Xu hướng "hôn nhân ly thân" ở Nhật Bản
Cặp vợ chồng người Nhật Hiromi và Hidekazu Takeda đã kết hôn nhiều năm và có chung một người con, nhưng họ quyết định sống xa nhau chứ không ở cùng nhà.
Trường hợp như Hiromi và Hidekazu Takeda không phải là hiếm ở Nhật, bởi nước này đang chứng kiến một xu hướng đang ngày càng phổ biến, đó là "hôn nhân ly thân", còn gọi là hôn nhân cuối tuần hoặc sống xa nhau (LAT). Lựa chọn này cho phép các cặp vợ chồng nếm trải những điều tốt đẹp ở cả hai phía, trong đó họ vừa được tận hưởng tình yêu và sự hỗ trợ dành cho nhau, vừa duy trì được lối sống của riêng mình mà không cần phải lo lắng về người còn lại.
Về cơ bản, hôn nhân ly thân cho phép các cặp vợ chồng trải nghiệm những lợi ích kết hợp của cả kết hôn và độc thân. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là mối quan hệ đó phải dựa trên tình yêu và sự tôn trọng nhau.
Trong cuộc phỏng vấn của BBC, Hiromi Takeda mô tả bản thân là một phụ nữ mạnh mẽ, độc lập, hiện đang làm huấn luyện viên và quản lý phòng tập thể hình. Chồng cô, anh Hidekazu, là chuyên viên tư vấn kinh doanh nên thường xuyên dành phần lớn thời gian trước máy tính để trả lời các email và viết báo cáo. Họ có lối sống rất khác nhau nhưng vì vẫn luôn yêu thương và tôn trọng nhau, họ không muốn can thiệp vào cuộc sống của nhau. Giải pháp của Hiromi và Hidekazu Takeda là sống xa nhau, ở riêng nhà cách nhau khoảng một giờ đi xe.
"Tôi hiếm khi qua đêm ở nhà vợ", anh Hidekazu chia sẻ với BBC. "Công việc của tôi rất áp lực và rất quan trọng trong cuộc đời tôi. Ở cuộc hôn nhân trước, tôi bận rộn với công việc đến mức có khi nhiều ngày liền không về nhà. Tôi nghĩ điều đó đã khiến vợ cũ của tôi rất không hài lòng. Bài học lớn nhất tôi rút ra từ cuộc hôn nhân đó là phụ nữ cần độc lập về tài chính".
"Nếu chồng tôi ở nhà, tôi không thấy thoải mái làm một số việc. Điều đó khiến tôi căng thẳng. Nhờ vợ chồng sống cách xa nhau, tôi không còn phải chịu áp lực đó", Hiromi Takeda tâm sự.
Con trai của cặp vợ chồng hiện sống cùng Hiromi. Cả hai chỉ gặp nhau 2-3 lần mỗi tuần, chủ yếu khi Hiromi cần chồng trông con hộ. Lối sống này phù hợp với cả hai người, mặc dù họ thừa nhận rằng không ít người xung quanh thực sự nghĩ họ đã ly thân hoặc ly hôn. Cặp vợ chồng đều tin sống chung không phải là điều cần thiết cho hôn nhân.
"Sống chung không phải là một yêu cầu bắt buộc. Tôi và chồng đều hài lòng với cuộc sống hiện tại. Chúng tôi chọn cuộc sống hôn nhân như hiện tại để cảm thấy an toàn, vì vẫn có người hỗ trợ về mặt tinh thần, trong khi vẫn có thể duy trì lối sống cá nhân. Tất cả chúng ta đều có quyền lựa chọn lối sống của riêng mình", Hiromi nói thêm.
Quyết định sống thử mô hình "hôn nhân ly thân" của gia đình Takeda bắt nguồn từ những trải nghiệm quá khứ của họ. Trong trường hợp của Hidekazu, đó là cuộc hôn nhân thất bại của anh với người vợ đầu tiên. Còn đối với Hiromi, lựa chọn này xuất phát từ việc chứng kiến những cuộc cãi vã triền miên của cha mẹ cô khi chung sống dưới cùng một mái nhà, khiến cô tự hỏi liệu những cặp vợ chồng không hạnh phúc khi sống chung có nên tiếp tục làm như vậy chỉ vì điều đó được xã hội chấp nhận.
Theo BBC, xu hướng "hôn nhân ly thân" đang ngày càng trở nên phổ biến ở Nhật Bản. Điều này thể hiện cách tiếp cận linh hoạt trong các mối quan hệ, cho phép mọi người trải nghiệm tình yêu và hỗ trợ của người bạn đời, mà không cần thỏa hiệp về sự nghiệp, sở thích và thói quen của nhau.
Ngọc Tuấn