Thiếu lao động có kỹ năng cao để đáp ứng cho ngành Logistics
Dù có tốc độ tăng trưởng nhanh và đang có tiềm năng phát triển rất lớn, song nguồn nhân lực, nhất là lao động có kỹ năng, chất lượng cao để đáp ứng cho ngành Logistics hiện vẫn là thách thức lớn đối với Việt Nam...
Tại Diễn đàn Phát triển kỹ năng nhân lực ngành Logistics và thúc đẩy DN tham gia giáo dục nghề nghiệp trong kỷ nguyên số, ông Lê Tấn Dũng- Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH cho biết, hiện nay, phát triển kỹ năng nguồn nhân lực là một trong ba chiến lược mang tính đột phá cho sự phát triển kinh tế- xã hội của Việt Nam.
Trong đó, Logistics được xác định là ngành dịch vụ quan trọng của nền kinh tế quốc dân, hỗ trợ kết nối và phát triển kinh tế. Với tốc độ tăng trưởng bình quân từ 14-16% và quy mô 40- 42 tỷ USD/năm, Logistics hiện đang là một trong những ngành tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam; được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường Logistics mới nổi toàn cầu.
Hiện các nhu cầu về cảng, kho bãi và giao nhận hàng hoá đang ngày càng tăng. Lĩnh vực này đang tiếp tục có những nhu cầu phát triển kỹ năng nguồn nhân lực, đặc biệt là để đáp ứng xu hướng số hoá. Mục tiêu của Việt Nam đến 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ Logistics vào GDP đạt 8%-10%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ Logistics đạt 15%-20%, chi phí Logistics giảm xuống tương đương 16%- 20% GDP. “Để đạt được mục tiêu này đòi hỏi lĩnh vực Logistics của Việt Nam cần tiếp tục phát huy mọi khía cạnh của lĩnh vực trong đó phát triển nguồn nhân lực là giải pháp quan trọng hàng đầu”- ông Lê Tấn Dũng nhấn mạnh.
Theo chia sẻ của các chuyên gia tại Diễn đàn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nói chung và lĩnh vực Logistics nói riêng, bên cạnh cần các chính sách ưu tiên, cần đẩy mạnh lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp, đặc biệt là cần sự tham gia mạnh mẽ hơn nữa của DN vào quá trình này. Ông Đào Trọng Độ- Vụ trưởng Vụ Đào tạo thường xuyên (Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp) cho biết, tại Việt Nam hiện vẫn đang có sự mất cân đối giữa các lĩnh vực đào tạo, ngành nghề, nhất là ở những ngành nghề mới, đòi hỏi lực lượng nhân lực có kỹ năng như Logistics hay gần đây là Chíp bán dẫn, khi các doanh nghiệp FDI đang có định hướng đầu tư vào Việt Nam trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, hầu như trong lĩnh vực Logistics hay Chíp bán dẫn gần như mới chỉ có vài trường có ngành đào tạo nhưng với số lượng rất ít. Việc mất cân đối trong vấn đề tuyển sinh, đào tạo dẫn đến mất cân đối cung ứng nhân lực cho các ngành kinh tế. “Cứ một người đi học đại học thì có khoảng 0,42 người tham gia vào giáo dục nghề nghiệp, tức là cơ cấu đang bị chênh lệch giữa các trình độ đào tạo, dẫn đến một số lĩnh vực, ngành, cấp trình độ đang thừa nhân lực, nhưng nhân lực có trình độ cao trong các ngành sản xuất, dịch vụ cho phát triển kinh tế lại đang thiếu trầm trọng”- ông Độ thông tin.
Riêng với ngành Logistics, ở Việt Nam hiện chỉ có một số trường đào tạo với số lượng ít như Đại học Hàng Hải Việt Nam, các cơ sở khác hầu như chỉ có những ngành đào tạo liên quan. Từ góc độ DN, ông Vũ Ninh- Thành viên Hội đồng Quản trị (Tập đoàn Gemadept), kiêm Chủ tịch Hội đồng tư vấn kỹ năng nghề ngành Logistics (LIRC) khẳng định, Logistics là ngành công nghiệp toàn cầu với những thay đổi nhanh chóng về yêu cầu đối với đội ngũ lao động. Là một trong những đơn vị hoạt động trong lĩnh vực Logistics và cảng biển, doanh nghiệp nhận thức rõ vai trò của đội ngũ nhân lực có chất lượng. Hiện tại Gemadept có khoảng 1.500 lao động làm việc trong ngành cảng biển và Logistics, trong đó có đến 2/3 là lao động làm trực tiếp tại cảng và kho, chỉ 1/3 nhân lực tốt nghiệp Đại học, Ths, hiện đang làm tại các phòng, ban như makerting, kế toán… Chính vì cơ cấu lao động ngành nghề như vậy nên doanh nghiệp xác định đây là lực lượng quyết định để đơn vị có giá thành thấp. “Mỗi một lao động trực tiếp có năng suất cao, giảm thiểu được rủi ro, tai nạn thì sẽ mang lại lợi ích rất thiết thực đối với DN. Nhận thức được điều này, chúng tôi đang tích cực tham gia góp phần cùng hệ thống giáo dục nghề nghiệp tạo ra được nguồn nhân lực đủ người để làm việc, có năng suất lao động cao, từ đó giúp NLĐ có thu nhập tốt”- ông Ninh nhấn mạnh.
Còn theo bà Trần Thị Lan Anh- Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động (VCCI), trong 10 năm gầy đây, tư duy, nhận thức của DN trong vấn đề kết nối DN và nhà trường đã có sự thay đổi rất lớn. Việt Nam đã đặt ra mục tiêu phát triển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 chuyển thành quốc gia phát triển, có thu nhập cao, nâng cao khả năng cạnh tranh của DN và nền kinh tế. Chính vì vậy, việc có nguồn nhân lực chất lượng cao và linh hoạt là cấp thiết để đáp ứng mọi thay đổi của bối cảnh cuộc Cách mạng 4.0, nhu cầu về kỹ năng nghề nghiệp ngày càng cao, song đây cũng là thách thức đối với các doanh nghiệp. “Việc hỗ trợ, tạo ra một sân chơi, cơ chế cho DN tham gia vào giáo dục nghề nghiệp, nâng cao kỹ năng nghề cho chính nguồn lao động của họ là vấn đề quan trọng”- bà Lan Anh nói.
V.Thu