Print

Cử tri quan tâm nhiều vấn đề liên quan đến chính sách BHXH, BHYT

Thứ Tư, 11 /10/2023 10:27

Sáng 11/10, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Ủy ban TVQH tổ chức Phiên họp lần thứ 27.

Phát biểu khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết khối lượng công việc nhiều, tính chất phức tạp, độ khó cao, thời gian gấp rút. Thời gian phiên họp khoảng 5 ngày nên các thành viên Ủy ban TVQH phát huy tinh thần các phiên họp trước để cho ý kiến vào các nội dung để bảo đảm chất lượng phiên họp là tốt nhất. Tại Phiên họp này, Ủy ban TVQH sẽ cho ý kiến đối với 16 nhóm nội dung quan trọng.

Nhóm vấn đề thứ nhất, Ủy ban TVQH sẽ xem xét cho ý kiến đối với 12 nội dung mà phải chuẩn bị để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6. Cụ thể, cho ý kiến về các nội dung liên quan đến kinh tế- xã hội gồm: Đánh giá kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2023, dự kiến Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2024; đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 16/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm 2021-2025 và đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 31/2021/QH15 về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ về vấn đề tài chính ngân sách bao gồm: Tình hình thực hiện NSNN năm 2023 và dự toán NSNN năm 2024; phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024, trong đó thì có tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2023, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2024 và lộ trình, các phương án để thực hiện cải cách chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW. Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch tài chính quốc gia và vay, trả nợ công 5 năm giai đoạn 2021-2025. Đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025…

Sau khai mạc, Ủy ban TVQH tiến hành xem xét, cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội hội khóa XV; kết quả tiếp công dân, xử lý đơn thư và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân gửi đến Quốc hội năm 2023; xem xét báo cáo công tác dân nguyện của Quốc hội tháng 9/2023. Đồng thời, xem xét, cho ý kiến về dự thảo báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội.

Báo cáo tại Phiên họp, Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, trong tháng 9/2023, cử tri và Nhân dân quan tâm đến các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kết quả Hội nghị lần thứ 8, BCH Trung ương Đảng khóa XIII; những nội dung trong chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, nhất là việc Quốc hội xem xét cho ý kiến, thông qua những dự án luật có nội dung liên quan trực tiếp đến cuộc sống của người dân như: Luật Đất đai (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật BHXH (sửa đổi); Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ… và kỳ vọng Quốc hội có những quyết sách quan trọng để tháo gỡ khó khăn, góp phần phát triển kinh tế đất nước, ổn định và nâng cao đời sống của người dân.

Cử tri và Nhân dân rất vui mừng và phấn khởi trước tình hình kinh tế- xã hội của đất nước tiếp tục có sự chuyển biến tích cực, nhiều chỉ tiêu, chỉ số cải thiện hơn so với cùng kỳ năm trước; kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát. Tuy nhiên, cử tri và Nhân dân tiếp tục bày tỏ sự lo lắng về tình trạng mưa lũ tại một số địa phương gây thiệt hại lớn về người và tài sản; tình trạng bạo hành trẻ em, bắt cóc trẻ em để tống tiền gây bức xúc, hoang mang trong xã hội trong thời gian gần đây; tình trạng một số tổ chức, cá nhân lợi dụng công tác nhân đạo, từ thiện để trục lợi; tình trạng NLĐ đề nghị giải quyết hưởng chế độ BHXH một lần tiếp tục gia tăng...

Ông Nguyễn Văn Hồi- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH

Liên quan đến trách nhiệm của Bộ LĐ-TB&XH, ông Nguyễn Văn Hồi- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, theo báo cáo của Ban Dân nguyện, có 117/263 ý kiến của cử tri nhưng Bộ LĐ-TB&XH và cơ quan liên quan trả lời chậm, trong đó các ý kiến chủ yếu về giải quyết chính sách về hưu trí, chính sách lao động, chính sách hỗ trợ cho NLĐ và doanh nghiệp bị ảnh hưởng với đại dịch Covid-19. Nguyên nhân của việc chậm trả lời chủ yếu do hồ sơ NCC với cách mạng tồn đọng lâu và kéo dài qua nhiều thời kỳ lịch sử, cán bộ chiến sĩ tham gia chống Pháp không có văn bản giấy tờ và một số người đã mất lâu nên gia đình không có thông tin hoặc rất ít thông tin nên việc xác minh để trả lời công dân về các hồ sơ giải quyết chính sách thương binh, liệt sĩ và người có công với cách mạng kéo dài.

“Về chính sách BHXH, trước năm 1995 chưa có quy định rõ ràng về thời gian đóng, mức đóng, mức hưởng và lưu trữ hồ sơ thời kỳ đó kém, các cơ quan, đơn vị hiện nay không nên việc hỏi những vấn đề về chính sách đối với người hưởng lương hưu hay người hưởng mất sức lao động mất thời gian. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ đối với người dân, NLĐ và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi Covid-19 với mức hỗ trợ nhỏ, thấp, nhưng liên quan đến quyết định về cách ly, khu vực cách ly không rõ nên quá trình trả lời các chính sách này mất nhiều thời gian. Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục rút kinh nghiệm trong quá trình đôn đốc triển khai các cơ quan đơn vị trả lời tiếp tục trả lời nhanh hơn và khoa học, hợp lý hơn”- ông Hồi phân tích.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan

Còn về lĩnh vực y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, việc trả lời kiến nghị của cử tri là công tác rất quan trọng mà Bộ chú trọng, tập trung chỉ đạo. Tuy nhiên, có một số nội dung kiến nghị trả lời chậm hơn so với yêu cầu bởi cần có thời gian để các cơ quan chuyên môn tổng hợp thông tin. Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ nghiêm túc khắc phục, đẩy nhanh tiến độ trả lời kiến nghị cử tri đáp ứng yêu cầu của thực tiễn, phục vụ tốt nhu cầu của người dân.

Về vấn đề sửa đổi danh mục thuốc chữa bệnh BHYT, Bộ trưởng cho biết, Việt Nam là một trong những quốc gia có danh mục thuốc tương đối đầy đủ và toàn diện so với mức phí BHYT. Danh mục thuốc BHYT của Việt Nam được ghi dưới dạng hoạt chất, thành phần, không ghi hàm lượng, dạng bào chế và tên thương mại, do vậy việc lựa chọn thuốc thành phẩm được Quỹ BHYT thanh toán tại các cơ KCB, không bị giới hạn bởi các chủng loại thuốc, giá cả thuốc mà căn cứ vào mô hình bệnh tật để các cơ sở y tế xây dựng danh mục thuốc tại đơn vị, đảm bảo tính chủ động linh hoạt cho các cơ sở y tế.

“Việc rà soát, bổ sung danh mục thuốc là việc định kỳ, thường xuyên. Ngày 31/12/2022, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 20 để rà soát, ban hành các danh mục, tỷ lệ điều kiện thanh toán đối với thuốc, hóa dược, sinh phẩm, thuốc phóng xạ, chất đánh dấu trong phạm vi người tham gia BHYT được hưởng. Đồng thời, Bộ cũng đang chỉ đạo Vụ BHYT rà soát, cập nhật các danh mục thuốc, đáp ứng yêu cầu KCB cho người dân. Tuy nhiên, việc cập nhật danh mục thuốc còn liên quan đến việc đánh giá sự an toàn, tác động với Quỹ BHYT và Bộ đang tích cực phối hợp với các bộ ngành để rà soát danh mục này định kỳ. Dự kiến, đầu năm 2024 sẽ có văn bản cập nhật về vấn đề này”- bà Đào Hồng Lan khẳng định.

V.Thu