Print

Rút ngắn khoảng cách nghèo đa chiều tại các vùng miền

Thứ Ba, 10 /10/2023 13:52

Cách tiếp cận mới về nghèo đa chiều của Chính phủ cho giai đoạn 2022-2025 có sự khác biệt, nhất là còn có khoảng cách lớn giữa các vùng có trình độ kinh tế phát triển và vùng núi, cao nguyên. Do đó, chúng ta cần hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu.

Xóa đói, giảm nghèo là mục tiêu xuyên suốt, quan trọng hàng đầu của Đảng và Nhà nước ta trong quá trình xây dựng đất nước. Trong giai đoạn 2016-2022, Việt Nam là một trong 30 quốc gia đầu tiên trên thế giới và là quốc gia đầu tiên của Châu Á áp dụng chuẩn nghèo đa chiều.

Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều giảm dần

Theo kết quả tại Khảo sát mức sống dân cư, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều liên tục giảm trong giai đoạn 2016-2022. Tỷ lệ hộ nghèo đa chiều năm 2022 là 4,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với năm 2021 và giảm bình quân 0,81 điểm phần trăm trong giai đoạn 2016-2022.

Biểu đồ: Tỷ lệ nghèo đa chiều và tỷ lệ giảm nghèo ở Việt Nam giai đoạn 2016-2022 (Nguồn: Niên giám thống kê 2022)

Báo cáo niên giám thống kê cũng cho thấy, tỷ lệ nghèo đa chiều chủ yếu tập trung ở những hộ gia đình thuộc vùng DTTS. Khoảng cách về tỷ lệ nghèo đa chiều giữa dân tộc Kinh, dân tộc Hoa và các DTTS khá lớn, nhưng đã được thu hẹp dần trong giai đoạn 2016-2022.

Trong giai đoạn này, tỷ lệ nghèo đa chiều tại các vùng DTTS giảm khá nhanh so với dân tộc Kinh, dân tộc Hoa và cả nước. Trong năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều tại các vùng DTTS là 23,7%, giảm 12,8 điểm phần trăm so với năm 2016; dân tộc Kinh và dân tộc Hoa có tỷ lệ nghèo đa chiều là 2%, giảm 2,8 điểm phần trăm và bình quân mỗi năm giảm 0,47 điểm phần trăm.

Cũng theo niên giám thống kê, một số địa phương có tỷ lệ nghèo đa chiều còn cao do trình độ sản xuất thấp, hệ thống hạ tầng cho phát triển kinh tế còn nghèo nàn, lạc hậu, sản xuất chủ yếu bằng các nghề thủ công và tự cung tự cấp. Vì thế, theo chuẩn nghèo đa chiều mới theo Nghị định số 07/2021/NĐ-CP, các tỉnh có tỷ lệ nghèo đa chiều cao nhất nước là: Hà Giang 37,9%; Lai Châu 28,6%; Điện Biên 27,8%; Sơn La 23,9%; Gia Lai 22,7%; Cao Bằng 20,1%...

Thống kê cho thấy, tất cả 6 vùng kinh tế đều có tỷ lệ nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2021 giảm hàng năm, đặc biệt tại các vùng khó khăn, có nhiều DTTS sinh sống. Vùng Trung du và miền núi phía Bắc có thành tựu giảm nghèo nhanh nhất cả nước khi tỷ lệ nghèo đa chiều năm 2021 là 12,1%; tiếp đến vùng Tây Nguyên 10,1%, giảm 8,5 điểm phần trăm so với năm 2016; xếp thứ 3 là vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung là 5,7%, giảm 5,8 điểm phần trăm; vùng Đồng bằng sông Cửu Long là 3,8%, giảm 4,8 điểm phần trăm; vùng Đồng bằng sông Hồng và Đông Nam Bộ có tỷ lệ nghèo đa chiều thấp nhất cả nước lần lượt là 1,2% và 0,2%.

Coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị

Theo cách tiếp cận mới về nghèo đa chiều của Chính phủ cho giai đoạn 2022-2025, có sự khác biệt và khoảng cách lớn giữa các vùng có trình độ kinh tế phát triển và vùng núi, cao nguyên.

Đơn cử, năm 2022, tỷ lệ nghèo đa chiều tại vùng Trung du và miền núi phía Bắc cao nhất trong các vùng kinh tế với 12,1%; tiếp đến là vùng Tây Nguyên 11,4%; vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung 5%; vùng Đồng bằng sông Cửu Long 4,7%; vùng Đông Nam Bộ và Đồng bằng sông Hồng là nơi tập trung các địa phương có trình độ phát triển kinh tế cao của cả nước và các khu công nghiệp lớn, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư trong và ngoài nước, nên tỷ lệ nghèo đa chiều tại 2 vùng này rất thấp, tương ứng 0,7% và 0,9%.

Biểu đồ: Tỷ lệ nghèo đa chiều theo nhóm dân tộc giai đoạn 2016-2022 (Nguồn: Niên giám thống kê 2022)

Bên cạnh những thành tựu đạt được trong công tác xóa đói giảm nghèo, Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành thường xuyên có những chính sách hỗ trợ các hộ nghèo, hộ cận nghèo, đặc biệt những hộ gia đình sinh sống tại các vùng kinh tế khó khăn, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Theo đó, tổng nguồn lực đã được bố trí, huy động để thực hiện Chương trình MTQG xóa đói giảm nghèo khoảng 120 nghìn tỷ đồng.

Giai đoạn 2022-2025 là giai đoạn không chỉ kinh tế thế giới, mà cả kinh tế Việt Nam cũng sẽ gặp khó khăn, điều này tác động không nhỏ đến Chương trình MTQG. Để thực hiện hiệu quả giảm nghèo bền vững giai đoạn này, các giải pháp được đề xuất một cách tổng thể. Theo đó:

Thứ nhất, các cấp ủy, tổ chức Đảng coi công tác giảm nghèo là nhiệm vụ chính trị quan trọng, thường xuyên, lâu dài của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Thứ hai, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong công tác giảm nghèo. Động viên, hướng dẫn người nghèo, hộ nghèo có kiến thức, kinh nghiệm trong lao động, sản xuất, chủ động vươn lên thoát nghèo, không trông chờ, ỷ lại vào sự giúp đỡ của Nhà nước và xã hội.

Thứ ba, hoàn thiện chính sách giảm nghèo, chuẩn nghèo đa chiều gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân; đổi mới cách tiếp cận về giảm nghèo…

Thứ tư, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực đầu tư cho công tác giảm nghèo. Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong việc bảo đảm nguồn lực; đồng thời huy động tối đa các nguồn lực xã hội tham gia công tác giảm nghèo bền vững…

Thứ năm, tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo. Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan điều phối về giảm nghèo các cấp theo hướng tập trung, thống nhất đầu mối quản lý.

Hải Sơn