Print

Chuyển đổi số để nâng cao chất lượng KCB BHYT

Thứ Ba, 10 /10/2023 11:52

Đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng kỹ thuật cao vào điều trị, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của nhân viên y tế, hướng tới sự hài lòng của người bệnh… là những giải pháp được ngành Y tế áp dụng, nhằm nâng cao chất lượng KCB BHYT.

Lợi ích kép cho người bệnh và cơ sở y tế

Bà Nguyễn Thị Hiền (75 tuổi, trú tại phường Ngọc Thụy, quận Long Biên) cho biết, do hay đau ốm, nên thường xuyên đến BVĐK Đức Giang kiểm tra sức khỏe. “Nhờ tích hợp thông tin BHYT vào CCCD của tôi nên TTHC để thực hiện thăm khám diễn ra thuận lợi, nhanh chóng hơn hẳn so với trước, cũng không phải lo quên hay mất thẻ BHYT giấy”, bà Hiền chia sẻ.

Để làm thủ tục KCB, bà được nhân viên y tế hướng dẫn đăng ký bằng Face ID hoặc CCCD gắn chip. Sau khi được chuyển đến phòng khám, bà được bác sĩ chỉ định đi thực hiện các xét nghiệm, chụp x-quang, siêu âm,… Trong quá trình thực hiện toàn bộ các xét nghiệm, chụp chiếu,…  bà không phải ngồi chờ kết quả mà sẽ được gửi về tin nhắn điện thoại và phần mềm quản lý BV (HIS) để bác sĩ cập nhật.

Bà Hiền hào hứng chia sẻ: “Trước đây, mỗi lần đi khám bệnh mất rất nhiều thời gian, thậm chí phải xếp hàng từ sáng sớm, nhưng hiện nay nhiều thủ tục đã được giải quyết nhanh gọn từ khâu đăng ký, khám bệnh đến việc thanh toán viện phí. Việc khám bệnh nhanh gọn, thuận tiện cũng giúp người cao tuổi như tôi bớt đi nhiều phần vất vả khi đi KCB”.

Không chỉ đem đến nhiều lợi ích cho bệnh nhân, việc số hóa, quản lý bệnh nhân bằng mã số điện tử giúp bác sĩ giảm bớt phần lớn thời gian ghi chép, tìm kiếm thông tin. Ngoài ra, chỉ cần một mã số bệnh nhân kèm lời mời hội chẩn, các bác sĩ tại khoa khác có thể truy cập hệ thống để nắm bắt thông tin bệnh án, xét nghiệm cận lâm sàng và hội chẩn ngay, thay vì phải có giấy mời hội chẩn kèm tóm tắt bệnh án gửi tận tay. Việc triển khai bệnh án điện tử cũng giúp cho BV tiết kiệm chi phí xây kho lưu trữ, tiết kiệm giấy, phim mà vẫn dễ dàng tìm thông tin người bệnh. Với bệnh nhân, khi đến khám và điều trị, các kết quả siêu âm, xét nghiệm, chẩn đoán bệnh, phương pháp điều trị, đơn thuốc, lịch tái khám đều được số hóa và lưu trữ, giúp cho công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân được tốt hơn.

Việc áp dụng CNTT, xây dựng và triển khai bệnh án điện tử nội-ngoại trú, đăng ký KCB qua tổng đài, triển khai khám theo hẹn, PACS, chữ ký số, chữ ký điện tử... cũng  đã góp phần giảm đáng kể thời gian chờ đợi của người bệnh, góp phần nâng cao sự hài lòng, đáp ứng nhu cầu KCB BHYT ngày càng cao của nhân dân.

Tiến tới “BV không giấy tờ”

Là BV thứ 44 trên tổng số 1.400 BV trên cả nước chính thức triển khai bệnh án điện tử thay thế hoàn toàn bệnh án giấy theo hướng dẫn tại Thông tư 54/2017/TT-BYT và Thông tư số 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế, BVĐK Xanh Pôn (Hà Nội) xem đây là giải pháp chiến lược góp phần giảm tải áp lực cho nhân viên y tế, đem đến sự hài lòng cho người bệnh. Ông Ngô Quang Hùng- Phó Giám đốc BV cho biết: Việc triển khai bệnh án điện tử góp phần giúp người bệnh không cần phải lưu trữ các loại giấy tờ khi đi KCB như: kết quả chẩn đoán, xét nghiệm, danh mục thuốc… Nếu mất giấy tờ, người bệnh cũng không phải lo lắng vì tất cả thông tin đã được lưu trữ trên hệ thống tại BV. Ngoài ra, người bệnh cũng có thể dễ dàng so sánh từng chỉ số xét nghiệm, kết quả khám sức khỏe tổng quát định kỳ để tự quản lý, cập nhật thông tin sức khỏe liên tục. Thậm chí còn có thể quản lý thông tin tiền sử gia đình, tiền sử bệnh, tiền sử dị ứng thuốc đầy đủ hơn, để chủ động phòng bệnh, chủ động chăm sóc sức khỏe của bản thân và gia đình.

BVĐK Xanh Pôn triển khai đăng ký KCB bằng công nghệ Face ID

Bệnh án điện tử được BVĐK Xanh Pôn bắt đầu triển khai thí điểm từ năm 2021. Trước đó, BV đã nỗ lực chuẩn bị hạ tầng, đào tạo nhân lực, hướng dẫn người bệnh, thực hiện số hóa hồ sơ bệnh án điện tử. Đặc biệt hơn, BV đã triển khai đồng bộ các giải pháp tích hợp đăng ký khám bằng nhận diện khuôn mặt, bệnh nhân được xác thực danh tính trong lần đầu đăng ký khám bằng CCCD gắn chíp và thẻ BHYT. Từ lần thứ hai trở đi, bệnh nhân đến khám không phải mang theo giấy tờ để chứng minh thông tin, giúp tiết kiệm được thời gian làm thủ tục và có nhiều thời gian hơn để tìm hiểu thông tin, tiếp cận các dịch vụ y tế một cách nhanh chóng, chất lượng.

Bên cạnh đó, hệ thống thanh toán viện phí không dùng tiền mặt tại BV đã hoạt động rất hiệu quả, giúp xóa bỏ các TTHC rườm rà, phức tạp, hạn chế tối đa rủi ro xảy ra khi dùng tiền mặt. Nhằm tạo thuận lợi trong việc thực hiện y lệnh cho khối điều dưỡng, BV đã triển khai app điều dưỡng trên điện thoại thông minh, giúp điều dưỡng dễ dàng tìm kiếm thông tin bệnh nhân, lịch sử điều trị qua Face ID, thao tác các phiếu điều dưỡng, tích hợp bệnh án điện tử của bệnh nhân ngay trên điện thoại thông minh.

Lãnh đạo BVĐK Xanh Pôn nhấn mạnh, việc triển khai hồ sơ bệnh án điện tử sẽ làm thay đổi thói quen làm việc từ ghi chép bằng tay, trên giấy sang sử dụng máy tính. “Để đạt được hiệu quả, đòi hỏi phải có sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Giám đốc và sự tham gia tích cực của tất cả nhân viên BV”- Phó Giám đốc BVĐK Xanh Pôn cho biết.

Với những thành công ban đầu mà số hóa hồ sơ bệnh án điện tử mang lại, BVĐK Xanh Pôn, BVĐK Đức Giang cũng như nhiều BV trên địa bàn Thủ đô đã phần nào giảm tải áp lực cho nhân viên y tế và tạo sự đồng thuận trong nhân dân; tạo tiền đề góp phần hiện đại hóa ngành Y tế, tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Thông tư 46/2018/TT-BYT của Bộ Y tế quy định từ 1/3/2019, các BV hạng I triển khai bệnh án điện tử thay bệnh án giấy. Theo thống kê của Bộ Y tế, hiện Việt Nam có khoảng 1.300 cơ sở KCB, trong đó có khoảng 135 BV hạng I trở lên. Tuy nhiên, đến giữa tháng 8, cả nước mới có khoảng 50 cơ sở y tế (cả công lập và tư nhân) chính thức công bố chuyển từ bệnh án giấy sang bệnh án điện tử. Trong đó, có khoảng một nửa là tuyến huyện. Trong danh sách đã triển khai cũng không có nhiều BV hạng I, đặc biệt chưa có BV hạng đặc biệt nào thực hiện. Đến nay, mới có 2 BV trực thuộc Bộ Y tế và 2 BV trực thuộc trường ĐH triển khai bệnh án điện tử gồm: BV Răng Hàm Mặt Trung ương Hà Nội, BVĐK Nông nghiệp, BV ĐH Y Hà Nội và BV ĐH Y dược TP.HCM.

Huyền Trang- Hà Hùng