Giá gạo ở Indonesia tăng kỷ lục
Người dân Indonesia đang phải điều chỉnh bữa ăn hàng ngày để thích nghi với tình trạng giá gạo tăng cao chưa từng có trong tháng 10.
Sản lượng gạo đã giảm mạnh vì hạn hán kéo dài do ảnh hưởng của El Nino, đặc biệt ở các tỉnh Tây Java, Trung Java và Nam Sumatra- ba vựa lúa lớn nhất của Indonesia. Theo dữ liệu mới được Cục Thống kê Indonesia (BPS) công bố hôm 16/10, lượng gạo thiếu hụt có thể lên đến 1,45 triệu tấn do sản lượng quý 4/2023 ước tính chỉ đạt 4,78 triệu tấn, tức là thấp hơn gần 11% so với cùng kỳ năm ngoái.
Thực tế này đã đẩy giá gạo tăng vọt. Và để thích nghi với cơn bão giá, nhiều nhà hàng và các hộ gia đình ở Indonesia quyết định giảm khẩu phần cơm và mua ngũ cốc chất lượng thấp hơn.
Dalmusm- một chủ cửa hàng đồ ăn ở Jakarta phải giảm khoảng 1/3 khẩu phần cơm mà ông phục vụ khách hàng trong hai tháng qua. Chia sẻ với báo Straits Times, ông cho biết: "Rất khó tăng giá món ăn, vì như vậy khách hàng của tôi chắc chắn sẽ bỏ đi. Giảm 1/3 khẩu phần cơm không phải là quá nhiều hay quá ít. Bữa ăn vẫn giúp họ no bụng".
Hàng ngày, hai quầy hàng thực phẩm của ông Dalmus ở Tây Jakarta vẫn tiếp đón thực khách gồm hơn 100 công nhân xây dựng, nhân viên giao hàng, lái xe taxi và những người lao động lương thấp khác. Họ thường chi 10.000 đến 12.000 rupiah cho một bữa ăn gồm cơm, trứng và rau.
Để thích ứng với giá gạo tăng cao mà vẫn nguyên giá nhằm giữ khách hàng, Dalmusm quyết định thay loại gạo chất lượng trung bình- vốn đã tăng giá từ 570.000 rupiah lên 700.000 rupiah cho mỗi bao 50kg, bằng loại gạo chất lượng thấp hơn giá 650.000 rupiah. Mặc dù vậy, doanh thu hàng ngày của ông vẫn giảm 20%.
Giá gạo ở Indonesia tăng vọt bắt nguồn từ thời tiết khô hạn do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino. Các cánh đồng lúa ở Indonesia không có nước trong 3 tháng qua. Nhiều quốc gia khác cũng chịu ảnh hưởng tương tự. Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo lớn nhất thế giới, đã hạn chế xuất khẩu kể từ tháng 7 do giá lương thực tăng, lạm phát cao và lo ngại thiếu gạo.
Theo Angga Hermanda, một thành viên thuộc Hội Nông dân Indonesia, một số khu vực có hệ thống tưới tiêu kém, chẳng hạn như các địa phương thuộc tỉnh Banten ở Java, đã ghi nhận sản lượng lúa gạo giảm mạnh. Nhiều nông dân ở Banten và Trung Java chuyển sang trồng ngô để đối phó với nguồn cung nước hạn chế.
Không giống như các quốc gia trồng lúa lớn khác như Ấn Độ và Việt Nam, Indonesia tiêu thụ phần lớn sản lượng của mình. Nước này sản xuất được 31,5 triệu tấn gạo vào năm 2022 và tiêu thụ khoảng 30 triệu tấn gạo mỗi năm. Theo Bộ Nông nghiệp Indonesia, tổng sản lượng năm 2023 được dự đoán sẽ giảm khoảng 1,2 triệu tấn do hiện tượng El Nino. Để bù đắp thiếu hụt, quốc gia đông dân thứ tư thế giới đang nhập khẩu 2 triệu tấn gạo từ các nước đối tác và sẽ tiếp nhận khoảng 600.000 tấn gạo nhập khẩu vào cuối năm nay.
Dự đoán một vụ thu hoạch kém và giá gạo vẫn ở mức cao, chính phủ Indonesia đã đẩy mạnh các nỗ lực chuẩn bị nhằm đảm bảo dự trữ gạo hợp lý. Hôm 13/10, Tổng thống Joko Widodo tuyên bố sẽ nhập thêm 1,5 triệu tấn gạo ngoài 2 triệu tấn đã được nhập khẩu. "Chúng ta cần đưa gạo ra thị trường để giá giảm dần", ông nói.
Gạo là khẩu phần ăn chính trong thực đơn của người Indonesia nói riêng và gần 700 triệu người dân Đông Nam Á nói chung. Tuy nhiên, thời tiết khô hạn bởi tác động của El Nino đã khiến việc trồng lúa ở nhiều quốc gia trong khu vực gặp khó khăn và sản lượng suy giảm mạnh, thiếu hụt nguồn cung, dẫn tới hậu quả tất yếu là giá lương thực tăng phi mã. Thực trạng này thậm chí còn đáng ngại hơn trong bối cảnh nguy cơ thiếu hụt lúa gạo đã phủ bóng toàn cầu từ giữa năm 2023.
Ngọc Tuấn