Cần tăng cường giám sát việc sử dụng thuốc lá mới trong thanh thiếu niên, học sinh
Ngày 12/10, tại Hà Nội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội phối hợp với Bộ Y tế tổ chức Tọa đàm về tác hại của các sản phẩm thuốc lá mới đối với thanh thiếu niên.
Phát biểu khai mạc, ông Tạ Văn Hạ- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục cho biết, các sản phẩm thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng đang có xu hướng gia tăng sử dụng trên thế giới và ở Việt Nam. Bằng chứng khoa học cho thấy các sản phẩm thuốc lá mới tồn tại nhiều nguy cơ gây hại. Trong khi đó, thanh thiếu niên là lớp người trẻ tuổi, năng động, sáng tạo, ham hiểu biết tuy nhiên cũng do đặc tính của lứa tuổi, họ luôn có tính tò mò, thích khám phá thử nghiệm cái mới, muốn thể hiện bản thân nên dễ bị cuốn theo các trào lưu, tệ nạn xấu. Thuốc lá mới là sản phẩm hướng mục tiêu đến giới trẻ, khiến thanh thiếu niên bắt đầu nghiện nicotine sớm hơn và tác hại sức khỏe sẽ nghiêm trọng hơn cả trước mắt và về lâu dài.
Tham gia thảo luận, các ý kiến đều có chung nhận định, đối với thanh thiếu niên, sử dụng nicotine gây hại lớn đến sự phát triển não bộ, vì não bộ của trẻ vẫn đang trong giai đoạn phát triển cho tới tuổi 25. Nicotine có thể làm suy yếu sự trưởng thành não bộ của thanh thiếu niên với những hậu quả ngắn hạn và hậu quả lâu dài nghiêm trọng đó là nghiện, rối loạn nhận thức và cảm xúc, giảm khả năng học tập và rối loạn tâm thần. Những thay đổi do nicotine gây ra trong hệ thần kinh khiến người dùng ở nhóm tuổi này dễ bị nghiện nicotine hơn và vì thế ảnh hưởng đến sức khỏe sẽ đến sớm và trầm trọng hơn trong tương lai. Phơi nhiễm nicotine cũng đặc biệt gây hại cho sức khỏe bà mẹ và bào thai trong thời kỳ thai nghén, gây ra đẻ non, thai chết lưu, tăng nguy cơ mắc các bệnh lý tim mạch…
Tại Việt Nam, theo điều tra sử dụng thuốc lá ở người trưởng thành năm 2015 (GAT 2015) chỉ ra tỷ lệ hiện đang sử dụng thuốc lá điện tử ở người trưởng thành là 0,2%. Năm 2019, kết quả điều tra sức khỏa học đường cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 13-17 tuổi nói chung là 2,6%, và ở học sinh thành thị là 3,4%. Năm 2021-2022, kết quả điều tra sử dụng thuốc lá ở thanh thiếu niên (GYTS 2022) cho thấy tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử ở nhóm tuổi 13-15 tuổi là 3.5% (nam là 4.3%, nữ là 2.8%).
Trước thực tế trên, bà Đinh Thị Thu Thủy- Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Y tế) cho rằng, trong thời gian tới, Việt Nam nên thực cấm kinh doanh và nhập khẩu các sản phẩm thuốc là mới. Trong khu vực ASEAN đã có 5 quốc gia cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử là Thái Lan, Singapore, Lào, Brunei, Campuchia. Phương án này sẽ tác động tích cực về kinh tế-xã hội-giới, thủ tục hành chính, hệ thống pháp luật: Nhà nước không phải bỏ kinh phí để thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm, giải quyết tệ nạn xã hội và gánh nặng bệnh tật; người dân được bảo đảm sức khoẻ cộng đồng, phòng tránh các bệnh tật do thuốc lá gây ra; giảm tải bệnh viện, tập trung khám, điều trị các bệnh khác tại các cơ sở KCB…
Nêu quan điểm về nội dung này, bà Đỗ Thị Lan- Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, hiện nay, Việt Nam chưa có chính sách cụ thể và khung pháp lý để quản lý thuốc lá mới. Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá có hiệu lực thi hành 10 năm đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên, một số quy định không còn phù hợp với thực tế; có vấn đề mới phát sinh như thuốc lá thế hệ mới, ảnh hưởng lớn đến công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá, ảnh hưởng đến tinh thần, sức khỏe của người sử dụng, nhưng chưa được điều chỉnh trong Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nên không có cơ sở để xử lý. Ở Việt Nam vấn đề càng nguy hiểm hơn khi đối tượng sử dụng thuốc là thế hệ mới chủ yếu là thanh thiếu niên. “Trong thời gian tới, cần đề xuất đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh việc sửa đổi, bổ sung Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt là việc sử dụng thuốc lá mới trong thanh niên, thiếu niên, học sinh, sinh viên...”- bà Lan đề xuất.
Tại Tọa đàm, các đại biểu cũng cho rằng, Chính phủ cần chỉ đạo Bộ Y tế và các bộ ngành có liên quan sớm đánh giá tổng kết việc thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá; rà soát các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá để đề xuất sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, đặc biệt, việc quản lý, sử dụng đối với thuốc lá mới; tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, ngăn chặn việc nhập lậu, tàng trữ, vận chuyển và kinh doanh trái phép thuốc lá mới; xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định của pháp luật trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quản lý thị trường, kiểm soát, kiểm tra, phát hiện, xử lý ngăn chặn nhập lậu thuốc lá, đặc biệt là thuốc lá điện tử; có giải pháp tuyên truyền phòng, chống tác hại của thuốc lá, giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong học sinh, sinh viên, nhất là sử dụng thuốc lá mới...
Theo ông Lê Đức Luận- Thứ trưởng Bộ Y tế, hiện nay các loại thuốc lá mới chưa nằm trong danh mục hàng hóa cấm. Trong khi đây là một sản phẩm nguy hại, rất gần với ma túy. Do vậy cần có những giải pháp kịp thời. Sắp tới, Bộ Y tế sẽ thúc đẩy nhanh việc chuẩn bị dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội nhằm điều chỉnh các sản phẩm thuốc lá mới.
V.Thu