Thị trường lao động phục hồi thiếu bền vững
Tình hình lao động việc làm quý III/2023 cho thấy, sự phục hồi của thị trường lao động chưa thực sự bền vững, với đà phục hồi chậm lại, tỷ lệ lao động phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn...
Kết quả thống kê cho thấy, lực lượng lao động, số người có việc làm quý III/2023 tiếp tục tăng so với quý trước và so với cùng kỳ năm trước. Lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên trong Quý III/2023 là 52,4 triệu người, tăng gần 100 nghìn người so với quý trước và hơn 0,5 triệu người so với cùng kỳ năm trước. So với quý trước, con số này ở khu vực thành thị và khu vực nông thôn đều tăng (tăng tương ứng là 82 nghìn người và 10,7 nghìn người). Tình trạng hàng trăm nghìn lao động buộc nghỉ giãn việc, thôi việc, mất việc ở các doanh nghiệp đã diễn ra từ quý IV/2022 và các tháng đầu năm 2023 đã giảm nhiệt trong quý này.
Phân tích những điểm hạn chế của thị trường lao động đến thời điểm hiện nay, ông Phạm Hoài Nam- Vụ trưởng Vụ Thống kê Dân số và Lao động (Tổng cục Thống kê) chỉ rõ: trong bối cảnh tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo giảm xuống, do sức cầu tại các nền kinh tế phát triển hàng đầu đang yếu đi và tăng trưởng thương mại toàn cầu dự kiến cũng giảm, các doanh nghiệp và thị trường lao động Việt Nam đều chịu ảnh hưởng tiêu cực khi nền kinh tế trầm xuống. Cụ thể, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2023 khoảng 1,08 triệu người, tăng 6,3 nghìn người so với quý trước và tăng 22,1 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý III/2023 là 2,30%, không thay đổi so với quý trước và tăng 0,02 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
“Mặc dù số người lao động có việc làm nói chung vẫn tiếp tục tăng, tuy nhiên xét về chất lượng lao động thì thị trường lao động phát triển không mang tính bền vững, công việc của người lao động không ổn định, bấp bênh, điều kiện làm việc không bảo đảm và thu nhập thì thấp”, ông Nam nhận xét.
Số người có việc làm phi chính thức chung (bao gồm cả lao động làm việc trong hộ nông, lâm nghiệp và thủy sản) trong quý III/2023 là 33,4 triệu người, tăng 43,9 nghìn người so với quý trước và tăng 355,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy, người lao động Việt Nam khá linh hoạt để tìm kiếm công việc trên thị trường, họ có thể chấp nhận làm công việc phi chính thức để đảm bảo duy trì cuộc sống trong khi chưa tìm được công việc chính thức. Tuy nhiên, việc gia tăng số lao động phi chính thức cũng mang lại rất nhiều thiệt thòi cho bản thân họ, cũng như sự ổn định của thị trường lao động nói chung.
Tỷ lệ lao động có việc làm tăng nhưng tỷ lệ thiếu việc làm quý này không thay đổi so với quý trước và tăng so với cùng kỳ năm trước, người lao động ở khu vực công nghiệp và xây dựng chịu tác động nhiều nhất. Cụ thể, tỷ lệ thiếu việc làm trong độ tuổi lao động quý này là 2,06%, không thay đổi so với quý trước và tăng 0,14 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước. So với cùng kỳ năm trước, chỉ có khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản có số lao động thiếu việc làm trong độ tuổi lao động giảm (giảm 54,1 nghìn người), trong khi đó, ở khu vực công nghiệp- xây dựng và khu vực dịch vụ đều tăng (tăng 109,2 nghìn người và tăng 14,1 nghìn người).
Những bất ổn của thị trường lao động dẫn tới đời sống của người lao động quý III năm nay được cải thiện chậm. Nếu như quý III/2022 thị trường lao động đã ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ, đời sống của người lao động được cải thiện đáng kể, với tốc độ tăng thu nhập bình quân của người lao động lên tới 30,1% so với quý III/2021. Bước sang quý III/2023, thu nhập bình quân của lao động tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng so với cùng kỳ năm 2022, nhưng tốc độ tăng chậm lại đáng kể, chỉ tăng 5,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Thu nhập bình quân tháng của người lao động quý III/2023 là 7,1 triệu đồng, tăng 146 nghìn đồng so với quý II/2023 và tăng 359 nghìn đồng so với cùng kỳ năm trước. Thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,37 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (8,1 triệu đồng so với 5,9 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,39 lần khu vực nông thôn (8,6 triệu đồng so với 6,2 triệu đồng).
Thái An