Print

Xây dựng khung pháp lý để thực hiện cải cách tiền lương

Thứ Hai, 23 /10/2023 16:15

Chiều 23/10, Quốc hội làm việc ở hội trường nghe các báo cáo của Chính phủ và Ủy ban Kinh tế đánh giá giữa nhiệm kỳ thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội 5 năm; kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025.

Thực hiện lộ trình cải cách chính sách tiền lương

Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, sau nửa nhiệm kỳ, nước ta cơ bản vững vàng vượt qua khó khăn, thách thức và đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện. Quy mô, tiềm lực của nền kinh tế không ngừng được mở rộng. Theo giá hiện hành, GDP năm 2021 đạt gần 8,5 triệu tỷ đồng (khoảng 366 tỷ USD); năm 2022 ước đạt hơn 9,5 triệu tỷ đồng (khoảng 408 tỷ USD); năm 2023 ước đạt hơn 10 triệu tỷ đồng (khoảng 435- 439 tỷ USD).

Trong nửa nhiệm kỳ, Chính phủ đã tập trung xử lý các vấn đề bộc lộ, mới phát sinh của thị trường bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp… Các chỉ tiêu an toàn nợ công, nợ Chính phủ 3 năm được kiểm soát thấp hơn giới hạn, ngưỡng cảnh báo, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia. “Chính sách an sinh xã hội, bảo trợ xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều theo chuẩn mới giảm từ 4,03% năm 2022 xuống 2,93% năm 2023. Dù vậy, tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức, ổn định kinh tế vĩ mô chưa thực sự vững chắc do chịu tác động của các yếu tố bên ngoài. Áp lực hoàn thành mục tiêu tăng trưởng bình quân 5 năm (6,5-7%) rất lớn”- Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Dự báo thời gian tới khó khăn, thách thức còn rất lớn, Chính phủ xác định sẽ tập trung ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Một trong những giải pháp là nghiên cứu và phát triển các ngành công nghiệp mới, công nghệ cao; nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng rà soát, sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý đồng bộ để triển khai kịp thời, hiệu quả phương án cải cách chính sách tiền lương từ ngày 1/7/2024.

Báo cáo về tình hình thực hiện NSNN năm 2023, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2024, Kế hoạch tài chính- ngân sách nhà nước 03 năm 2024-2026, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cũng khẳng định, Chính phủ đã bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương, với dự kiến thu chi NSNN năm 2024, cùng với việc sử dụng một phần nguồn cải cách tiền lương tích lũy của ngân sách Trung ương và các nguồn của ngân sách địa phương, dự kiến đảm bảo đủ thực hiện cải cách đồng bộ chính sách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW từ ngày 1/7/2024.

Đồng thời, Chính phủ bố trí chi trả lãi đầy đủ, đúng hạn, chi dự phòng, dự trữ quốc gia ở mức hợp lý để bảo đảm xử lý kịp thời các nhiệm vụ cấp bách phát sinh. Bố trí nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo kết luận của Trung ương; dành nguồn thực hiện điều chỉnh tăng lương hưu, trợ cấp BHXH, trợ cấp hằng tháng đối với các đối tượng được NSNN đảm bảo; tăng chế độ ưu đãi NCC và một số chế độ an sinh xã hội đảm bảo bù đắp một phần trượt giá và có tăng thêm; thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, các nhiệm vụ chính trị, quốc phòng, an ninh và phát triển kinh tế- xã hội…

Đạt mục tiêu tăng trưởng là “vô cùng khó khăn”

Báo cáo thẩm tra Báo cáo của Chính phủ, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Ủy ban Kinh tế cơ bản nhất trí với nhiều nội dung theo Báo cáo của Chính phủ, tuy nhiên, các kết quả, nhận định và đánh giá cần phải bám sát Nghị quyết số 16/2021/QH15 và các nghị quyết khác của Quốc hội có liên quan và sát với tình hình thực tế hiện nay.

Về kết quả thực hiện sau 3 năm 2021- 2023, theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, kể từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tình hình thế giới và khu vực có nhiều diễn biến, thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường và không thể dự báo, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế toàn cầu. Trong nước, Việt Nam phải thực hiện đa mục tiêu, vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh quốc phòng và tự chủ, tự cường gắn với hội nhập quốc tế… Trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, với chủ trương nhất quán không đánh đổi môi trường, sức khỏe và tính mạng của người dân lấy tốc độ tăng trưởng kinh tế, nhiều chính sách, giải pháp được ban hành cả trong ngắn hạn và dài hạn; công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế pháp luật phục vụ cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng như phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội đã được Quốc hội, Ủy ban TVQH, Chính phủ triển khai quyết liệt và linh hoạt. Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội và nhiều nghị quyết khác đã được ban hành kịp thời với quy mô lớn và nhiều cơ chế, chính sách chưa có tiền lệ để hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế- xã hội.

Về tình hình kinh tế- xã hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, sau 02 năm chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19 cộng với bối cảnh kinh tế và thương mại toàn cầu suy giảm, nhiều rủi ro, kinh tế- xã hội nước ta đã phục hồi, đạt được kết quả tích cực. Năm 2021, tốc độ tăng trưởng GDP đạt 2,56% khi nhiều nền kinh tế có mức tăng trưởng âm; năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, đạt 8,02%- cao hơn nhiều so với kế hoạch (6- 6,5%); 9 tháng đầu năm 2023 đạt 4,24%, cả năm dự báo khoảng 5- 5,5%. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng; khu vực nông nghiệp tiếp tục là trụ đỡ của nền kinh tế. Lạm phát cơ bản được kiểm soát phù hợp; cơ cấu thu ngân sách được củng cố; bội chi ngân sách nhà nước giai đoạn 03 năm ước ở mức 3,6% GDP; các chỉ tiêu an toàn nợ công dự kiến đều trong giới hạn cho phép. Giải ngân vốn đầu tư công được đẩy mạnh; các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp đạt kết quả đáng ghi nhận.

Về hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, với tác động mang tính độ trễ của các giải pháp từ chính sách hỗ trợ nền kinh tế được triển khai liên tục từ đầu năm 2022, cùng với sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, kịp thời, khoa học của Trung ương, Quốc hội, Ủy ban TVQH tăng cường giám sát, phối hợp kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả, Chính phủ, các Bộ, ngành quyết liệt chỉ đạo các giải pháp tháo gỡ khó khăn, Ủy ban Kinh tế cho rằng tăng trưởng kinh tế năm 2024- 2025 có thể được phục hồi tốt hơn so với năm 2023. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu tăng trưởng bình quân khoảng 6,5%- 7% và cao hơn mức bình quân của 5 năm 2016-2020 (6,25%) là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến vô cùng phức tạp, không thể lường trước.

Nguyệt Hà