Cứu sống bệnh nhân nguy kịch vì xuất huyết não
Bác sĩ BV S.I.S Cần Thơ đã cứu sống bệnh nhân nguy kịch vì xuất huyết não và hôn mê sâu.
Hôm 28/9/2023, bà T.T.S (sinh1968, trú tỉnh Đồng Tháp), nhập BV S.I.S trong tình trạng hôn mê sâu, nguy kịch tính mạng. Ghi nhận bệnh sử cho thấy, bà S. khởi phát triệu chứng đột quỵ nên gia đình đưa đến cơ sở y tế gần nhà. Tại đây, các BS đánh giá tình trạng bệnh nhân đã rất nặng, tiên lượng tử vong cao. Gia đình chuyển bệnh nhân đến BV S.I.S Cần Thơ, "địa chỉ đỏ" xử trí đột quỵ ở khu vực ĐBSCL.
BS.Giang thăm khám bệnh nhân S. sau can thiệp
“Bệnh nhân hôn mê sâu, xuất huyết não nặng do vỡ phình dị dạng mạch máu não. Sau chỉ định can thiệp do vỡ phình mạch máu não với thiết bị DSA hỗ trợ, bệnh nhân được chuyển thẳng đến phòng DSA để xử trí kịp thời. Sau can thiệp, bệnh nhân được tiếp tục mỗ dẫn lưu máu chảy ra ngoài. Hiện bệnh nhân vẫn đang được điều trị tích cực tại khu hồi sức tích cực (ICU), diễn tiến tích cực, có dấu hiệu mở mắt…"- BS-CKII.Nguyễn Lưu Giang, Trưởng đơn vị can thiệp DSA (BV S.I.S) cho biết.
Theo chuyên gia, bà S. bị xuất huyết khoang dưới nhện, nếu không kịp thời cấp cứu khả năng tử vong lên đến hơn 90%. “May mắn là đến viện trong thời gian vàng, nên khả năng hồi phục khả quan”- BS.Giang thông tin thêm.
TS.BS.Trần Chí Cường- Giám đốc chuyên môn BV S.I.S Cần Thơ cho biết, thời gian gần đây, BV tiếp nhận nhiều trường hợp xuất huyết não mà nguyên nhân liên quan đến việc kiểm soát chưa tốt các bệnh nền như tim mạch, tăng huyết áp... BS.Cường, người đồng thời là Chủ tịch Hội Can thiệp thần kinh TP.HCM, đã nhiều lần cảnh báo đến cộng động tình trạng đột quỵ đang ngày càng gia tăng, đặc biệt là ở người trẻ tuổi.
Trong nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, theo BS.Cường, có một số nguyên nhân bắt nguồn từ lối sống, lối sinh hoạt, vận động và ăn uống. Riêng với người mắc các bệnh lý nền như tim mạch, tăng huyết áp... lĩnh vực dự phòng đột quỵ xếp vào danh sách những người thuộc nhóm nguy cơ cao. Do đó, cần ăn uống lành mạnh; hạn chế rượu bia, thuốc lá; tăng cường vận động; tuân thủ chỉ định của BS khi mắc các bệnh lý nền... là một số việc cần cân nhắc thực hiện để phòng ngừa đột quỵ. Bên cạnh đó, vấn đề tầm soát chuyên sâu liên quan đến mạch máu, thần kinh giúp phát hiện sớm, điều trị kịp thời các bệnh lý liên quan cũng cần được chủ động thực hiện, ít nhất mỗi năm 1 lần.
Thanh Giang