Sử dụng kháng sinh trong điều trị viêm phổi cộng đồng
Viêm phổi mắc phải cộng đồng là một bệnh lý nhiễm khuẩn đường hô hấp thường gặp, có tỷ lệ mắc và tỷ lệ tử vong cao tại Việt Nam và trên thế giới.
Hiện nay, sử dụng kháng sinh là biện pháp quan trọng nhất trong điều trị viêm phổi cộng đồng. Việc sử dụng kháng sinh không hợp lý có thể dẫn đến giảm hiệu quả điều trị, tốn chi phí của người bệnh và gia tăng khả năng kháng thuốc của vi khuẩn. Vì vậy, lựa chọn và sử dụng kháng sinh hợp lý có vai trò vô cùng quan trọng trong điều trị bệnh lý nhiễm khuẩn này.
Đặc biệt, việc lựa chọn và sử dụng kháng sinh thường căn cứ trên các hướng dẫn điều trị. Việc xây dựng, ban hành và tuân thủ các hướng dẫn điều trị chuẩn đã được chứng minh giúp nâng cao tính hợp lý, an toàn trong thực hành lâm sàng nói chung và sử dụng thuốc nói riêng. Chính vì vậy, việc xây dựng, cập nhật sửa đổi hướng dẫn điều trị tại các nước hoặc tại các cơ sở KCB luôn là một hoạt động cần được chú trọng. Các nội dung cập nhật và hướng dẫn điều trị thường căn cứ vào các nghiên cứu tình hình sử dụng thuốc, đặc điểm vi khuẩn và tình trạng kháng kháng sinh của vi khuẩn.
Bộ Y tế cũng đã ban hành tài liệu “Hướng dẫn sử dụng kháng sinh” và “Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị viêm phổi mắc phải cộng đồng ở người lớn”, để các thầy thuốc căn cứ vào đó và đưa ra quyết định lâm sàng với các bệnh lý nhiễm khuẩn, để lựa chọn kháng sinh trong điều trị hợp lý và kinh tế, phù hợp với từng địa phương.
Thực tế lâm sàng cho thấy, nhóm KS β-Lactam là kháng sinh sử dụng phổ biến nhất trong điều trị viêm phổi cộng đồng tại BV. Quinolon là nhóm kháng sinh có tỷ lệ sử dụng cao thứ hai, trong đó có 2 hoạt chất được sử dụng là Ofloxacin và Levofloxacin.
Các phác đồ tập trung chủ yếu sử dụng một hoặc hai kháng sinh. Phác đồ 1- kháng sinh được sử dụng nhiều nhất là Ampicilin + Sulbactam. Phác đồ 2- kháng sinh được sử dụng phổ biến nhất là Ampicilin/Sulbactam + Quinolon. Trong đó, Levofloxacin là một Quinolon hô hấp, có tác dụng lên nhiều chủng vi khuẩn Gram âm và Gram dương. Quinolon xuất hiện ở phác đồ điều trị viêm phổi cả 3 thể (nặng, trung bình, nhẹ). Xu thế sử dụng kháng sinh trong điều trị hiện nay có thêm phần chuyển đổi đường dùng từ kháng sinh tiêm truyền sang kháng sinh uống mà vẫn đảm bảo hiệu quả điều trị.
Các bệnh nhân viêm phổi cộng đồng nên được sử dụng một mức liều xuyên suốt quá trình điều trị, không nên có sự thay đổi về liều dùng. Có 2 kháng sinh có tần suất dùng khá phổ biến tại y tế tuyến cơ sở là Amoxicilin + Acid clavulanic và Ampicilin + Sulbactam. Chủ yếu là tiêm truyền tĩnh mạch với dung môi là Natriclorid 0,9% hoặc tiêm tĩnh mạch với nước cất.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi phác đồ kháng sinh từ đường tiêm sang đường uống nếu có cải thiện về lâm sàng và cận lâm sàng trên bệnh nhân, cần được đưa ra thảo luận và áp dụng tại BV để giảm chi phí điều trị.
Ngoài ra, các bệnh nhân viêm phổi cộng đồng cũng có thể dùng các phác đồ phối hợp 3 kháng sinh nếu tình trạng lâm sàng tăng nặng. Sự lựa chọn kháng sinh tùy thuộc điều kiện kinh tế và khả năng cung ứng. Một số lựa chọn hay áp dụng là Ampicilin/Sulbactam + Ofloxacin + Amikacin; hoặc Amoxicilin/Acid clavulanic + Levofloxacin + Amikacin. Các kháng sinh này đều cần phải được cân nhắc về tổng liều và khoảng cách đưa thuốc phù hợp với từng cá thể và mực độ nhiễm khuẩn của bệnh nhân.
ThS.Lê Quốc Thịnh