giảm bớt gánh nặng cho nông dân.
Đa dạng hóa canh tác thông qua hệ thống Vườn thẳng đứng: Ở những vùng nông thôn có điều kiện thiên nhiên khắc nghiệt hoặc thiếu nước hoặc đất canh tác hạn chế, việc canh tác thông qua hệ thống Vườn thẳng đứng hay canh tác theo chiều dọc đang có thế mạnh. Bằng cách sử dụng môi trường trong nhà được kiểm soát, cây trồng có thể được trồng quanh năm, giảm tác động của sự biến động theo mùa và nâng cao tiếp cận sản phẩm tươi cho người tiêu dùng. Vào năm 2022, hệ thống Vườn thẳng đứng lần đầu được thí điểm ở Bulgaria với việc Ultragreens mở Green Hub đầu tiên tại quốc gia này.
Như vậy, sự chuyển đổi của ngành nông nghiệp Bulgaria dựa trên nông nghiệp thông minh hứa hẹn sẽ tác động tích cực đến phòng, chống đói nghèo toàn cầu. Đây sẽ là mô hình giúp nông nghiệp nâng cao năng suất và hiệu quả, góp phần giúp các quốc gia đang phát triển khác đang đối mặt với những thách thức tương tự có thể nhân rộng. Bằng cách chia sẻ kiến thức chuyên môn và bí quyết công nghệ, cộng đồng quốc tế có thể tạo ra “hiệu ứng domino” nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất cho khu vực nông thôn trên toàn cầu. Khi thế giới đang đứng nhiều khó khăn, trở ngại trong cuộc chiến chống đói nghèo, thì nông nghiệp thông minh là một trong những giải pháp mang đến hy vọng về một tương lai tươi sáng, đủ đầy và sung túc hơn.
Tùng Anh (Theo Clutch.co)