Phần lớn lao động phi chính thức nằm ngoài lưới an sinh
Do việc làm ở khu vực phi chính thức chủ yếu có tính chất giản đơn, không đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật vì thế cũng đem lại mức thu nhập thấp cho NLĐ; phần lớn lao động khu vực này nằm ngoài lưới an sinh…
Thông tin được chia sẻ tại Hội thảo Thúc đẩy triển khai chương trình hợp tác quốc gia Việt Nam- ILO về việc làm thỏa đáng 2022-2026 do Bộ LĐ-TB&XH và Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tổ chức ngày 25/10/2023.
Phát biểu khai mạc, bà Ingrid Christensen- Giám đốc Văn phòng ILO Việt Nam cho biết, Chương trình Việc làm thỏa đáng được thực hiện trên toàn cầu, trong đó Việt Nam là một điểm nhấn nhằm tạo khung khổ để các bên hợp tác và thúc đẩy hơn nữa việc làm thỏa đáng trong mỗi nước, có sự cân nhắc với điều kiện kinh tế- xã hội cụ thể. Tại Việt Nam, trong chu kỳ hợp tác lần thứ 4 giai đoạn 2022- 2026, Bộ LĐ-TB&XH cùng các đối tác và ILO sẽ tiếp tục đặt trọng tâm vào 3 trụ cột và vấn đề ưu tiên là: Tăng trưởng kinh tế và thịnh vượng; an sinh xã hội và bảo vệ quyền lợi của NLĐ; quản trị thị trường lao động. Chương trình cũng phấn đấu đạt 10 kết quả cụ thể cần đạt được trong từng lĩnh vực phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia cũng như Chương trình nghị sự về phát triển bền vững của LHQ.
Trong khi đó, ông Lưu Quang Tuấn- Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ LĐ-TB&XH) nhấn mạnh, việc làm thỏa đáng hướng tới mục tiêu không chỉ tạo ra việc làm nhiều hơn mà còn phải tạo ra việc làm tốt hơn. Nghĩa là NLĐ được làm việc trong điều kiện lao động tốt hơn, an toàn hơn, được bảo đảm an sinh xã hội, có năng suất và thu nhập cao hơn, thực hiện mục tiêu cân bằng giữa tăng trưởng kinh tế- xã hội. Bên cạnh đó, cải thiện chất lượng và tính bền vững của tăng trưởng thông qua phát triển nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực chất lượng cao; thúc đẩy phát triển toàn diện, công bằng và bao trùm thông qua các chính sách xã hội, cải thiện hệ thống an sinh xã hội, chú trọng hỗ trợ các nhóm yếu thế, dễ bị tổn thương và tăng cường quản trị thị trường lao động. “Trong chu kỳ hợp tác lần thứ tư- giai đoạn 2022-2026, với sự hỗ trợ của ILO, trọng tâm vẫn là vấn đề việc làm, phát triển nguồn nhân lực và an sinh xã hội; bảo đảm hài hòa giữa quyền lợi của NLĐ và của DN gắn với tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, phù hợp với chiến lược phát triển bền vững của quốc gia cũng như Chương trình Nghị sự về phát triển bền vững của Liên hợp quốc”- ông Tuấn khẳng định.
Cho rằng, đảm bảo việc làm thỏa đáng là yêu cầu hết sức quan trọng, song bà Chu Thị Lê Anh- giảng viên Học viện Chính trị Quốc gia nhấn mạnh, cần quan tâm nhiều hơn đến bảo đảm tính thỏa đáng trong việc làm ở khu vực phi chính thức. Hiện nay, lao động khu vực phi chính thức vẫn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu thị trường lao động của Việt Nam (khoảng 68%) và có tác động mạnh mẽ đến câu chuyện phát triển và đảm bảo việc làm nói chung. Thực trạng về việc làm trong khu vực phi chính thức cũng không đạt được các tiêu chí của việc làm thỏa đáng bởi việc làm ở khu vực này chủ yếu có tính chất giản đơn, không đòi hỏi trình độ chuyên môn kỹ thuật vì thế cũng đem lại thu nhập thấp cho NLĐ. “NLĐ phi chính thức thường ở thế yếu trong thương lượng để đảm bảo điều kiện làm việc cũng như cơ hội, yêu cầu nâng cao thu nhập. Điều đó dẫn đến hệ quả là NLĐ trong khu vực phi chính thức có thu nhập thấp. Tỷ lệ lao động phi chính thức có mức thu nhập thấp hơn so với mức lương tối thiểu vùng lên đến 47%”- bà Lê Anh cho biết.
Bên cạnh đó, quyền, phương tiện, môi trường tại nơi làm việc của lao động phi chính thức cũng không được đảm bảo. Lý do là phần lớn chủ SDLĐ của họ thường là các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ, cơ sở gia đình có quy mô tài chính tương đối hạn hẹp. Vì thế, việc trang bị cho người lao động trong môi trường làm việc chỉ ở mức cơ bản. Thời gian làm việc cũng thường kéo dài, khi có đến hơn 35% lao động phi chính thức làm việc quá 48h/tuần, vượt quá quy định của Bộ luật Lao động; 10,18% phải làm từ 2 công việc trở lên để có thu nhập nuôi sống gia đình. Đáng chú ý, rất ít lao động phi chính thức được bao phủ bởi lưới an sinh. Cụ thể, có đến 98% NLĐ phi chính thức không tham gia BHXH, điều này dẫn đến hệ thống hỗ trợ NLĐ trong những trường hợp rủi ro, gặp biến cố trong quá trình lao động bị hạn chế rất nhiều.
Cũng theo bà Chu Thị Lê Anh, bài học từ giai đoạn dịch Covid-19 đã thể hiện rõ, khi đó Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng, bao gồm cả nhóm lao động tự do, song lao động phi chính thức vướng quy định không có HĐLĐ, không có khai báo tại nơi cư trú. Vì thế đã rất khó xác định được đối tượng, khiến việc nhận diện điều kiện để hỗ trợ rất hạn chế. Bà Lê Anh khẳng định: “Với những kết quả nghiên cứu như vậy, chúng tôi khẳng định việc làm trong khu vực phi chính thức đang không thỏa đáng. NLĐ trong khu vực này khó có thể tự đảm bảo những quyền lợi của mình bởi không có căn cứ để được bảo vệ lương, cũng như các quyền lợi khác tại nơi làm việc. Cụ thể, có hơn 60% lao động phi chính thức có thỏa thuận miệng về việc làm, 14% không có HĐLĐ. Chính vì không có giao kết hợp đồng bằng văn bản nên họ không được đảm bảo về mặt luật pháp trước những yếu tố khiến cho việc làm trở nên không thỏa đáng. Vì vậy, để hỗ trợ tạo việc làm thỏa đáng hơn cho NLĐ, Chương trình nghị sự về việc làm thỏa đáng tại Việt Nam trong giai đoạn tới sẽ cần triển khai có trọng điểm, tập trung vào các ưu tiên hơn”.
V.Thu