Print

Nhu cầu tuyển dụng lao động ngành CNTT vẫn tăng

Thứ Năm, 26 /10/2023 10:46

Báo cáo Thực trạng và xu hướng tuyển dụng ngành CNTT năm 2023 do Navigos Group công bố cho thấy, tuy chịu ảnh hưởng bởi làn sóng sa thải ào ạt suốt thời gian qua nhưng cuối năm 2023 đến năm 2024, DN vẫn có nhu cầu tuyển dụng nhân sự CNTT.

Kết quả khảo sát hơn 1500 người gồm ứng viên IT và DN tại Việt Nam cho thấy, 25,7% nhân sự CNTT thấy khó khăn khi tìm việc vì “Không có nhiều vị trí để ứng tuyển”, lý do theo sau là “Tỷ lệ chọi ứng viên cao” cũng như do sự chênh lệch giữa nhu cầu của DN và kinh nghiệm của ứng viên. Trong đó, TP.HCM và Hà Nội là 2 thành phố lớn tập trung nhiều cơ hội việc làm nên bị tác động nhiều nhất. Cụ thể, TP.HCM có tỷ lệ cắt giảm nhân sự cao nhất ở mức 22,2%; Hà Nội có tỉ lệ cắt giảm nhân sự thấp hơn, nhưng thay vào đó, các DN tại Hà Nội thường chọn cắt giảm lương, tiền thưởng hoặc phúc lợi khác (chiếm 14,7%).

Cũng theo báo cáo, nhân sự IT tại Hà Nội có xu hướng tự thôi việc, tìm kiếm cơ hội mới cao nhất. Trong khi đó tại TP.HCM, trước làn sóng lay-off, tỉ lệ nhân sự bị ảnh hưởng lên tới 47%. So sánh xu hướng tìm việc của nhân sự IT, trước suy thoái, lý do tìm việc mới của nhân sự IT cao nhất là “Có cơ hội thăng tiến trong công việc”, theo sau là “Mức độ ổn định”, đặc biệt là về mặt tài chính của công ty và mức lương bằng hoặc cao hơn vị trí cũ. Các lý do khác còn có sếp và đồng nghiệp thân thiện, phúc lợi, công ty gần nhà, văn phòng đẹp... Tuy nhiên, sau làn sóng cắt giảm nhân sự, nhân sự IT có phần bớt khắt khe và chủ động hơn trong quá trình tìm kiếm công việc. Các ứng viên sẵn sàng đảm nhận lượng công việc nhiều hơn (27,3%), thậm chí chấp nhận giảm lương (12,3%) để có việc. Trong giai đoạn kinh tế ổn định thì nhu cầu tuyển dụng của DN CNTT gần như bùng nổ để phục vụ sự tăng trưởng nên nhân sự CNTT luôn được các DN chú trọng và “săn đón”. “Tuy ở thời điểm hiện tại khi Việt Nam bị các yếu tố kinh tế tác động, các DN thu hẹp nhu cầu và ngân sách tuyển dụng, đồng thời đặt ra yêu cầu cao hơn, đòi hỏi nhân sự có nhiều kỹ năng, đảm đương nhiều trách nhiệm hơn”- ông Cái Đăng Sơn, Giám đốc bộ phận phát triển Sản phẩm& Kỹ thuật (Navigos Group) chia sẻ.

Cũng theo kết quả khảo sát, NLĐ ngành CNTT có ý định chuyển việc sẽ cân nhắc hơn trong quyết định và mong muốn tìm được một công ty ổn định. Có đến 42,4% ứng viên hiện đang tìm kiếm công việc mới và 23,7% có ý định chuyển việc trong trong 12 tháng tiếp theo nhưng vẫn trong lĩnh vực công nghệ. NLĐ cũng cho biết họ sẽ tiếp tục trau dồi thêm các kỹ năng/chuyên môn và đặc biệt quan tâm đến công nghệ mới hoặc ngôn ngữ lập trình mới. Bên cạnh đó, ngoại ngữ cũng là một trong những yếu tố quan tâm hàng đầu của ứng viên CNTT, chiếm 37,6%.

Cũng theo ông Cái Đăng Sơn, thời điểm hiện tại khi Việt Nam bị các yếu tố kinh tế tác động, các doanh nghiệp thu hẹp nhu cầu và ngân sách tuyển dụng, đồng thời đặt ra yêu cầu cao hơn, đòi hỏi nhân sự có nhiều kĩ năng, đảm đương nhiều trách nhiệm hơn. Suy thoái kinh tế buộc các doanh nghiệp phải thu hẹp quy mô, giảm ngân sách dành cho hoạt động tuyển dụng. Thêm vào đó, dù nhu cầu nguồn nhân lực nhóm ngành công nghệ vẫn có nhưng thực trạng thiếu hụt nhân sự chất lượng cao vẫn còn là thách thức lớn. Theo kết quả khảo sát nhóm DN có sản phẩm- dịch vụ không thuộc ngành công nghệ có số lượng nhân sự làm CNTT không quá nhiều so với công ty công nghệ hoặc hỗ trợ gia công các dự án công nghệ. Đáng chú ý, những công ty có quy mô nhân sự dưới 100 người có tỉ lệ cắt giảm nhân sự cao. Còn DN có số nhân viên từ 1.000 đến dưới 3.000 có tỷ lệ nhân sự ổn định nhất (76.5%). Trong khi đó, các công ty trên 3.000 nhân sự có tỉ lệ giảm lương, tiền thưởng hoặc phúc lợi khác khá cao (16,7%). Xét theo số năm làm việc, các vị trí trong ngành CNTT từ 3- 8 năm kinh nghiệm có tỉ lệ công việc ổn định cao nhất (65,1%). Nhóm lao động dưới một năm kinh nghiệm chịu tác động lớn nhất (23,8%) người có công việc ổn định. Đồng thời, nhóm này cũng có tỷ lệ đã bị thôi việc và chưa có việc làm mới lên đến 30,3%.

Nguyệt Hà