Trang bị kỹ năng CNTT cho NLĐ: “Chìa khóa” gắn kết cung- cầu lao động
Việt Nam đang thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là ở các ngành nghề mới, thu hút đầu tư nước ngoài. Vì vậy, nếu không có các giải pháp kịp thời, nước ta sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức như khó cải thiện năng suất lao động, tụt hậu về công nghệ…
Việc ứng dụng CNTT hiện nay không chỉ trong nội bộ ngành CNTT mà tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế- xã hội đều ứng dụng trong quản lý, điều hành. Đơn cử, công việc chuyên sâu (kỹ thuật phần mềm, phát triển web); các công việc phụ thuộc vào ứng dụng CNTT (sàn thương mại điện tử); các công việc yêu cầu kỹ năng ứng dụng CNTT nâng cao (quản lý văn phòng, thiết kế đồ họa, bán lẻ, cung cấp dịch vụ, khách sạn)…
Tuy nhiên, sự thiếu hụt kỹ năng của NLĐ để duy trì việc làm hoặc chuyển đổi nghề, thích ứng với yêu cầu phát triển còn tồn tại; nguồn nhân lực chất lượng cao, ở các ngành nghề mới, có kỹ năng mới phục vụ phát triển kinh tế- xã hội và quá trình dịch chuyển cơ cấu kinh tế, thu hút đầu tư nước ngoài vào Việt Nam còn thiếu. Chính vì vậy, sau hơn hai thập kỷ vừa qua, dù đã có nhiều nỗ lực để cải thiện năng suất lao động nhưng năng suất lao động của Việt Nam vẫn được đánh giá là thấp khi đặt trong mối tương quan với một số nước trong khu vực và trên thế giới.
Theo đánh giá của Bộ LĐ-TB&XH, tính đến năm 2022, năng suất lao động của Việt Nam mới đạt 188 triệu đồng/lao động, tương đương với khoảng 8.000 USD/lao động. So với các nước trên thế giới và khu vực, giai đoạn 2011-2020, năng suất lao động tăng bình quân là 5,4%/năm, cao hơn hơn mức bình quân của Malaysia là 1,3%/năm, Hàn Quốc 1,5%, Singapore 1,7%/năm. Tuy nhiên, trong thực tế, năng suất của nước ta chỉ bằng 11,3% so với Singapore; 23% năng suất của Hàn Quốc, bằng 33% năng suất của Malaysia; 60% Trung Quốc, và 86,5% Phillipines… Ngoài ra, Việt Nam hiện là quốc gia đang phát triển có thu nhập bình quân đầu người thấp. Đến hết năm 2022, quy mô nền kinh tế ước đạt 409 tỷ USD, mặc dù tăng gấp 10 lần so với năm 2000, GDP bình quân đầu người là 4.110 USD nhưng vẫn nằm trong nhóm quốc gia có thu nhập bình quân đầu người thấp.
Trong bối cảnh này, Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, nếu không có các giải pháp kịp thời để đào tạo lại, đào tạo bổ sung kỹ năng cho NLĐ, đặc biệt là các kỹ năng mềm, kỹ năng CNTT, Việt Nam sẽ phải đối mặt những thách thức, tác động tiêu cực như: Khó cải thiện năng suất lao động, sự tụt hậu về công nghệ, suy giảm sản xuất, kinh doanh. Bên cạnh đó, có khả năng dư thừa lao động có kỹ năng và trình độ thấp gây phá vỡ thị trường lao động truyền thống, nguy cơ khó kiểm soát tỷ lệ thất nghiệp, đặc biệt là trong những lĩnh vực, ngành nghề chịu tác động lớn của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; mất an toàn, an ninh thông tin. Mặt khác, có khả năng xuất hiện làn sóng đẩy công nghệ lạc hậu từ các nước phát triển sang các nước đang phát triển và chậm phát triển. Chính vì vậy, việc xây dựng và triển khai các giải pháp, chính sách nhằm phát triển kỹ năng ứng dụng CNTT cho lực lượng lao động trong giai đoạn hiện nay là cần thiết. CNTT nếu được trạng bị tốt sẽ là một trong những nguồn lực kinh tế then chốt, là chìa khóa để cung cấp thông tin trên thị trường, gắn kết giữa cung- cầu lao động, cung cầu đào tạo, gắn kết giữa nguồn lực lao động và thị trường việc làm một cách hiệu quả.
Do đó, Dự thảo Đề án Phát triển kỹ năng ứng dụng CNTT cho lực lượng lao động đang được Bộ LĐ-TB&XH gửi xin ý kiến các Bộ, ngành trước khi trình Chính phủ ban hành đã đặt ra mục tiêu tăng cường năng lực ứng dụng CNTT cho lực lượng lao động đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế- xã hội. Tạo cơ hội tiếp cận CNTT cho NLĐ, đặc biệt lực lượng công nhân và nông dân, NLĐ ở khu vực nông thôn, vùng DTTS với mục tiêu đến năm 2025 và 2030 tỷ lệ lao động có các kỹ năng CNTT lần lượt là 80% và 90%.
Trong đó, đến năm 2025, xây dựng và số hóa học liệu về chuẩn kỹ năng ứng dụng CNTT và năng lực ứng dụng CNTT cho lực lượng lao động; xây dựng, phát triển nền tảng số để tổ chức đào tạo trực tuyến; đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng hướng dẫn và tổ chức học tập kỹ năng ứng dụng CNTT trên nền tảng học tập trực tuyến cho khoảng 500 cán bộ, chuyên gia của doanh nghiệp, hợp tác xã, và khoảng 100.000 NLĐ. Từ năm 2025, mỗi năm đào tạo, bồi dưỡng trên nền tảng trực tuyến cho khoảng 3.000 cán bộ, chuyên gia của doanh nghiệp, hợp tác xã, lao động nông thôn (mỗi năm bình quân 600 người) và tổ chức đào tạo, rèn luyện nâng cao trình độ kỹ năng ứng dụng CNTT cho khoảng 2,5 triệu người lao động (mỗi năm bình quân 500.000 người). Đồng thời, đánh giá, công nhận kỹ năng ứng dụng CNTT cho 20 triệu lượt NLĐ (mỗi năm bình quân 3 triệu người); tổ chức, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia ở các nghề thuộc lĩnh vực CNTT cho 1 triệu lượt NLĐ.
Nguyệt Hà