Print

Tăng trưởng kinh tế sẽ tiếp tục cải thiện trong Quý IV/2023

Thứ Sáu, 29 /09/2023 12:25

Sáng ngày 29/9, Tổng cục Thống kê công bố số liệu thống kê kinh tế- xã hội Quý III và 9 tháng năm 2023, cho thấy nhiều điểm tích cực trong bức tranh kinh tế.

Sản xuất kinh doanh tăng trưởng tích cực

Thống kê cho thấy, GDP 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023. Tuy nhiên, đáng chú ý, trong Quý III/2023, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, và có xu hướng tích cực với mức tăng quý sau cao hơn quý trước (quý I tăng 3,28%, quý II tăng 4,05%, quý III tăng 5,33%).

Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43%, đóng góp 9,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,41%, đóng góp 22,27%; khu vực dịch vụ tăng 6,32%, đóng góp 68,57%.

Theo đánh giá, sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản Quý III và 9 tháng năm 2023 duy trì tăng trưởng ổn định. Hoạt động sản xuất kinh doanh trong Quý III/2023 tăng trưởng tích cực hơn. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2023 ước tính tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước (Quý I giảm 0,75%; Quý II tăng 0,95%; Quý III tăng 4,57%).

Đánh giá về tình hình sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm, bà Nguyễn Thị Hương- Cục trưởng Tổng cục thống kê nhận xét: Nhìn lại sản xuất công nghiệp 9 tháng đầu năm nay, có thể thấy xu hướng rõ nét, đặc biệt từ tháng 5 đến nay, công nghiệp hàng tháng liên tục tăng so với cùng kỳ với mức tăng tháng sau tăng cao hơn tháng trước, quý sau tích cực hơn quý trước. Cụ thể, sản xuất công nghiệp Quý I và Quý II đều giảm nhưng Quý III đã có sự khởi sắc hơn, Trong đó, ngành chế biến, chế tạo có sự cải thiện rõ rệt với mức tăng khá so với cùng kỳ. Một số ngành chủ lực của VN phục vụ xuất khẩu đã có tín hiệu rất tích cực, cụ thể: Sản xuất giường tủ bàn ghế; sản xuất kim loại; các sản phẩm từ kim loại đúc sẵn; dệt; sản phẩm thuốc lá; sản phẩm hóa chất; sản phẩm từ cao su và plastic. Ngành điện tử, ngành may, da giày đã có tín hiệu tốt hơn trong Quý III. Ở chiều ngược lại, một số ngành vẫn gặp khó khăn: xe có động cơ; mô tô xe máy.

Từ tình hình công nghiệp các tháng gần đây, và theo đánh giá của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo: dự báo Quý IV/2023 khả quan hơn quý III/2023 cả về tình hình KD, khối lượng sản xuất, đơn đặt hàng, đơn đặt hàng xuất khẩu. Tổng cục Thống kê nhận định: cùng với sự quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành, DN, hoạt động công nghiệp các tháng còn lại của năm 2023 chưa thể trở lại đà tăng trưởng cao nhưng vẫn tiếp tục khởi sắc hơn so với 9 tháng đầu năm.

Cụ thể, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong Quý III/2023 cho thấy: Có 30,1% số DN đánh giá tốt hơn so với quý II/2023; 37,5% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 32,4% số DN đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý IV/2023, có 39,1% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2023; 37,2% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 23,7% số DN dự báo khó khăn hơn. Trong đó, khu vực DN ngoài nhà nước lạc quan nhất với 77,3% số DN dự báo tình hình sản xuất kinh doanh quý IV/2023 tốt hơn và giữ ổn định so với quý III/2023; tỷ lệ này ở khu vực DN có vốn đầu tư nước ngoài và DN Nhà nước lần lượt là 74,4% và 74,3%. 

Nhiều điểm tựa tạo đà tăng trưởng

Kinh tế thế giới 9 tháng năm 2023 đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, hầu hết các nền kinh tế trên thế giới đều có mức tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng do tổng cầu suy giảm, và Việt Nam cũng chịu tác động không nhỏ. Tuy nhiên, nền kinh tế vẫn ghi nhận một số điểm sáng với số DN đăng ký mới và quay trở lại hoạt động vẫn đang duy trì tốc độ cao hơn số DN rút lui khỏi thị trường.

Trong tháng Chín, cả nước có 12.684 DN thành lập mới với số vốn đăng ký là 117,2 nghìn tỷ đồng và số lao động đăng ký là 80 nghìn lao động, giảm 9,7% về số DN, giảm 13,4% về vốn đăng ký và tăng 0,1% về số lao động so với tháng 8/2023. Tính chung 9 tháng năm 2023, cả nước có 116,3 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.086,8 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 748,9 nghìn lao động. Bình quân một tháng có 18,4 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động. Trong khi tính chung 9 tháng, bình quân một tháng có 15 nghìn DN rút lui khỏi thị trường.

Hoạt động thương mại, vận tải, du lịch tiếp tục sôi động. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 9 tháng năm 2023 tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước; vận chuyển hành khách tăng 13,1% và luân chuyển tăng 27,9%; vận chuyển hàng hóa tăng 14,6% và luân chuyển tăng 12,5%. Khách quốc tế đến nước ta ước đạt 8,9 triệu lượt người, gấp 4,7 lần cùng kỳ năm trước, tuy nhiên con số này vẫn chỉ bằng 69% so với cùng kỳ năm 2019- năm chưa xảy ra dịch Covid-19.

Cán cân thương mại hàng hóa 9 tháng năm 2023 ước tính xuất siêu 21,68 tỷ USD. Trong đó, tính chung 9 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa đạt 497,66 tỷ USD, giảm 11% so với cùng kỳ năm trước, trong đó xuất khẩu giảm 8,2%; nhập khẩu giảm 13,8%.

Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội trong 9 tháng năm 2023 theo giá hiện hành ước đạt 2.260,5 nghìn tỷ đồng, tăng 5,9% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 đạt 2.135,6 nghìn tỷ đồng, tăng 12,8%). Mức tăng chỉ tiêu này của Quý III đạt 7,6% cao hơn mức tăng của Quý II (5,6%) và quý I (3,6%). Điều này phản ánh kết quả nỗ lực của Chính phủ, các Bộ, ngành và địa phương trong việc quyết liệt đẩy mạnh thực hiện vốn đầu tư công nhằm tạo động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm. Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài thực hiện tại Việt Nam 9 tháng năm 2023 ước đạt 15,91 tỷ USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước, đạt mức cao nhất 9 tháng của các năm từ 2019 đến nay.

Phân tích các yếu tố tích cực và tiêu cực trong 9 tháng qua, theo đánh giá của Tổng cục Thống kê: tăng trưởng kinh tế nhiều khả năng sẽ được cải thiện trong các quý tới. Tuy nhiên, với những khó khăn từ bên ngoài và nội tại nền kinh tế thì tăng trưởng kinh tế sẽ không cao như kỳ vọng.

Thái An

Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân Quý III/2023 tăng 2,89% so với Quý III/2022. Tính chung 9 tháng năm nay, CPI tăng 3,16% so với cùng kỳ năm trước; lạm phát cơ bản tăng 4,49%.

Một số địa phương thực hiện tăng học phí theo lộ trình của Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, giá gạo, xăng dầu, gas trong nước tăng theo giá thế giới, giá thuê nhà ở tăng là những nguyên nhân chính làm cho CPI tháng 9/2023 tăng 1,08% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng Chín tăng 3,12% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,66%.