Phát triển BHXH tự nguyện tại Bắc Giang: Đột phá mạnh mẽ từ một chỉ thị
* PV: Trước hết, ông có thể cho biết, xuất phát từ nguyên nhân nào để Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành Chỉ thị 08 về đẩy mạnh phát triển BHXH tự nguyện?
- Ông Mai Sơn: Trước khi nói về Chỉ thị 08, cần nhắc lại một Chỉ thị 08 khác cũng của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang, nhưng là về BHYT. Cụ thể, ngày 1/9/2016, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU ngày 1/9/2016 về đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHYT trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2016-2020, trong đó đề ra mục tiêu năm 2020 đạt từ 95% dân số trở lên có BHYT.
Từ đây, rất nhiều giải pháp mạnh đã được UBND tỉnh chỉ đạo triển khai, trong đó có việc hỗ trợ đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng. Đặc biệt, đã lấy tháng 11 hằng năm là Tháng ra quân, tập trung vận động hộ gia đình tham gia BHYT. Mô hình này được thực hiện bền bỉ từ năm 2016 cho đến nay, huy động sự vào cuộc mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền các huyện và đoàn thể ở địa phương. Qua đó, góp phần lan tỏa và đạt kết quả cao về phát triển BHYT, cụ thể tỷ lệ bao phủ BHYT tại Bắc Giang tăng qua từng năm và hiện đạt trên 99% dân số.
Từ bài học kinh nghiệm quý báu trên, tỉnh Bắc Giang đã nhân rộng, áp dụng trong lĩnh vực phát triển BHXH tự nguyện. Theo đó, ngày 2/7/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã ban hành Chỉ thị số 08-CT/TU về đẩy mạnh phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện trên địa bàn tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2021-2025, trong đó đặt mục tiêu đến năm 2025 có 5% lực lượng lao động- tương đương 51.100 người là nông dân và lao động phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện.
Cũng tương tự như với phát triển BHYT, Chỉ thị 08 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu tổ chức hiệu quả Tháng cao điểm vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện vào tháng 5 hằng năm.
* Như vậy mỗi năm tỉnh Bắc Giang thực hiện 2 Tháng cao điểm, bao gồm Tháng cao điểm vận động phát triển BHYT hộ gia đình và Tháng cao điểm vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện. Kết quả BHYT của Bắc Giang đã rất tốt; vậy còn với BHXH tự nguyện thì sao, thưa ông?
- Hằng năm, mỗi khi kết thúc các đợt cao điểm vận động người dân tham gia BHYT hộ gia đình hay BHXH tự nguyện, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang đều chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền phải tổ chức tổng kết, đánh giá, khen thưởng những tập thể, cá nhân làm tốt; nhắc nhở, rút kinh nghiệm đối với những cơ quan, đơn vị, địa phương làm chưa tốt.
Năm nay, ngoài việc tổng kết, đánh giá như thường lệ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy cũng đã chỉ đạo sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 08 về phát triển BHXH tự nguyện, qua đó nhìn nhận rõ những kết quả đạt được, phân tích rõ các hạn chế, tồn tại để đưa ra giải pháp cho giai đoạn tiếp theo.
Riêng về kết quả thực hiện các Tháng cao điểm về phát triển BHXH tự nguyện, qua mỗi năm, kết quả đạt được lại càng tích cực hơn. Đơn cử, trong Tháng cao điểm tổ chức hồi tháng 5/2023, kế hoạch UBND tỉnh giao cho 10 huyện, thành phố vận động tăng mới 3.285 người tham gia BHXH tự nguyện. Kết quả, toàn tỉnh đã vận động tăng mới được 5.210 người, đạt 158% kế hoạch. Trong đó, nhiều huyện đạt kết quả rất đáng biểu dương như: Sơn Động đạt 242%, huyện Hiệp Hòa đạt 205%, Lục Ngạn đạt 168,7%, Tân Yên đạt 163,3%, Lạng Giang đạt 155,4%, Yên Dũng đạt 150%...
Trước đó, trong năm 2022, các đơn vị trên địa bàn tỉnh cũng đã vận động tăng mới được 4.839 người tham gia BHXH tự nguyện. Năm 2021, dù bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch COVID-19 (phải tổ chức vào tháng 8 thay vì tháng 5 như kế hoạch), kết quả Tháng cao điểm của Bắc Giang vẫn rất đáng ghi nhận khi tăng mới 3.748 người tham gia.
Nhờ thực hiện tốt các giải pháp, nhất là tổ chức thành công Tháng cao điểm, đến hết tháng 6/2023, toàn tỉnh Bắc Giang đã có 44.968 người tham gia BHXH tự nguyện, tăng 23.735 người so với năm 2020, về đích trước 3 năm và vượt 2,1% so với chỉ tiêu đề ra tại Nghị quyết số 28-NQ/TW. Có thể thấy, với kết quả này, Bắc Giang sẽ bảo đảm lộ trình thực hiện thành công mục tiêu 5% được đặt ra tại Chỉ thị số 08.
* Ngoài dấu ấn rất nổi bật từ việc tổ chức thành công Tháng cao điểm vận động nhân dân tham gia BHXH tự nguyện, theo ông, quá trình phát triển BHXH tự nguyện tại Bắc Giang còn có điểm nhấn nào khác?
- Theo tôi, kết quả phát triển BHXH tự nguyện nói chung và kết quả thực hiện thành công mô hình Tháng cao điểm vận động BHXH tự nguyện nói riêng có vai trò rất lớn của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể ở địa phương.
Cũng tương tự như với BHYT, các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể địa phương tại Bắc Giang đã và đang vào cuộc mạnh mẽ để tạo động lực phát triển BHXH tự nguyện. Điều này được thể hiện rất rõ qua số liệu thống kê từ việc sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 08. Cụ thể, trong 2 năm 2021-2022, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã chỉ đạo UBND tỉnh ban hành 4 Kế hoạch, 6 Quyết định, 1 Hướng dẫn, 2 Thông báo kết luận và các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về vận động, khuyến khích, phát triển đối tượng tham gia BHXH tự nguyện.
UBND tỉnh cũng đã trình HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 60/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 về quy định hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm nghiệp có mức sống trung bình từ nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2022-2025. Theo đó, người tham gia BHXH tự nguyện tại Bắc Giang được ngân sách tỉnh hỗ trợ thêm 10% mức đóng. Tổng số tiền hỗ trợ cho người tham gia BHXH tự nguyện năm 2021, 2022 và 5 tháng đầu năm 2023 là 43,29 tỷ đồng.
Vai trò và sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cơ sở cũng rất quan trọng. Từ năm 2021 đến nay, các Huyện ủy, Thành ủy đã ban hành 18 văn bản chỉ đạo về BHXH tự nguyện. Một số huyện triển khai hỗ trợ thêm mức đóng BHXH tự nguyện cho người dân như: Việt Yên, Sơn Động, Lạng Giang…
UBND các huyện, thành phố đã ban hành 220 văn bản, qua đó đảm bảo tăng cường chỉ đạo công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện. Đặc biệt, toàn tỉnh đã và đang duy trì rất tốt hoạt động của 2.128 Ban vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện (bao gồm thành phần là bí thư, trưởng thôn, tổ trưởng dân phố, trưởng các đoàn thể…).
Công tác tuyên truyền được đẩy mạnh từ cơ sở. Cơ quan BHXH các cấp đã phối hợp với các phòng ban, Ủy ban MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội tổ chức 2.015 cuộc tư vấn, đối thoại với 116.425 người tham dự; tổ chức trên 18.000 buổi tuyên truyền lồng ghép chính sách BHXH tự nguyện. Ban Thường vụ Hội LHPN chỉ đạo các cấp hội tổ chức lồng ghép trên 700 hội nghị tập huấn, truyền thông, tọa đàm kiến thức sản xuất, phòng chống bạo lực gia đình… trong đó lồng ghép nội dung tuyên truyền chính sách BHXH tự nguyện (trong đó hơn 100 cuộc cấp tỉnh) thu hút gần 44.000 lượt cán bộ…
Có thể khẳng định, với quá trình triển khai Chỉ thị 08, cả hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã vào cuộc mạnh mẽ, tạo bước phát triển đột phá phát triển BHXH tự nguyện trong 2 năm vừa qua.
* Với nền tảng là mô hình phát triển được xây dựng phủ khắp các cơ sở/địa phương, Bắc Giang sẽ có định hướng như thế nào để tiếp tục phát huy kết quả BHXH tự nguyện trong thời gian tới, thưa ông?
- Bắc Giang sẽ chỉ đạo để tiếp tục phát huy đà phát triển BHXH tự nguyện, đạt mục tiêu năm 2023 và sớm đạt mục tiêu đặt ra trong Chỉ thị 08- đạt 5% lực lượng lao động là nông dân và lao động trong khu vực phi chính thức trên địa bàn tham gia BHXH tự nguyện.
Trên cơ sở báo cáo đánh giá sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 08, vừa qua, Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh cũng đã có văn bản giao UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước trong lĩnh vực BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng.
Trọng tâm là quan tâm kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT các cấp; tổ chức thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 60/2021/NQ-HĐND ngày 10/12/2021 của HĐND tỉnh quy định hỗ trợ đóng BHXH tự nguyện, BHYT cho người thuộc hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình làm nông, lâm nghiệp có mức sống trung bình từ nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2022-2025.
Tiếp tục duy trì, thực hiện tốt Tháng cao điểm vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện; chỉ đạo tăng cường phối hợp, chia sẻ dữ liệu về quản lý lao động, thống kê, rà soát số lao động có nguồn thu nhập ổn định mà không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc để tuyên truyền, vận động tham gia BHXH tự nguyện.
UBND tỉnh cũng đã có văn bản chỉ đạo BHXH tỉnh chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan kịp thời tham mưu kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách BHXH, BHYT tỉnh. Sở LĐ-TB&XH chủ trì, phối hợp với BHXH tỉnh và các cơ quan, đơn vị liên quan chia sẻ dữ liệu về quản lý lao động, thống kê, rà soát số lao động có nguồn thu nhập ổn định không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc để tuyên truyền, vận động tham gia BHXH tự nguyện. Đồng thời, yêu cầu UBND các huyện, thành phố quan tâm kiện toàn, nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo cấp huyện, cấp xã.
Hiện nay, rất đáng ghi nhận là một số huyện đang tổ chức triển khai các đợt cao điểm vận động BHXH tự nguyện trong tháng 9 và tháng 10 như: Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Dũng, Hiệp Hòa. Các địa phương này đặt mục tiêu sớm đạt chỉ tiêu được giao về BHXH tự nguyện năm 2023 trong tháng 10 này. Đây là những điểm tích cực từ các huyện, đồng thời cho thấy phong trào phát triển BHXH tự nguyện rất đáng ghi nhận tại Bắc Giang.
* Luật BHXH đang trong quá trình được Chính phủ, Quốc hội nghiên cứu sửa đổi. Từ thực tiễn phát triển BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng tại Bắc Giang, ông có đề xuất gì trong việc sửa đổi Luật BHXH lần này?
- Mặc dù đã đạt được những dấu ấn phát triển tốt, song cũng như các địa phương khác, quá trình phát triển, gia tăng số tham gia BHXH tự nguyện tại Bắc Giang cũng gặp nhiều khó khăn, xuất phát từ các đặc thù của chính sách này.
Theo đó, BHXH nói chung và BHXH tự nguyện nói riêng là chính sách mang tính dài hạn, đòi hỏi người dân phải tham gia trong quá trình lâu dài. Do vậy, cùng với áp lực tăng số tham gia mới, việc giữ chân những người đang tham gia cũng rất quan trọng và thực tế đang gặp không ít khó khăn.
Để tháo gỡ những khó khăn này, chúng tôi đã và đang chỉ đạo đẩy mạnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ngay từ cơ sở; yêu cầu thường xuyên đổi mới công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật BHXH tự nguyện, đa dạng hình thức, mở rộng phạm vi đối tượng, bảo đảm phù hợp đặc thù của từng nhóm đối tượng, địa bàn. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội để cán bộ, đảng viên, NLĐ và các tầng lớp nhân dân hiểu sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng và tính ưu việt, nhân văn của chính sách BHXH tự nguyện; tập trung tuyên truyền các đối tượng có điều kiện và khả năng tham gia, các đối tượng thuộc diện chính sách ưu tiên hỗ trợ đóng từ NSNN.
Bên cạnh đó, để BHXH tự nguyện phát triển bền vững hơn, chúng tôi cũng đề xuất xem xét, sửa đổi, bổ sung các quy định hiện hành. Cụ thể như:
Thứ nhất, sớm sửa đổi Luật BHXH năm 2014 về điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, nhằm tạo điều kiện cho nhiều NLĐ có cơ hội hưởng lương hưu khi hết tuổi lao động.
Thứ hai, nghiên cứu tăng mức hỗ trợ từ NSNN cho người tham gia BHXH tự nguyện, nhất là người thuộc hộ gia đình nghèo, cận nghèo để nhiều người có đủ khả năng tham gia BHXH tự nguyện.
* Trân trọng cảm ơn ông!
Minh Đức (Thực hiện)
Đồ hoạ: Thanh An