Print

Đổi mới sáng tạo gắn liền với kinh doanh bền vững

Thứ Tư, 25 /10/2023 16:03

Hội thảo Đổi mới sáng tạo gắn liền ESG- Kinh doanh bền vững đã khai mạc cho Ngày Đổi mới sáng tạo Mở 2023 (ngày 25/10), nhằm thảo luận và thúc đẩy trao đổi hợp tác giữa các bên liên quan về thử nghiệm, định hướng và giải pháp xây dựng mô hình quản lý tích hợp với các yếu tố ESG.

Sự kiện do Cục Phát triển Thị trường và DN Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững ̣(MSD)- United Way Việt Nam, Làng Sáng tạo Mở Xã hội TECHFEST 2023, Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) và Viện Đổi mới sáng tạo Mở và doanh nhân công nghệ (OITI) tổ chức tại TP.HCM.

Hội thảo Đổi mới sáng tạo gắn liền ESG– Kinh doanh bền vững nhằm thúc đẩy giao lưu về ESG, chia sẻ thực hành tốt của các DN trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo mở hướng đến các Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc. Bên cạnh đó, Hội thảo cũng là nơi định hướng và giải đáp những thắc mắc về cơ hội và thách thức trong việc thực hiện ESG cho các DN. Thông qua những trao đổi về ESG, nhiều hoạt động thiết thực và cụ thể hướng tới việc khuyến khích phát triển xu thế kinh doanh bền vững được kì vọng.

ESG, viết tắt của Environmental, Social, và Governance (Môi trường, Xã hội và Quản trị), đang trở thành một yếu tố không thể thiếu trong mô hình hoạt động của các DN. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến cách DN được quản lý, mà còn đến cách họ tương tác với xã hội và môi trường. Dựa trên các nguyên tắc ESG, ngoài yếu tố về lợi nhuận, các DN cần đảm bảo rằng mô hình hoạt động được triển khai một cách bền vững, đối xử công bằng với nhân viên và cộng đồng, đồng thời bảo vệ môi trường. ESG không chỉ là về đạo đức kinh doanh mà còn liên quan đến khả năng sinh tồn và tăng trưởng dài hạn.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Phạm Hồng Quất- Cục trưởng Cục Phát triển Thị trường và DN Khoa học và Công nghệ (Bộ KH&CN) khẳng định, trong định hướng chiến lược phát triển khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia, vai trò của các startups và những người trẻ trong nền kinh tế của Việt Nam. Đặc biệt, để thúc đẩy tiềm năng của Đối mới sáng tạo cấp quốc gia, các các công nghệ thực phẩm, nông nghiệp thông minh, công nghệ bảo vệ môi trường, các ứng dụng AI… đóng vai trò rất quan trọng để vừa tạo đòn bẩy kinh tế vừa đóng góp cho sự phát triển bền vững.

Những nguyên tắc ESG đang nổi lên hàng đầu trong cuộc thảo luận trên toàn cầu, đã nhấn mạnh tính quan trọng của việc thực hành kinh doanh có trách nhiệm và bền vững trong dài hạn. Thị trường Việt Nam đang chứng kiến sự nhận thức gia tăng về ESG và khả năng để thúc đẩy sự thay đổi tích cực và bền vững trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Bà Nguyễn Phương Linh- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển bền vững MSD- United Way Việt Nam, trưởng làng Sáng tạo Mở Xã hội Techfest cũng nhấn mạnh thêm: “ESG hiện nay đã thành xu hướng và là giải pháp dài hạn để tạo nên sự phát triển bền vững của DN”. Viện trưởng MSD lưu ý rằng ESG có ít nhất 2 yếu tố Xã hội và Môi trường là những khái niệm rộng, nằm ngoài sự kiểm soát và nỗ lực của DN, chính vì thế việc thiết lập mối quan hệ hợp tác giữa các bên liên quan đa dạng để cùng DN giải quyết vấn đề và thúc đẩy ESG là vô cùng cần thiết, trong đó ngoài các mối quan hệ truyền thống.

Bà Linh cũng gợi ý DN nên hợp tác với các đối tác NGOs, Viện trường và các nhóm cộng đồng để ESG được thực hiện thực chất, hiệu quả. Cách tiếp cận đổi mới sáng tạo mở sẽ là giải pháp, cách tiếp cận mở cánh cửa cho DN không chỉ đóng cửa giải quyết các vấn đề của mình mà còn tận dụng được sự đổi mới sáng tạo, các sáng kiến và nguồn lực vô hạn từ các bên liên quan, nhà đầu tư, DN, startups, viện trường, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, bên cạnh sự hỗ trợ chính sách của Nhà nước...: “Đừng nghĩ ESG chỉ là một từ đẹp đẽ, một khẩu hiệu hay là 1 nỗ lực để DN làm đẹp báo cáo gửi tới các nhà đầu tư và khách hàng, nếu thực hiện nghiêm túc, ESG chính là 1 giải pháp để gắn kết trong chiến lược kinh doanh bền vững của DN. Cũng đừng đợi trở thành DN lớn mới đầu tư vào ESG mà hãy đầu tư vào ESG để lớn”.

Thái An