Tiếp tục xem xét lấy ý kiến về quy định hưởng BHXH một lần
Để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần, giúp NLĐ thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi đến tuổi nghỉ hưu, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất 2 phương án quy định hưởng BHXH một lần.
Thông tin về việc rút BHXH một lần, ông Nguyễn Duy Cường- Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, từ năm 2016 tới nay, cả nước có gần 5 triệu lượt người rút BHXH một lần, trong đó 99% người nhận dưới diện nghỉ việc sau 12 tháng không đóng tiếp BHXH... “Phân tích cho thấy, gần 70% người rút BHXH một lần có thời gian đóng ngắn dưới 5 năm. Đáng chú ý, những người hưởng BHXH một lần tập trung đông nhất ở độ tuổi 20-40 tuổi và tập trung chủ yếu ở đối tượng đóng BHXH do người SDLĐ quyết định (ngoài nhà nước). Do đó, nếu không có biện pháp sẽ ảnh hưởng đến an sinh xã hội”- ông Cường nhấn mạnh.
Cũng theo ông Cường, thực trạng trên diễn ra chủ yếu do NLĐ gặp khó khăn tài chính, trong khi quy định đóng BHXH tối thiểu 20 năm mới có lương hưu là quá dài; thiếu sự hỗ trợ từ chính sách BHXH tự nguyện; điều kiện hưởng BHXH một lần khá dễ dàng, mức hưởng cao… Vì vậy, để giảm tình trạng hưởng BHXH một lần, giúp NLĐ được thụ hưởng tối đa các quyền lợi dài hạn khi họ đến tuổi nghỉ hưu, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đã có nhiều sửa đổi, bổ sung theo hướng gia tăng quyền lợi, tăng tính hấp dẫn để khuyến khích NLĐ bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận BHXH một lần.
Cụ thể như: Giảm điều kiện hưởng lương hưu (giảm từ 20 năm xuống 15 năm); hưởng trợ cấp hằng tháng trong trường hợp có thời gian đóng BHXH mà không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội; hưởng BHYT do NSNN đảm bảo trong thời gian hưởng trợ cấp hằng tháng; NLĐ trong thời gian bị mất việc chưa có việc làm còn được hưởng chính sách hỗ trợ về tín dụng nhằm giải quyết khó khăn tài chính trước mắt.
Về quy định hưởng BHXH một lần, ông Nguyễn Duy Cường cho biết, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất 2 phương án và phân tích ưu, nhược điểm của từng phương án.
Về phương án 1: Người tham gia BHXH từ ngày luật có hiệu lực không được nhận BHXH một lần sau 12 tháng nghỉ việc, trừ một số trường hợp luật định (ra nước ngoài định cư, mắc bệnh hiểm nghèo…). Với phương án 1 sẽ chia thành 2 nhóm, nhóm tham gia BHXH trước khi luật có hiệu lực và nhóm tham gia khi luật có hiệu lực (dự kiến năm 2025). Trong đó, nhóm tham gia trước khi luật hiệu lực vẫn được nhận BHXH một lần sau 12 tháng nghỉ việc, tức bảo lưu quy định hiện hành cho nhóm này. Trường hợp không nhận chế độ này, NLĐ vẫn được hưởng quyền lợi giảm năm đóng BHXH để có lương hưu, trợ cấp hưu trí, nếu không đủ điều kiện nhận lương, quyền lợi vay tín dụng khi mất việc. Trường hợp NLĐ đã nhận BHXH một lần không được nhận các quyền lợi bổ sung trên. Ưu điểm của phương án này là khắc phục từng bước tình trạng hưởng BHXH một lần.
"Trong những năm đầu, số người hưởng BHXH một lần không giảm nhiều, nhưng giảm dần từng năm, từ năm thứ 5 trở đi sẽ giảm nhanh. Do đó, quy định này giúp có thêm nhiều người được hưởng tối đa quyền lợi khi nghỉ hưu. Phương án này không ảnh hưởng tới những NLĐ đang tham gia BHXH, sẽ ít khả năng gặp phản ứng. Tuy nhiên, do vẫn áp dụng chế độ BHXH một lần với hơn 17,5 triệu người đang tham gia BHXH, nên số người hưởng BHXH một lần không giảm nhiều. Có thể tạo sự so sánh giữa những người tham gia BHXH trước và sau khi luật có hiệu lực về chế độ BHXH một lần”- ông Cường phân tích.
Về phương án 2: Sau 12 tháng nghỉ việc không đóng tiếp BHXH, có thời gian đóng chưa đủ 20 năm thì được hưởng BHXH một lần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng BHXH còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH sau này. Phương án này hài hòa quyền lợi NLĐ và chính sách an sinh xã hội lâu dài, dù số người nhận BHXH một lần không giảm, nhưng người đã tham gia BHXH sẽ cơ bản vẫn ở lại hệ thống (trừ một số trường hợp ra nước ngoài định cư, mắc bệnh hiểm nghèo). Do còn một nửa thời gian tham gia BHXH được bảo lưu, NLĐ có nhiều cơ hội hơn đủ điều kiện hưởng lương hưu, trợ cấp hưu trí.
"Phương án này vừa đáp ứng nhu cầu nhận BHXH một lần của NLĐ trong thời điểm hiện tại, tránh gây phản ứng xã hội, vừa đáp ứng yêu cầu bảo đảm sự ổn định của hệ thống và quyền lợi của NLĐ trong dài hạn. Tuy nhiên, phương án này có nhược điểm là chưa giải quyết triệt để việc rút BHXH một lần, đặc biệt khi còn trẻ. NLĐ không được rút hết tiền đã đóng BHXH nên có cảm giác giảm quyền lợi. Cũng có thể gia tăng tình trạng NLĐ rút BHXH một lần trước khi luật có hiệu lực (hưởng “chạy luật”). Khi NLĐ đã lựa chọn nhận BHXH một lần thì không được nhận các quyền lợi bổ sung (có lương hưu với 15 năm đóng BHXH, vay tín dụng khi nghỉ việc…)"- ông Cường phân tích.
Cũng theo ông Cường, BHXH một lần là vấn đề lớn, phức tạp, nhạy cảm. Chính vì vậy, trên cơ sở đánh giá các ưu, nhược điểm của 2 phương án, Chính phủ sẽ báo cáo Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 6. Tới đây, Bộ LĐ-TB&XH với vai trò là cơ quan chủ trì xây dựng Dự thảo Luật sẽ phối hợp với các bộ, ngành tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu sự tác động cũng như ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về nội dung này, để tổng hợp, báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét về Dự thảo Luật nói chung và vấn đề BHXH một lần nói riêng.
Vũ Thu