Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà đã “giữ chân” NLĐ quay trở lại thị trường lao động
Ngân sách Trung ương đã cấp cho 59/60 địa phương với tổng kinh phí 3.679,3 tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho gần 5,2 triệu lượt NLĐ. Qua đó, đã kịp thời thu hút, hỗ trợ NLĐ quay trở lại thị trường lao động, “giữ chân” NLĐ làm việc ổn định tại DN.
Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội, Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau hơn 1,5 năm triển khai, Chính phủ, các Bộ, cơ quan, địa phương đã nỗ lực, quyết tâm, triển khai quyết liệt các nhiệm vụ được giao. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt kết quả đáng ghi nhận. Tính đến hết tháng 8/2023 giải ngân các chính sách hỗ trợ đạt khoảng 94,7 nghìn tỷ đồng. Một số chính sách miễn giảm thuế, phí, lệ phí có kết quả thực hiện cao, góp phần giảm bớt khó khăn cho người dân, doanh nghiệp, hỗ trợ nền kinh tế phục hồi và đã được Quốc hội cho phép tiếp tục thực hiện trong năm 2023.
Cụ thể, đã giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng trong năm 2022, áp dụng đối với các nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng 10%; hỗ trợ lãi suất (2%/năm) tối đa 40 nghìn tỷ đồng từ NSNN thông qua hệ thống các ngân hàng thương mại cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng, các DN, hợp tác xã, hộ kinh doanh có khả năng trả nợ, có khả năng phục hồi; cho vay cải tạo chung cư cũ, xây dựng nhà ở xã hội, nhà cho công nhân mua, thuê và thuê mua.
Bên cạnh đó, đã quyết liệt thực hiện các giải pháp hỗ trợ nhằm bảo đảm ASXH và đời sống người dân. Ngân sách trung ương đã hỗ trợ cho 59/60 địa phương với tổng kinh phí 3.679,3 tỷ đồng để hỗ trợ tiền thuê nhà cho gần 5,2 triệu lượt NLĐ. Chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho NLĐ được triển khai thực hiện ngay từ đầu năm 2022 đã kịp thời thu hút, hỗ trợ NLĐ quay trở lại thị trường lao động, “giữ chân” NLĐ làm việc ổn định tại các doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh. Năm 2022 đã không xảy ra tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, các doanh nghiệp cơ bản tuyển dụng được nhân lực bảo đảm phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh...
Báo cáo cũng chỉ rõ, đến ngày 31/12/2022, cả nước đã huy động được khoảng 230.000 tỷ đồng trực tiếp phục vụ công tác phòng, chống dịch và thực hiện các chính sách an sinh xã hội, bao gồm ngân sách nhà nước là 186.400 tỷ đồng và viện trợ, tài trợ khoảng 43.600 tỷ đồng…
Để phát huy tối đa hiệu quả nguồn lực đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ trình Ủy ban TVQH xem xét, quyết định giảm 16.100 tỷ đồng kế hoạch vốn bố trí để thực hiện 4 chính sách cho vay ưu đãi. Trong đó, giảm 6.000 tỷ đồng kế hoạch vốn thực hiện chính sách cho vay nhà ở chính sách xã hội; giảm 2.160 tỷ đồng kế hoạch vốn thực hiện chính sách cho vay HSSV mua máy tính và thiết bị học tập trực tuyến; giảm 6.700 tỷ đồng kế hoạch vốn thực hiện cho vay phát triển vùng đồng bào DTTS và miền núi; giảm 1.240 tỷ đồng cho vay các cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập. Đồng thời, tăng 16.100 tỷ đồng kế hoạch vốn bố trí để thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, nâng tổng số kế hoạch vốn bố trí để thực hiện chính sách này là 26.100 tỷ đồng. Tổng số vốn thực hiện các chính sách cho vay ưu đãi thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội vẫn giữ nguyên theo hạn mức được Quốc hội cho phép (38.400 tỷ đồng).
Đánh giá cao trách nhiệm, nỗ lực, tâm huyết của Chính phủ trong việc thực hiện Nghị quyết, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường cho biết, về việc giải ngân cho chính sách cho vay, giải quyết việc làm, công tác này được triển khai tốt nhưng cần đánh giá hiệu quả của việc giải ngân 100% theo kế hoạch có đạt được mục tiêu như đã đề ra ban đầu. Bên cạnh đó, hiện nay việc triển khai xây dựng nhà ở xã hội, điều kiện sống đồng bào DTTS miền núi cùng nhiều đối tượng khác còn đang gặp nhiều khó khăn nên cần cân nhắc, nghiên cứu, rà soát kỹ việc cắt giảm các mức hỗ trợ theo chính sách đã đề ra.
Còn theo ông Nguyễn Văn Hồi- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH thời gian qua, các Bộ, ngành, địa phương đã rất tích cực triển khai Chương trình Phục hồi phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết của Quốc hội. Tuy nhiên, do thời gian thực hiện ngắn, khối lượng nội dung lớn, nên quá trình tổ chức triển khai có một số nội dung không đạt được kế hoạch đặt ra. Về vốn tín dụng chính sách xã hội, đây là nội dung thực hiện thành công, cùng với quy mô vốn tín dụng chính sách hiện có đang giao cho Ngân hàng Chính sách xã hội đã hỗ trợ cho hàng triệu hộ gia đình, giúp phát triển kinh tế hộ gia đình, phát triển kinh tế nông thôn, góp phần hút số lao động bị mất việc làm ở khu vực công nghiệp, khu vực xuất khẩu lao động bị mất việc làm vào làm việc, ổn định xã hội. “Về nội dung hỗ trợ nhà ở cho công nhân lao động, theo dự toán Nghị quyết 43, chúng ta tiến hành hỗ trợ cho 4,4 triệu lao động. Các địa phương đã thực hiện hỗ trợ cho khoảng 5 triệu lao động, sử dụng trong phạm vi kinh phí Quốc hội cho phép, tuy nhiên, thời gian kéo dài hơn so với dự kiến, do NLĐ muốn đợi gộp 3 tháng lĩnh một lần”- ông Hồi khẳng định.
V.Thu