Print

“Kích cầu” để thu hút người dân tham gia BHXH

Thứ Ba, 10 /10/2023 14:31

Tại Hội nghị tiếp xúc cử tri của Đoàn ĐBQH theo chuyên đề về tình hình thực hiện và đề xuất, kiến nghị hoàn thiện, nâng cao hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, cử tri nhiều địa phương kiến nghị, cần sớm có các giải pháp để chính sách BHXH phù hợp với thực tiễn; biện pháp mạnh xử lý DN nợ…

Tuyên truyền để NLĐ không “rút” BHXH một lần

Tại các buổi tiếp xúc, cử tri đều đồng tình với quan điểm, mục tiêu sửa đổi Luật BHXH để mở rộng và gia tăng quyền, lợi ích, tạo sự hấp dẫn nhằm thu hút NLĐ tham gia, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân. Đồng thời, đây là việc làm cấp bách nhằm thể chế hóa quan điểm mục tiêu của Đảng theo Nghị quyết số 28-NQ/TW về cải cách chính sách BHXH theo hướng đa tầng, linh hoạt, hiện đại, hội nhập, tiến tới bao phủ toàn bộ lực lượng lao động, từng bước tiến tới BHXH toàn dân. Tuy nhiên, cử tri cũng cho rằng, cần ngăn chặn từ, sớm từ xa việc NLĐ rút BHXH một lần đang diễn ra ở một số khu, cụm công nghiệp.

Cử tri huyện Việt Yên, Lạng Giang (tỉnh Bắc Giang); cử tri là cán bộ công đoàn TP.Hà Nội, cử tri tại Công ty CP May Minh Anh- Kim Liên (Nghệ An) nêu ý kiến hiện tình trạng NLĐ trong các khu, cụm công nghiệp mất việc làm dẫn đến làn sóng rút BHXH một lần. Cử tri cho rằng, cần tăng cường công tác thông tin truyền thông đến người dân, NLĐ hiểu rằng, rút BHXH một lần thì NLĐ sẽ thiệt thòi hơn là tích luỹ thời gian đóng BHXH để sau này hưởng lương hưu. Việc tự mình “tước bỏ” đi cơ hội được nhận lương hưu khi về già, cũng đồng nghĩa khiến người dân không được hưởng trợ cấp khi ốm đau, thai sản, TNLĐ-BNN, thất nghiệp... Đồng thời, cử tri các địa phương cũng cho rằng, khi NLĐ rút BHXH một lần thì mục tiêu bao phủ BHXH toàn dân sẽ không đạt được, số người già không có lương hưu sẽ gia tăng. Cùng với đó, sức ép của quá trình già hóa dân số sẽ gây áp lực lớn đối với NSNN phải tăng chi để bảo đảm an sinh xã hội... Do đó, cần thêm nhiều hơn chính sách hỗ trợ, giải quyết khó khăn trước mắt cho người dân, NLĐ. Tạo sinh kế giải quyết việc làm bền vững hoặc hỗ trợ doanh nghiệp ổn định sản xuất; hỗ trợ đào tạo lại nghề cho NLĐ qua quỹ BH thất nghiệp. Đặc biệt, với phương án rút BHXH một lần tại Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), thì quy định chỉ thanh toán 50% số thời gian đóng, 50% còn lại để NLĐ tham gia tiếp nhằm giải quyết chế độ hưu trí vừa giúp NLĐ vượt qua được khó khăn trước mắt nhưng vẫn bảo đảm an sinh khi về hưu…

Cần chính sách thu hút lao động tham gia BHXH

Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã đề cập việc giảm điều kiện về số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng lương hưu hằng tháng từ 20 năm xuống 15 năm, đoàn viên công đoàn, NLĐ bày tỏ sự ủng hộ đề xuất sửa đổi này và cũng xem đây là một trong những chính sách đặc biệt quan trọng; có giá trị trong lần sửa đổi này nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia BHXH muộn hoặc quá trình tham gia BHXH không liên tục có thời gian đóng BHXH ngắn được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, việc giảm số năm đóng BHXH xuống 15 năm dẫn tới mức lương hưu của NLĐ cũng thấp, sau này NLĐ cũng không bảo đảm mức sống tối thiểu. Do vậy, số năm đóng BHXH tối thiểu để hưởng lương hưu phải cân nhắc kỹ lưỡng, toàn diện dựa trên các thông số tài chính, xã hội, lao động, con người… Chị Hà Phương Anh- Chủ tịch Công đoàn Công ty May liên doanh Plummy (Hà Nội) cho rằng, khi tham gia BHXH bắt buộc thì cả người SDLĐ và NLĐ cũng đã phải trích một khoản tiền nhất định để nộp vào quỹ BHXH, đồng nghĩa với việc họ đã hoàn thành nghĩa vụ bảo đảm phúc lợi cho NLĐ. Tuy nhiên, khi NLĐ vì một lý do nào đó không còn đi làm, không có nhu cầu tham gia BHXH và muốn rút BHXH một lần thì nên để quyền quyết định cho đối tượng được hưởng phúc lợi chính là NLĐ. “Quy định điều kiện nghỉ hưu là đủ 62 tuổi đối với lao động nam và 60 tuổi đối với lao động nữ. Với NLĐ, đặc biệt là lao động tại các doanh nghiệp sản xuất, ngoài 50 tuổi sức khỏe đã giảm sút, năng suất lao động sẽ không cao”- bà Phương Anh nói.

Tại các cuộc tiếp xúc cử tri, nhiều ý kiến cho rằng chính sách BHXH còn nhiều bất cập như: Thời gian đóng BHXH kéo dài, mức đóng BHXH cao, chưa có nhiều chính sách hỗ trợ, thu hút người tham gia BHXH tự nguyện; đối tượng tham gia BHXH bắt buộc chưa bao phủ nhiều nhóm đối tượng. Cử tri Đồng Văn Bằng (phường Thọ Xương, TP.Bắc Giang) đề xuất bổ sung đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là chủ hộ kinh doanh cá thể, NLĐ hợp đồng tại các đơn vị hành chính sự nghiệp, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, chủ doanh nghiệp tư nhân. Đồng thời, bổ sung chính sách hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH có thời hạn (trước khi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, trợ cấp người cao tuổi) đối với những người có thời gian đóng BHXH dưới 20 năm.

Cùng với đó, cử tri tại các địa phương cũng cho rằng, BHXH tự nguyện ngày càng khẳng định vị trí, vai trò trong việc bảo đảm an sinh xã hội, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân. Thế nhưng, so với dư địa và mục tiêu phấn đấu mức độ bao phủ của BHXH tự nguyện vẫn rất khiêm tốn. Cử tri các xã Tân Liễu, Trí Yên, Tư Mại (huyện Yên Dũng) cho biết, với mức đóng phí BHXH tự nguyện hiện nay theo quy định bằng 22% mức chuẩn nghèo khá cao so với NLĐ thu nhập thấp, công việc không ổn định. Điều này ảnh hưởng đến việc vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện ở cơ sở và khó thực hiện mục tiêu NLĐ sau nghỉ hưu được hưởng hưu trí. Do vậy, việc hỗ trợ một phần kinh phí đóng BHXH tự nguyện cho nhóm lao động này rất cần thiết.

Tại các buổi tiếp xúc, Đoàn ĐBQH các địa phương đã ghi nhận những ý kiến đóng góp của cử tri, những ý kiến liên quan đến biện pháp xử lý doanh nghiệp nợ BHXH. Đồng thời, khẳng định sẽ tiếp thu các ý kiến, tổng hợp đầy đủ, chính xác để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, giải quyết và đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ 6 (khai mạc ngày 23/10) để góp tiếng nói cùng Quốc hội xem xét, điều chỉnh, sửa đổi chế độ chính sách phù hợp, bảo đảm quyền lợi của người tham gia BHXH.

Hoàng Hằng