Print

Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc sáng 23/10

Thứ Năm, 19 /10/2023 17:34

Chiều 19/10, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Theo đó, Kỳ họp này được tiến hành theo 2 đợt: Đợt 1 (15 ngày) từ ngày 23/10 đến ngày 10/11/2023; đợt 2 (7,5 ngày) từ ngày 20 đến sáng ngày 28/11/2023.

Thông tin về chương trình và nội dung Kỳ họp, ông Phạm Thái Hà- Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, về công tác lập pháp, Quốc hội xem xét thông qua 9 dự án luật như: Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi); Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Viễn thông (sửa đổi); Luật Quản lý, bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở; Luật Căn cước công dân (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đồng thời, xem xét thông qua 1 dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách tháo gỡ vướng mắc quy định tại một số luật liên quan tới đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ.

Cũng tại Kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, cho ý kiến 8 dự án luật gồm: Luật BHXH (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Về Luật BHXH (sửa đổi), Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết, ngày 20/11/2014, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật BHXH số 58/2014/QH13 (gọi tắt là Luật BHXH năm 2014) thay thế Luật BHXH số 71/2006/QH11, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2016. Qua hơn 7 năm thi hành, Luật BHXH năm 2014 đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn của chính sách, chế độ BHXH theo nguyên tắc đóng-hưởng, đáp ứng nguyện vọng của đông đảo NLĐ, bảo đảm an sinh xã hội và hội nhập quốc tế.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, quá trình thực hiện Luật BHXH năm 2014 cũng bộc lộ những tồn tại, hạn chế, bất cập như: Diện bao phủ đối tượng tham gia và thụ hưởng BHXH trên thực tế còn thấp so với tiềm năng; tính tuân thủ pháp luật về BHXH còn chưa cao, tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH diễn ra ở nhiều DN, nhiều địa phương; chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự hấp dẫn người dân tham gia; một số quy định không còn phù hợp với bối cảnh, điều kiện thực tiễn... Do đó, việc sửa đổi Luật BHXH năm 2014 là rất cần thiết trong bối cảnh hiện nay.

Bên cạnh công tác lập pháp, Quốc hội cũng cho ý kiến về các vấn đề kinh tế, xã hội của đất nước. Cụ thể, đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, NSNN năm 2023 và xem xét, quyết định kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, dự toán NSNN, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2024 (trong đó có xem xét tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2023 và quyết định kế hoạch đầu tư công vốn NSNN năm 2024; xem xét kế hoạch tài chính-NSNN 3 năm 2024-2026); xem xét các báo cáo đánh giá giữa nhiệm kỳ về kết quả triển khai thực hiện các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 về phát triển kinh tế-xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công trung hạn, tài chính quốc gia và vay, trả nợ công...

Ngoài ra, Quốc hội cũng tiến hành giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030”.

Liên quan đến công tác cải cách tiền lương, ông Đinh Ngọc Quý- Ủy viên Thường trực Ủy ban Xã hội của Quốc hội cho biết, cải cách tiền lương được dư luận quan tâm. Ban Chấp hành Trung ương khóa 13 đã có Nghị quyết và Chính phủ đã trình Quốc hội về lộ trình cải cách tiền lương với tinh thần thực hiện đủ 6 nội dung. Trong đó có xây dựng bảng lương mới như: Lương chức danh lãnh đạo cấp xã, mức lương chuyên môn nghiệp vụ...; chế độ tiền thưởng bằng 10% mức lương cơ bản; chế độ nâng bậc lương. Đặc biệt, vấn đề quan trọng nhất là nguồn cải cách tiền lương, Chính phủ đã báo cáo Trung ương và được chuẩn bị sẵn sàng cho giai đoạn 2024-2026. Đáng chú ý, sau năm 2024, vẫn thực hiện lộ trình tăng lương từ 5-7% cho NLĐ để đảm bảo tiền lương tiệm cận với thị trường.

Nguyệt Hà