Toàn quốc đã làm sạch 91,2 triệu thông tin nhân khẩu trong CSDL quốc gia về bảo hiểm và CSDL quốc gia về dân cư
Sáng 16/10, tại TP.HCM, Tổ Công tác cải cách TTHC của Thủ tướng Chính phủ họp Phiên thứ 2 của Hội nghị chuyên đề đánh giá tình hình và kết quả triển khai các giải pháp đổi mới trong thực hiện TTHC, cung cấp DVC phục vụ người dân, DN tại các bộ, ngành, địa phương. Phiên họp được tổ chức trực tuyến, kết nối đầu cầu Chính phủ với 63 tỉnh, thành phố.
Báo cáo tại Phiên họp, ông Ngô Hải Phan- Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC (Văn phòng Chính phủ) cho biết, thời gian qua, các bộ, ngành, địa phương tập trung thực hiện các giải pháp đổi mới trong thực hiện TTHC, cung cấp DVC cho người dân, DN. Kết quả, trong 9 tháng đầu năm 2023, tỷ lệ hồ sơ được giải quyết của các bộ, ngành, địa phương lần lượt đạt 22,48% và 38,94% (cùng kỳ năm 2022 đạt 8,78% và 13,14%). Việc chuyển hồ sơ giấy sang hồ sơ điện tử tại các bộ, ngành đạt 81,39% (cùng kỳ năm 2022 đạt 50,69%), các địa phương đạt 70,24% (cùng kỳ đạt 38,84%). Qua đó, góp phần xây dựng, đưa vào vận hành các CSDL quốc gia chuyên ngành như: Dân cư, BHXH, đăng ký DN, hộ tịch điện tử, giấy phép lái xe...
Thực hiện Đề án 06 của Chính phủ, có 15 bộ, ngành và toàn bộ 63 địa phương hoàn thành kết nối hệ thống trực tuyến giải quyết TTHC với CSDL quốc gia về dân cư. Cụ thể: Đã có 1,2 tỷ trường hợp tra cứu, 536 trường hợp đồng bộ thông tin công dân; 91,2 triệu thông tin nhân khẩu được làm sạch trong CSDL quốc gia về BHXH và CSDL quốc gia về dân cư; 64,3 triệu hồ sơ cấp định danh điện tử và đã kích hoạt trên 42 triệu tài khoản. Bên cạnh đó, có 24 địa phương hoàn thành cấp tài khoản định danh điện tử.
Thời gian qua, cơ chế chính sách liên quan việc thực hiện TTHC và cung cấp DVC tiếp tục được sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện. Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Trong đó, chất lượng thực hiện TTHC, mức độ hài lòng của người dân, DN đã được cải thiện nhưng chưa đáng kể; vẫn còn tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực, phát sinh thêm TTHC, hồ sơ, giấy tờ ngoài quy định. Việc nâng cấp hệ thống trực tuyến giải quyết TTHC tại một số bộ, ngành, địa phương còn chậm. Đáng chú ý, kỷ luật, kỷ cương hành chính của một số cơ quan, đơn vị chưa nghiêm.
Do đó, để triển khai hiệu quả công tác cải cách TTHC, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân và DN, Tổ Công tác kiến nghị Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị về tiếp tục đẩy mạnh các giải pháp nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp DVC phục vụ người dân, DN. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương cần triển khai ngay các giải pháp để khắc phục tồn tại, hạn chế và nâng cao hiệu quả giải quyết TTHC, cung cấp DVC…
Đồng thời, Tổ Công tác cũng đề nghị các đơn vị thành viên có giải pháp tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị; thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng, quản lý công bố, công khai TTHC; tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; tái cấu trúc quy trình, cắt giảm, đơn giản hóa TTHC... theo đúng quy định của Chính phủ. Cùng với đó, khuyến khích người dân, DN tham gia thực hiện các nội dung chuyển đổi số; đổi mới, nâng cao hiệu quả, năng suất lao động của bộ phận "Một cửa"; có cơ chế, chính sách phù hợp, thực hiện ưu tiên bố trí đầy đủ nhân lực, kinh phí triển khai.
T.Hà