Phát huy tinh thần năng động, sáng tạo để đảm bảo an sinh cho người dân Thủ đô
Chiều 4/10, Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam Nguyễn Thế Mạnh đã có buổi làm việc với BHXH TP.Hà Nội về kết quả thực hiện nhiệm vụ 9 tháng đầu năm và triển khai nhiệm vụ 3 tháng cuối năm 2023. Tham dự buổi làm việc có lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam.
Nhiều kết quả tích cực
Báo cáo với Tổng Giám đốc, ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP.Hà Nội cho biết, trong 9 tháng đầu năm, tình hình kinh tế-xã hội có nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của dịch bệnh, chiến tranh, đứt gãy chuỗi cung ứng, khiến các DN mất đơn hàng, cắt giảm lao động, làm ảnh hưởng trực tiếp đến công tác BHXH, BHYT. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm chỉ đạo sâu sát, thường xuyên của BHXH Việt Nam và Thành ủy, HĐND, UBND TP.Hà Nội, BHXH Thành phố đã nỗ lực, cố gắng, chủ động triển khai đồng bộ các giải pháp thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ được giao và đạt được kết quả tích cực.
Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh phát biểu tại buổi làm việc
Cụ thể, đến nay, trên địa bàn thành phố có 2.011.208 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 94,82% kế hoạch và chiếm 42,3% lực lượng lao động trong độ tuổi; 78.319 người tham gia BHXH tự nguyện, đạt 76,14% kế hoạch và chiếm 1,82% lực lượng lao động trong độ tuổi; 7.791.352 người tham gia BHYT, đạt 98,14% kế hoạch và đạt tỷ lệ bao phủ 93,29% dân số.
Toàn thành phố thu BHXH, BHYT được 43.411,9 tỷ đồng, đạt 72,06% kế hoạch. Công giải quyết, chi trả các chế độ được triển khai hiệu quả. Theo đó, đã giải quyết cho 477.046 lượt người hưởng chế độ BHXH, BH thất nghiệp; chi trả lương hưu và trợ cấp BHXH hằng tháng cho 581.036 người, với số tiền 28.668 tỷ đồng. Đồng thời, chi 16.090.859 triệu đồng chi phí KCB BHYT cho 9.084.834 lượt người, chiếm 80% dự toán được Thủ tướng Chính phủ giao năm 2023.
Buổi làm việc nhằm tháo gỡ những khó khăn cho BHXH TP.Hà Nội
Nhằm đảm bảo quyền lợi cho NLĐ, BHXH Thành phố đã thực hiện 3.293 cuộc thanh tra, kiểm tra. Trong đó, thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch được 2.596 cuộc, đạt 72,9% kế hoạch; thanh tra, kiểm tra đột xuất được 697 đơn vị. Kết quả, số tiền các đơn vị đã nộp để khắc phục chậm đóng BHXH, BHYT là 287,2 tỷ đồng, đạt 79,7% so với số phải khắc phục; truy đóng BHXH, BHYT cho 487 NLĐ do chưa tham gia, đóng thiếu thời gian với tổng số tiền đề nghị truy đóng là 11,1 tỷ đồng và 340 NLĐ đóng thiếu mức quy định với số tiền đề nghị truy đóng là 453,1 triệu. Ngoài ra, cơ quan BHXH cũng yêu cầu thu hồi về quỹ BHYT do các cơ sở KCB BHYT chi sai quy định với số tiền 13,8 tỷ đồng…
Số DN phá sản, ngừng hoạt động cao
Bên cạnh kết quả nổi bật, đại diện BHXH TP.Hà Nội cũng nêu rõ những khó khăn trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, nhất là tình trạng chậm đóng BHXH, BHYT. Cụ thể, toàn thành phố có 84.484 đơn vị chậm đóng (1.005.637 NLĐ) với tổng số tiền 5.523,4 tỷ đồng. Trong số đó có 14.916 đơn vị ngừng, dừng giao dịch, phá sản, giải thể với số tiền chậm đóng lên tới 1.712,3 tỷ đồng, chiếm 32% tổng số tiền chậm đóng.
Ông Phan Văn Mến- Giám đốc BHXH TP.Hà Nội báo cáo về tình hình thực hiện nhiệm vụ
Hiện nay, đơn vị SDLĐ được tách đóng BHXH, BHYT để giải quyết các chế độ BHXH, BHYT cho NLĐ, dẫn đến tình trạng nhiều DN lợi dụng, cố tình lạm dụng, chây ỳ đóng nộp BHXH. “Sau khi NLĐ đã được giải quyết các quyền lợi thì không có ý kiến đề nghị người SDLĐ đóng tiền BHXH, BHYT đầy đủ theo quy định pháp luật; không ủy quyền cho tổ chức Công đoàn khởi kiện đơn vị chậm đóng, dẫn đến việc khởi kiện các đơn vị chậm đóng ra Tòa án trên địa bàn thành phố chưa thực hiện được”- lãnh đạo BHXH TP.Hà Nội nêu khó khăn.
Chia sẻ tại buổi làm việc, ông Trần Văn Hoan- Giám đốc BHXH quận Cầu Giấy cho biết, tổng số tiền chậm đóng BHXH, BHYT trên địa bàn quận hiện nay là 671 tỷ đồng, trong đó số đơn vị ngừng hoạt động chiếm tới 215 tỷ đồng (32%); đơn vị nợ khó đòi có 403 đơn vị với số tiền 188 tỷ đồng (28%). “Việc các DN phá sản, có chủ bỏ trốn gia tăng khiến NLĐ rất khổ sở. Nhiều trường hợp đã kiến nghị với cơ quan BHXH cho phép họ được tự đóng khoản tiền mà DN nợ, để có thể hưởng các chế độ liên quan. Tuy nhiên, vấn đề này BHXH quận chưa có hướng giải quyết”- ông Hoan cho hay.
Giám đốc BHXH quận Cầu Giấy báo cáo khó khăn và nêu đề xuất với lãnh đạo Ngành
Ngoài khó khăn trong giải quyết chế độ cho NLĐ tại các DN phá sản, có chủ bỏ trốn, BHXH các quận, huyện cũng nêu một số khó khăn, kiến nghị như: Số người tham gia BHXH, BHYT tăng nhanh nhưng vẫn chưa đạt như mong muốn; DN tuyển dụng lao động và ký kết HĐLĐ không rõ ràng, không đúng quy định của Bộ luật Lao động, nên ảnh hưởng tới quyền lợi hợp pháp của NLĐ; nhiều đơn vị có đăng ký thành lập, có mã số thuế nhưng không tồn tại ở địa chỉ kinh doanh đã đăng ký, thành lập trong thời gian ngắn rồi giải thể; công tác rà soát dữ liệu thuế còn nhiều khó khăn, chênh lệch…
Trước những ý kiến trên, ông Dương Văn Hào- Trưởng ban Quản lý Thu-Sổ thẻ (BHXH Việt Nam cho rằng, giải quyết dứt điểm các chế độ cho NLĐ tại DN phá sản, ngừng hoạt động là điều cơ quan BHXH rất mong muốn. BHXH Việt Nam cũng đã họp bàn với các bộ, ngành liên quan, song hiện vẫn rất phức tạp. Do đó, việc NLĐ tự đóng thay cho phần DN nợ là không được. “Công văn 1025 đã nêu rất rõ rằng đóng đến đâu giải quyết đến đó, chúng ta không thể vượt cấp”- ông Dương Văn Hào nhấn mạnh.
Ông Dương Văn Hào cho ý kiến về lĩnh vực thu
Đối với công tác rà soát dữ liệu thuế, ông Hào cho biết, vừa qua, BHXH Việt Nam đã có buổi làm việc với Tổng cục Thuế về các nội dung liên quan đến trao đổi dữ liệu. Vì vậy, sau buổi làm việc, công tác trao đổi dữ liệu giữa hai cơ quan sẽ cởi mở hơn. Tuy nhiên, cũng cần nhận thức rằng, dữ liệu của hai đơn vị có mục đích quản lý khác nhau, nên BHXH các địa phương cần chắt lọc dữ liệu để khai thác đúng. Đặc biệt, cần dựa vào các văn bản hướng dẫn của BHXH Việt Nam để triển khai hiệu quả hơn nữa.
Cẩn trọng kiểm soát chi phí KCB BHYT
Chia sẻ rõ hơn về những khó khăn, vướng mắc trong công tác KCB BHYT trên địa bàn, bà Nguyễn Thị Tám- Phó Giám đốc BHXH TP.Hà Nội cho biết, dù đã xác định các chi phí gia tăng và chi phí lạm dụng phát hiện qua công tác giám định hiệu quả. Tuy nhiên, hiện chi phí KCB BHYT tại thành phố vẫn tăng cao so với năm 2022, dự kiến năm 2023 sẽ vượt dự toán Thủ tướng Chính phủ giao theo Quyết định số 877/QĐ-TTg. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do tăng đối tượng tham gia BHYT, tăng số lượng thông tuyến huyện và tăng điều trị nội trú trái tuyến tuyến tỉnh.
Bà Nguyễn Thị Tám- Phó Giám đốc BHXH TP.Hà Nội chia sẻ khó khăn trong KCB BHYT
Trong 9 tháng đầu năm 2023, toàn thành phố phát sinh 1.438.354 lượt KCB chuyển đến, tăng 342.345 lượt (31,2%) so với cùng kỳ năm 2022; chi phí 8.127,1 tỷ đồng, tăng 1.409,9 tỷ đồng (20,8%) so với cùng kỳ năm 2022. Riêng ở Hà Nội chỉ tăng 16%, trong đó 62,7% chi cho bệnh nhân trái tuyến, tương đương tăng 884 tỷ đồng. Ước cả năm, số chi ngoại tỉnh đến là 11.312,5 tỷ đồng, tăng 2.134 tỷ đồng so với năm 2022. Một số tỉnh chi phí chuyển đến Hà Nội cao hơn cả chi tại tỉnh như: Nam Định 752 tỷ đồng, Thanh Hóa 573 tỷ đồng, Hải Dương 493 tỷ đồng, Thái Bình 438 tỷ đồng, Hưng Yên 438 tỷ đồng...
Từ thực trạng trên, bà Nguyễn Thị Tám đề xuất, Luật BHYT (sửa đổi) cần đánh giá tác động về thông tuyến và trái tuyến nội trú tuyến tỉnh để bỏ KCB trái tuyến tuyến Trung ương và tuyến tỉnh. Lý do là trên thế giới không có nước nào quy định như vậy; mặt khác điều này làm thay đổi bản chất mô hình bệnh tật các địa phương, quá tải các BV tuyến trên và không phát triển được y tế cơ sở, cũng như chưa tính đến các chi phí xã hội khác. “Các bệnh nhân tỉnh khác thay vì KCB tại tỉnh lại lựa chọn các BV tuyến tỉnh tại Hà Nội như: Phụ sản, Tim, Ung bướu, Mắt, Bưu điện, Đại học Y… làm gia tăng số lượt điều trị nội trú tại các BV này và gia tăng chi phí”- bà Tám chia sẻ.
Ông Lê Văn Phúc cho ý kiến về lĩnh vực BHYT
Về vấn đề này, ông Lê Văn Phúc- Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT (BHXH Việt Nam) cho rằng, với dự toán còn khoảng 20% trong 3 tháng cuối năm, BHXH TP.Hà Nội cần nghiêm túc kiểm soát lượng chi KCB BHYT, cần đặc biệt chú trọng đến công tác kiểm soát chỉ định và điều trị nội trú. “Nội dung này hiện thành phố đã triển khai rất tốt bằng việc giám định và kiểm tra, thời gian tới cần tiếp tục phát huy”- ông Phúc nhấn mạnh. Trong 3 tháng cuối năm, ông Lê Văn Phúc đề nghị BHXH TP.Hà Nội tiếp tục có giải pháp để tăng cường số lượng bệnh nhân điều trị ngoại trú tại tuyến huyện; giám bớt đăng ký điều trị ban đầu tại các BV tuyến tỉnh và Trung ương tại Hà Nội…
Đảm bảo đầy đủ quyền lợi người tham gia
Phát biểu kết luận buổi làm việc, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh ghi nhận và biểu dương kết quả BHXH TP.Hà Nội đạt được. Theo đó, dù trong điều kiện khó khăn chung của cả nước, đặc thù riêng biệt của Thủ đô, nhưng tập thể CBVC BHXH Thành phố vẫn phát huy được tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, tâm huyết, năng động, sáng tạo, có nhiều cách làm hay để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Tổng Giám đốc cầu tập trung đảm bảo an sinh cho người dân Thủ đô
Tổng Giám đốc điểm lại một số nhiệm vụ mà địa phương cần tiếp tục phát huy trong thời gian tới như: Bám sát các chỉ đạo của BHXH Việt Nam và cấp ủy, chính quyền địa phương, cũng như phối hợp với các sở, ngành, địa phương tham mưu triển khai thực hiện chính sách BHXH, BHYT; đảm bảo quyền lợi, chế độ cho người dân trên địa bàn thành phố; cải cách TTHC hiệu quả nhằm tạo thuận lợi cho người dân, NLĐ và DN được tiếp cận các dịch vụ một cách thuận lợi, dễ dàng…
Chia sẻ với những khó khăn của thành phố, nhất là khi phải phục vụ lượng bệnh nhân đa tuyến lớn từ các địa phương, song Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Mạnh khẳng định, việc đảm bảo quản lý an toàn và hiệu quả quỹ KCB BHYT là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của Hà Nội. Do đó, thời gian tới, BHXH TP.Hà Nội cần tiếp tục cần áp dụng các giải pháp được đánh giá hiệu quả nhằm kiểm soát, quản lý chặt chẽ nguồn quỹ BHYT, đảm bảo chi đúng, chỉ đủ và vẫn đảm bảo được đầy đủ quyền lợi chính đáng của người tham gia BHYT.
Song song nhiệm vụ cải cách TTHC, ứng dụng CNTT và chuyển đổi số để phục vụ người tham gia BHXH, BHYT, Tổng Giám đốc cũng lưu ý BHXH TP.Hà Nội phải hết sức lưu tâm đến giải pháp phòng chống lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHYT. Đối với các mặt công tác khác như truyền thông, quản lý tài chính, thanh tra, kiểm tra, phát triển người tham gia... cũng cần nỗ lực thực hiện một cách linh hoạt, phù hợp với điều kiện và yêu cầu của Thủ đô.
Nhân dịp này, Tổng Giám đốc cũng nhắn nhủ tới toàn thể CBVC trong toàn hệ thống BHXH TP.Hà Nội về việc tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa truyền thống kỷ cương, trách nhiệm, tâm huyết, năng động, sáng tạo trong công việc. "Chỉ có tinh thần như vậy mới tạo nên sức mạnh giúp BHXH TP.Hà Nội- đơn vị đi đầu của cả nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ đảm bảo an sinh cho hàng triệu người dân Thủ đô"- Tổng Giám đốc chia sẻ.
Thanh Hằng