Chính phủ phê duyệt Chiến lược Quốc gia Phát triển ngành Dược Việt Nam
Chiến lược Quốc gia Phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 vừa được phê duyệt.
Theo đó, đặt mục tiêu phát triển ngành Dược Việt Nam ngang tầm các nước tiên tiến trong khu vực, đảm bảo tiếp cận thuốc cho người dân với mức chi phí hợp lý; nâng cao năng lực nghiên cứu và ứng dụng công nghệ sẵn có để sản xuất thuốc biệt dược gốc, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại, hướng tới trở thành trung tâm sản xuất gia công/chuyển giao công nghệ các thuốc biệt dược gốc của khu vực ASEAN, phấn đấu phát triển nền công nghiệp Dược trong nước đạt cấp độ 4 theo phân loại của WHO; phát triển dược liệu, thuốc và các sản phẩm từ nguồn dược liệu trong nước thành lĩnh vực sản xuất hàng hóa có chất lượng và giá trị cao; đẩy mạnh sản xuất nguyên liệu làm thuốc; tối ưu hóa việc sử dụng thuốc.
Mục tiêu cụ thể đến năm 2030, phấn đấu 100% thuốc được cung ứng chủ động, kịp thời cho nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh; thuốc sản xuất trong nước phấn đấu đáp ứng khoảng 80% nhu cầu sử dụng và 70% giá trị thị trường, tiếp tục phấn đấu đạt mục tiêu sản xuất được 20% nhu cầu nguyên liệu cho sản xuất thuốc trong nước. Vắc xin sản xuất trong nước đáp ứng 100% nhu cầu cho tiêm chủng mở rộng và 30% nhu cầu cho tiêm chủng dịch vụ; phấn đấu trở thành trung tâm sản xuất dược phẩm giá trị cao trong khu vực; xây dựng được 8 vùng khai thác bền vững dược liệu tự nhiên, 2- 5 vùng trồng sản xuất dược liệu quy mô lớn; duy trì bền vững tỷ lệ 100% cơ sở kinh doanh thuốc đáp ứng tiêu chuẩn thực hành tốt; số hóa 100% thông tin, dữ liệu thuốc được cấp phép lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam, cập nhật vào Ngân hàng dữ liệu ngành Dược; đạt tỷ lệ 4,0 dược sĩ/vạn dân, trong đó dược sĩ được đào tạo về chuyên ngành dược lâm sàng đạt tối thiểu 20%... và 100% các cơ sở KCB có hoạt động sử dụng thuốc có tổ chức và triển khai các hoạt động dược lâm sàng, tỷ lệ người làm công tác dược lâm sàng đạt 1 người/100 giường bệnh nội trú và 2 người/1.000 đơn thuốc được cấp phát cho bệnh nhân ngoại trú có thẻ bảo hiểm trong một ngày.
Định hướng đến năm 2045, thuốc sản xuất trong nước đáp ứng nhu cầu sử dụng trong nước và nâng cao giá trị xuất khẩu, hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu; chủ động sản xuất được các thuốc chuyên khoa đặc trị, thuốc mới, thuốc biệt dược gốc, vắc xin, sinh phẩm và nguyên liệu làm thuốc; có thuốc biệt dược gốc từ nguồn dược liệu trong nước được nghiên cứu, sản xuất và đăng ký bản quyền. Phấn đấu tổng giá trị ngành công nghiệp dược đóng góp vào GDP trên 20 tỷ USD. Hệ thống kiểm nghiệm, phân phối thuốc, công tác dược lâm sàng, thông tin thuốc và cảnh giác dược đạt trình độ tương đương các nước tiên tiến trên thế giới.
Về nhiệm vụ, giải pháp, Chính phủ yêu cầu các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục hoàn thiện về thể chế, pháp luật về dược; Quy hoạch, quan tâm bố trí, dành quỹ đất cho phát triển các cơ sở nghiên cứu, sản xuất thuốc phù hợp với các quy hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt; Đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, tăng cường liên kết, tham gia chuỗi giá trị trong ngành Dược; Nâng cao năng lực quản lý, kiểm soát thị trường thuốc, nguyên liệu làm thuốc; Đảm bảo sử dụng thuốc hợp lý, an toàn, hiệu quả; Đầu tư về khoa học công nghệ, nhân lực và đào tạo; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế; Công nghệ thông tin, ứng dụng công nghệ 4.0 gắn với triển khai ứng dụng trí tuệ nhân tạo và chuyển đổi số để hiện đại hóa ngành Dược; Tăng cường truyền thông nâng cao nhận thức của các cơ sở kinh doanh dược về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về Dược, hoạt động khoa học công nghệ và xu hướng hội nhập trong lĩnh vực Dược.
Chính phủ cũng yêu cầu đa dạng nguồn vốn huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực để triển khai thực hiện Chiến lược như: Nguồn ngân sách nhà nước cấp (chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên) theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; Kinh phí lồng ghép trong các Chương trình Mục tiêu Quốc gia và các chương trình, dự án đầu tư công giai đoạn 2022 – 2030; Kinh phí vận động, huy động từ các nhà tài trợ nước ngoài, WHO, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, tổ chức cá nhân trong, ngoài nước, nguồn vốn ODA và kinh phí hợp pháp khác; Nguồn tài chính khác theo quy định của pháp luật.
Tùng Anh