TP.HCM: Bắt tay với các địa phương đẩy lùi nguy cơ ngộ độc thực phẩm
Chiều ngày 6/10, BQL An toàn thực phẩm TP.HCM, Sở NN&PTNT TP.Cần Thơ và đại diện một số DN của hai thành phố đã cùng nhau thảo luận, bàn cách đưa thực phẩm sạch từ Cần Thơ về TP.HCM tiêu thụ an toàn.
Để đảm bảo chất lượng nông sản thực phẩm, giúp người tiêu dùng an tâm, từ năm 2021, BQL An toàn thực phẩm TP.HCM đã ký kết phối hợp quản lý và kết nối tiêu thụ nông sản thực phẩm sản xuất tại các tỉnh, thành bạn. Bên cạnh đó, thí điểm triển khai mô hình “chuỗi thực phẩm an toàn” để thắt chặt quản lý chất lượng thực phẩm.
Bà Phạm Khánh Phong Lan- Trưởng BQL An toàn thực phẩm TP.HCM chia sẻ tại buổi làm việc
Cụ thể, tính đến nay, BQL An toàn thực phẩm TP.HCM đã ký kết với Sở NN&PTNT 15 tỉnh, thành phố có nông sản thực phẩm mà TP.HCM tiêu thụ số lượng lớn (trong giai đoạn 2021-2025), trong đó có Sở NN&PTNT TP.Cần Thơ. Đến thời điểm hiện tại, có 7 cơ sở thủy sản ở Cần Thơ tham gia “chuỗi thực phẩm an toàn” của TP.HCM; 8 cơ sở sản xuất thực phẩm ở Cần Thơ có sản phẩm tiêu thụ trên địa bàn TP.HCM đạt chứng nhận an toàn; 49 cửa hàng kinh doanh thịt heo tham gia đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc của phía TP.HCM.
Tại buổi làm việc, đại diện BQL An toàn thực phẩm TP.HCM và Sở NN&PTNT TP.Cần Thơ đều nhất trí đánh giá rằng, sản lượng nông sản thực phẩm của Cần Thơ rất lớn và có thể cung ứng cho TP.HCM nhiều hơn. Vấn đề nằm ở chỗ, làm sao để quản lý chất lượng nông sản thực phẩm tại nguồn hiệu quả; vai trò của các DN đầu mối thu mua, chế biến, phân phối nông sản thực phẩm của hai thành phố ra sao trong nỗ lực “dọn đường” cho thực phẩm sạch...
Ông Nguyễn Tấn Nhơn- Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP.Cần Thơ cũng điểm qua các kết quả đạt được sau 2 năm phối hợp, cũng như những trọng tâm hai bên sẽ cùng thực hiện trong thời gian tới. Đồng thời, ông Nhơn cũng gửi gắm đến các DN đầu mối phân phối nông sản thực phẩm ở TP.HCM- đang hiện diện tại buổi làm việc, về việc sẽ tăng cường tiếp sức các DN ở Cần Thơ.
Theo ông Nhơn, ngày càng nhiều DN ở Cần Thơ nỗ lực để đạt các tiêu chuẩn chất lượng đối với nông sản thực phẩm. Nỗ lực này không chỉ tính bằng tiền, mà còn bằng thời gian, sức lực, tâm huyết... Vì vậy, tạo điều kiện để các DN ở Cần Thơ ổn định đầu ra cũng là cách giúp TP.HCM có thêm nông sản thực phẩm chất lượng.
Sản phẩm của HTX Nhất Tâm (Cần Thơ) được phân phối tại hệ thống CoopMart, Bách hóa xanh
Còn theo bà Phạm Khánh Phong Lan- Trưởng BQL An toàn thực phẩm TP.HCM, thông qua các mô hình “chuỗi thực phẩm an toàn”; mô hình quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt heo, thịt gia cầm, trứng gia cầm..., thời gian qua, nông sản thực phẩm từ các tỉnh, thành phố cung ứng cho TP.HCM đã phần nào được kiểm soát chất lượng tại nguồn.
Trong đó, mỗi năm có gần 6.000 tấn thủy sản đến từ các DN ở Cần Thơ. Phía TP.HCM cũng đã lấy mẫu sản phẩm tham gia “chuỗi thực phẩm an toàn” để kiểm nghiệm tồn dư hoá chất, kháng sinh cấm. "Công tác kiểm tra, giám sát sản phẩm tham gia chuỗi càng chặt chẽ thì người tiêu dùng ở TP.HCM càng an toàn"- bà Phong Lan chia sẻ.
Bà Phong Lan phân tích thêm, ngộ độc cấp như tình huống tiệc Trung thu vừa qua ở TP.HCM đã để lại những hệ lụy đắng lòng, còn ngộ độc trường diễn hệ lụy còn đáng sợ hơn rất nhiều. Theo đó, nguyên liệu chế biến bữa ăn hằng ngày trong gia đình, quán sá, suất ăn công nghiệp... mà tồn dư hoá chất, chứa kháng sinh cấm thì người ăn mỗi ngày bị nhiễm độc một chút. "Tình trạng này kéo dài, 10, 20 hay 30 năm sau cả một thế hệ, cả một cộng đồng... sẽ bị ngộ độc nặng hết đường cứu chữa. Ngộ độc trường diễn đó rất đáng sợ, nên chúng ta phải đánh chặn, đẩy lùi từ xa”- bà Phong Lan nhấn mạnh.
Lãnh đạo BQL An toàn thực phẩm TP.HCM cũng chia sẻ thêm, các hoạt động phối hợp, gắn kết với nhiều địa phương bạn, trong đó có Cần Thơ, để tăng cường đảm bảo chất lượng nông sản thực phẩm tại nguồn, chính là một phần của chiến lược "đánh chặn" từ xa ngộ độc trường diễn.
“Để người tiêu dùng TP.HCM có ngày càng nhiều hơn thực phẩm sạch, chúng tôi và các địa phương buộc phải siết chặt tay nhau. Hai bên sẽ lại chung sức hỗ trợ các DN chế biến, phân phối, sản xuất nông sản thực phẩm trên địa bàn, để thực phẩm sạch ngày càng nhiều thì thực phẩm bẩn sẽ ngày càng ít đi...”- bà Phong Lan chia sẻ thêm.
Thanh Giang