Print

Nỗ lực phấn đấu đạt các chỉ tiêu kinh tế xã hội, đảm bảo đời sống Nhân dân

Thứ Hai, 23 /10/2023 12:20

Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2023 trước Quốc hội sáng 23/10, Chính phủ khẳng định dù khó khăn nhưng an sinh xã hội cho người dân luôn được đảm bảo; tỷ lệ tham gia BHXH, BHYT đã tăng, tiết kiệm chi tiêu hơn 500.000 tỷ đồng để thực hiện cải cách tiền lương…

An sinh xã hội được đảm bảo

Trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2024 tại Phiên khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, nước ta bước vào thực hiện kế hoạch năm 2023 với nhiều khó khăn, thách thức chồng chất.

Công tác điều hành trong nước chịu áp lực lớn; vừa phải tập trung chống chịu, thích ứng với các diễn biến bất lợi, tranh thủ cơ hội, thời cơ từ bên ngoài; vừa phải xử lý, tháo gỡ những vấn đề tồn đọng, tích tụ của doanh nghiệp... Nhưng dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát; sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị; sự ủng hộ, tham gia tích cực của nhân dân, cộng đồng DN kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn cơ bản được bảo đảm. Tăng trưởng GDP Quý III đạt 5,33%, tính chung 9 tháng đạt 4,24%; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 9 tháng tăng 3,16%. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm; thị trường lao động phục hồi tích cực. Khu vực nông nghiệp phát triển ổn định và tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế trong khó khăn; khu vực dịch vụ phát triển khá sôi động. Thu NSNN 9 tháng đạt 75,5% dự toán, ước cả năm đạt và phấn đấu vượt dự toán được giao. Thúc đẩy tăng thu, tiết kiệm chi, trích lập quỹ tiền lương đến nay được khoảng 560.000 tỷ đồng bảo đảm đủ nguồn để cải cách tiền lương trong 3 năm 2024- 2026.

“Trong năm 2025, Chính phủ sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với khu vực công theo Nghị quyết số 27-NQ/TW từ ngày 1/7/2024. Đồng thời, Chính phủ cũng tiếp tục điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng, chính sách tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp theo quy định. Từ năm 2025 trở đi, tiếp tục điều chỉnh tiền lương tăng bình quân 7%/năm đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang cho đến khi mức lương thấp nhất bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất vùng I của khu vực doanh nghiệp”- Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định.

Về các lĩnh vực văn hóa, xã hội Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, nhiều giá trị văn hoá truyền thống và di sản văn hoá của dân tộc được kế thừa, bảo tồn, tôn tạo và phát triển. Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách NCC, bảo đảm an sinh xã hội và hỗ trợ người dân, doanh nghiệp; đời sống nhân dân được cải thiện tốt hơn. Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm 1,1% (còn 2,93%); chất lượng KCB tiếp tục được cải thiện- đã cơ bản khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế sau dịch Covid-19. Lĩnh vực lao động, việc làm chuyển biến tích cực (kết nối cung cầu lao động được tăng cường; kịp thời hỗ trợ NLĐ bị mất việc, giảm giờ làm; thực hiện tốt các chính sách BHXH, BH thất nghiệp, tiền lương; trong 9 tháng đã đưa trên 111.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài); tỷ lệ thất nghiệp khu vực thành thị ước cả năm là 2,76% (chỉ tiêu Quốc hội giao là dưới 4%).

Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh: “Với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế xã hội tiếp tục xu hướng phục hồi tích cực, tháng sau tốt hơn tháng trước và cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra. Nền kinh tế vẫn tiếp tục là điểm sáng trong bức tranh không mấy sáng sủa của nền kinh tế toàn cầu. Ước cả năm 2023, ít nhất có 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt mục tiêu đề ra, trong đó hoàn thành toàn bộ các chỉ tiêu về xã hội”.

Báo cáo của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp cũng cho thấy, cử tri và nhân dân đánh giá cao trong bối cảnh khó khăn nhiều hơn thuận lợi, song với sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng và Nhà nước, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, của cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ của các tầng lớp Nhân dân, kinh tế nước ta tiếp tục tăng trưởng, an sinh xã hội được bảo đảm; giữ được giá trị đồng tiền Việt Nam; giải ngân vốn đầu tư công tuy chưa đạt kế hoạch nhưng tăng 5% (tương đương 110.000 tỷ đồng); tích lũy đủ tài chính (hơn 500.000 tỷ đồng) để thực hiện cải cách tiền lương theo chủ trương của BCH Trung ương Đảng. Đồng thời, cử tri đánh giá cao ngành y tế đã có nhiều giải pháp tháo gỡ khó khăn, cơ bản khắc phục được tình trạng thiếu thuốc, vật tư tiêu hao để KCB cho nhân dân; ghi nhận nỗ lực cao độ của các thầy thuốc, cán bộ, nhân viên ngành y tế trong công tác khám KCB, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là ở địa bàn khó khăn; kịp thời cứu chữa nạn nhân trong các sự cố thiên tai, cháy nổ.

Ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo đời sống nhân dân

Bên cạnh những kết quả đạt được, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, nước ta vẫn còn những hạn chế, bất cập cần tiếp tục tập trung nỗ lực khắc phục. Tăng trưởng kinh tế chưa đạt mục tiêu đề ra.Ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do phải chịu nhiều áp lực từ bên ngoài. Sản xuất công nghiệp phục hồi chậm, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo. Hoạt động sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn; số doanh nghiệp giải thể, phá sản tăng cao, tình trạng doanh nghiệp thiếu đơn hàng diễn ra phổ biến. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn; số lao động mất việc làm, giảm giờ làm, rút BHXH một lần gia tăng cục bộ; lao động khu vực phi chính thức còn lớn; tỷ lệ thất nghiệp trong thanh niên còn cao. Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế chưa được khắc phục triệt để. Nguồn lực đầu tư cho giáo dục đào tạo còn hạn chế; đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo, cải cách sách giáo khoa chưa đáp ứng yêu cầu. “Ủy ban Kinh tế đề nghị Chính phủ đánh giá một số vấn đề, trong đó đặc biệt là diện bao phủ BHXH còn thấp; số người rút BHXH một lần tăng cao; tình trạng nợ đọng, trốn đóng BHXH, BHYT, BH thất nghiệp diễn ra khá phổ biến. Tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế xảy ra ở hầu hết các cơ sở y tế công lập ảnh hưởng đến quyền lợi của người tham gia BHYT”- ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế nhấn mạnh.

Nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trên, Chính phủ tiếp tục thực hiện đầy đủ, kịp thời, nâng cao hiệu quả các chính sách NCC, trợ giúp xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân, không để ai bị bỏ lại phía sau. Tích hợp chính sách thuộc các lĩnh vực khác nhau để không bị chồng chéo, trùng lặp, gắn với mục tiêu phát triển bền vững, bảo đảm mức sống tối thiểu tăng dần và tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân. Rà soát, hoàn thiện các chính sách BHXH, BHYT, BH thất nghiệp theo hướng mở rộng độ bao phủ và đối tượng tham gia; khắc phục hiệu quả tình trạng NLĐ rút BHXH một lần. Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, hiệu quả, bền vững, hội nhập và thúc đẩy mạnh mẽ các sàn giao dịch việc làm. Trong đó, thúc đẩy tạo việc làm bền vững, SDLĐ hiệu quả, nhất là thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động.

Bên cạnh đó, Chính phủ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu). Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Bảo đảm cung ứng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là điện, xăng, dầu và ổn định thị trường, giá cả; nắm chắc tình hình, làm tốt công tác an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, bảo đảm đời sống cho NLĐ; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, lạm phát khoảng 3,5- 4%. Đồng thời, đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, nhất là công tác truyền thông chính sách; chú trọng thông tin về đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, mô hình hay, cách làm hiệu quả, những kinh nghiệm quý từ thực tiễn để phát huy, nhân rộng; kịp thời phát hiện, xử lý những vấn đề “nóng”, bức xúc xã hội; lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực...

V.Thu

Báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị cử tri gửi đến Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Trưởng ban Dân nguyện Dương Thanh Bình cho biết, cử tri đánh giá cao thời gian qua, hoạt động của Quốc hội đã có nhiều đổi mới, hoạt động lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành được tiến hành chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật. Chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội được nâng cao, khẳng định Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với nhân dân. Tiếp thu kiến nghị của cử tri, công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội có nhiều cải tiến, tăng cường siết chặt kỷ luật, kỷ cương nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ.

Tuy nhiên, việc giải quyết kiến nghị cử tri vẫn còn chậm do bộ, ngành chậm xây dựng, ban hành quy định pháp luật. Đơn cử, từ Kỳ họp thứ 1, Quốc hội khóa XV đến nay, cử tri nhiều địa phương: Thái Nguyên, Hòa Bình, Kiên Giang, Tiền Giang, Trà Vinh... đã liên tục đề nghị Nhà nước hỗ trợ thẻ BHYT cho người dân các xã ATK cách mạng. Qua giám sát cho thấy, trong những năm qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách quan tâm đầu tư, hỗ trợ, trong đó có chính sách hỗ trợ thẻ BHYT. Chính sách hỗ trợ thẻ BHYT sẽ được áp dụng từ năm 2021 nhưng do Bộ Y tế chưa kịp thời trình ban hành quy định cụ thể nên chính sách này chưa được triển khai thống nhất trên toàn quốc. Trên thực tế, một số địa phương đã bố trí ngân sách và huy động mọi nguồn lực để hỗ trợ cho người tham gia BHYT, trong đó có người dân sinh sống trên địa bàn các xã ATK, với mức từ 10- 30%, có địa phương không thực hiện hỗ trợ. Đến năm 2023, vẫn còn 719.706 người dân trên địa bàn xã ATK cách mạng thuộc 25 địa phương chưa được hưởng chính sách hỗ trợ thẻ BHYT.

Như vậy, trong 3 năm (2021, 2022, 2023), một bộ phận người dân ở các xã ATK cách mạng vẫn chưa được hưởng chính sách hỗ trợ chung của nhà nước về thẻ BHYT. Tiếp thu kiến nghị qua giám sát, Bộ Y tế đã khẩn trương hoàn thiện và trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146/2018/NĐ-CP ngày 17/10/2018 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn biện pháp thi hành một số điều của Luật BHYT, để giải quyết những vướng mắc liên quan đến việc tổ chức thực hiện các chính sách BHYT, trong đó có chính sách BHYT đối với người dân các xã ATK cách mạng. (Đến ngày 19/10/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 75/2023/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 146).