Print

Hơn 1 tỷ người trên thế giới đang trong tình trạng “nghèo” Internet

Thứ Tư, 04 /10/2023 13:10

13% dân số toàn cầu, tương đương với hơn 1 tỷ người, đang trong tình trạng “nghèo” Internet.

Khi xem xét về tình trạng nghèo của một người hay một hộ gia đình, thậm chí là một quốc gia, người ta thường nhắc đến các nhu cầu cơ bản như nhà ở, lương thực, nước sạch, tình trạng nhà vệ sinh, y tế và KCB… Tuy nhiên, trong giai đoạn Cách mạng Công nghệ 4.0 và thời đại kỹ thuật số, một yếu tố nghèo mới đã xuất hiện, đó là “nghèo” Internet. Hay nói cách khác, truy cập internet đã trở thành điều tối quan trọng đối với tính di động xã hội trên toàn thế giới.

“Nghèo” Internet là gì?

Tương tự như các dạng nghèo khác, “nghèo” internet cũng có những thông số cụ thể. Theo đó, Cơ quan Dữ liệu Thế giới (The World Data Lab) xác định, mỗi người có quyền truy cập 1GB dữ liệu/tháng, với tốc độ tải xuống ít nhất là 10 mbps; chi phí internet này sẽ chiếm khoảng 10% chi tiêu trong tháng của một cá nhân. Như vậy, đối chiếu với chuẩn này, có tới 13% dân số toàn cầu- tương đương với hơn 1 tỷ người- đang sống trong tình trạng “nghèo” Internet. Gần một nửa số người “nghèo” internet sinh sống ở Châu Phi và hơn 400 triệu người ở Châu Á. Tính theo phần trăm, Tchad là quốc gia “nghèo” internet nhất, 83,6% dân số không được tiếp cận đầy đủ về Internet. Tính theo số người, Ấn Độ là nơi “nghèo” internet nhất, với 230 triệu người.

Kết nối Internet là cần thiết đối với cuộc sống con người, đặc biệt là kể từ sau khi đại dịch Covid-19 bùng phát, khiến NLĐ phải làm việc tại nhà nhiều hơn. Bên cạnh đó, Internet giúp NLĐ tìm kiếm việc làm, tiếp cận một số ngành đặc thù và vượt qua trở ngại về đường xá xa xôi hay khuyết tật về thể chất. Internet nâng cao kiến thức của mọi người thông qua phương tiện giáo dục hiện đại, nâng cao khả năng tiếp cận tin tức từ khắp nơi trên thế giới. Internet cũng nâng cao sự an toàn; ví dụ, tính năng định vị cho phép con người chia sẻ vị trí của họ với xã hội, bạn bè, góp phần ngăn chặn tác động của người xấu...

Bài học kinh nghiệm từ Lithuania và Hàn Quốc

Trong số các quốc gia “giàu” Internet, Lithuania và Hàn Quốc nổi tiếng về độ phủ sóng Tnternet, với 90% và 96% hộ gia đình được truy cập Internet với tốc độ cao. Không chỉ có thế mạnh về tốc độ, Internet của 2 quốc gia này còn có phạm vi phủ sóng rộng và giá cả phải chăng; nhờ vậy, phá bỏ cả 3 thông số về tình trạng “nghèo” Internet.

Để thoát “nghèo” Internet, Lithuania và Hàn Quốc đều tích cực đầu tư vào cơ sở hạ tầng Internet. Chương trình Cơ sở hạ tầng thông tin (South Korea’s Information Infrastructure Program, KII) của Hàn Quốc bắt đầu vào giữa những năm 90, cung cấp các khoản vay trị giá hàng triệu USD của Chính phủ cho các khu đô thị, khu công nghiệp và nhà cung cấp dịch vụ để lắp đặt mạng đồng, cáp quang trên toàn quốc. Năm 2005, Chính phủ mở rộng Chương trình tới khu vực nông thôn. Tương tự, Lithuania đặc biệt tập trung vào viễn thông bắt đầu từ những năm 2000, đưa quốc gia này trở thành một trong những quốc gia được kết nối kỹ thuật số sớm nhất- đây có thể nói là kỳ tích, bởi Lithuania mới tách khỏi Liên Xô vào năm 1990.

Bên cạnh đó, Lithuania và Hàn Quốc nỗ lực nâng cao hiểu biết về công nghệ cho người dân. Cụ thể, Sáng kiến Internet cho mọi người (Internet for All) của Lithuania và Ngôi làng Internet trong mơ (Internet Dream Village) của Hàn Quốc hỗ trợ người dân cách sử dụng Internet; đồng thời, cung cấp nhiều không gian công cộng truy cập Internet miễn phí. Đặc biệt, Hàn Quốc không bỏ rơi người dân nông thôn. Bằng việc đảm bảo người dân, từ thành thị đến nông thôn, tiếp cận và hiểu biết về công nghệ, người dân Hàn Quốc được tiếp cận và khai thác tất cả các lợi ích của Internet. Một trong những thành tựu của việc này là Hàn Quốc đã vươn lên trở thành một trung tâm trò chơi trực tuyến khổng lồ toàn cầu- ngành công nghiệp này đã kiếm được hơn 16 tỷ USD chỉ riêng trong nước vào năm 2022.

Cuối cùng, Lithuania và Hàn Quốc đều cho phép Internet phát triển trong một thị trường được bãi bỏ quy định. Kết quả là nhiều nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) có cơ hội phát triển, giúp hạ giá thành và việc kết nối Internet trở nên dễ ở cả 2 quốc gia. Không chỉ vậy, còn khuyến khích sự sáng tạo, đổi mới; ví dụ, các ISP lớn ở Hàn Quốc liên tục cải thiện, tăng tốc tốc độ truy cập cáp quang tăng khả năng cạnh tranh với các đối thủ cùng lĩnh vực.

Nhìn về phía trước

Như vậy, việc xuất hiện khái niệm “nghèo” Internet như một vấn đề toàn cầu chính là để nhấn mạnh tầm quan trọng của việc phổ cập Internet đến với người dân. Với hơn 1 tỷ người trên thế giới đang trong tình trang “nghèo” Internet, rõ ràng chuyển đổi số là rất quan trọng đối với tình trạng di cư, giáo dục, y tế… và An sinh xã hội. Thành công của Lithuania và Hàn Quốc sẽ tạo cảm hứng cho các quốc gia đầu tư mạnh mẽ hơn nữa vào cơ sở hạ tầng Internet; phổ cập các chương trình, khóa học nâng cao kiến thức về công nghệ cho người dân; thúc đẩy một thị trường cạnh tranh; tháo gỡ mọi rào cản để phát triển... nhằm thu hẹp khoảng cách “nghèo” Internet giữa nông thôn và thành thị, đảm bảo mọi người dân có thể tiếp cận được những lợi ích của Internet.

Tùng Anh (Theo Koreaboo)