Print

Kinh tế toàn cầu đang ở "thời điểm nguy hiểm"

Thứ Năm, 26 /10/2023 12:23

Xung đột Israel- Hamas kéo theo một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn và tạo thêm bất ổn trong bối cảnh lạm phát dai dẳng và chi phí vay cao.

Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Ajay Banga, mô tả nền kinh tế toàn cầu đang ở "thời điểm nguy hiểm" với những thách thức địa chính trị như cuộc xung đột Israel- Hamas dự kiến sẽ có tác động đến sự phát triển kinh tế. Ông Banga kêu gọi "hòa bình và ổn định" và nhấn mạnh có "sự khác biệt ngày càng tăng" giữa các nền kinh tế phát triển và đang phát triển.

Những lời trên được ông Banga đưa ra trong khuôn khổ hội nghị thường niên "Sáng kiến Đầu tư Tương lai" diễn ra trong các ngày 24-26/10 tại thủ đô Riyadh của Ảrập Xêút. Sự kiện này quy tụ hơn 6.000 đại biểu, bao gồm lãnh đạo nhiều nước cùng các giám đốc ngân hàng toàn cầu.

Kể từ khi cuộc xung giữa Israel và lực lượng vũ trang Hamas bắt đầu hôm 7/10, giá dầu thô Brent vốn chiếm tới 2/3 nguồn cung dầu thế giới đã tăng gần 7%.

"Rủi ro có xu hướng tăng lên. Lãi suất có thể sẽ duy trì ở mức cao hơn một chút trong thời gian dài hơn. Lợi tức trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm của Mỹ đã vượt qua mức 5% trong thời gian ngắn mới đây là vấn đề mà chúng tôi chưa từng thấy", ông Banga phản ánh trong bài phát biểu. "Và sau đó bao lâu nữa sẽ xảy ra đại dịch tiếp theo? Tôi sẽ cẩn thận một chút khi cố gắng định lượng rủi ro".

Trong khi đó, Thống đốc Quỹ Đầu tư công Ảrập Xêút Yasir al-Rumayyan lại cảnh báo về những thách thức khi lãi suất tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ đầu những năm 1980 và điều này gây ra gián đoạn đáng kể, khó lường. Tuy nhiên, ông nhận định chính phủ các nước và doanh nghiệp đã có nhiều sự điều chỉnh nhằm phù hợp với các chính sách thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng trung ương để kiểm soát lạm phát. Vị này cũng bày tỏ sự lạc quan khi chứng kiến kinh tế và năng suất tăng trưởng nhanh ngay cả trong môi trường lãi suất cao.

Tình trạng chiến tranh giữa Israel và phong trào Hồi giáo Hamas đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về khả năng xảy ra một cuộc xung đột kéo dài ở Trung Đông và tiềm ẩn rủi ro gây bất ổn cho nền kinh tế toàn cầu. Nhiều chuyên gia cho rằng cuộc xung đột tại Trung Đông có thể tạo thêm các thách thức mới với kinh tế toàn cầu.

Theo các chuyên gia phân tích, tất cả các kịch bản xung đột đều có thể đẩy giá dầu tăng kỷ lục, lạm phát cao hơn và tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm tốc. Trong trường hợp xấu nhất, giá dầu mỏ thế giới có thể tăng lên mức 150 USD/thùng. Lạm phát toàn cầu nhiều khả năng sẽ tăng lên 6,7% trong năm 2024, cao hơn nhiều so với dự báo hiện tại 5,8% của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Hồi đầu tháng 10, IMF giữ nguyên dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong năm 2023 ở mức 3%, thấp hơn mức tăng trưởng 3,5% được ghi nhận vào năm 2022 và thấp hơn mức tăng trưởng trung bình trong lịch sử. Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới, IMF đánh giá kinh tế toàn cầu vẫn "kiên cường" bất chấp hậu quả từ đại dịch COVID-19, xung đột Nga- Ukraine và cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt. Dù vậy, tăng trưởng kinh tế vẫn chậm và không đồng đều, có sự chênh lệch rõ rệt trên toàn cầu.

Vào năm 2024, quỹ dự kiến tổng sản phẩm quốc nội toàn cầu sẽ tăng 2,9%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với dự báo của quỹ vào tháng 7 năm tới.

Trong một báo cáo hồi tháng 3, Cơ quan Năng lượng Tái tạo quốc tế cho rằng đầu tư toàn cầu vào các công nghệ chuyển đổi năng lượng phải tăng gấp bốn lần lên 35 nghìn tỷ USD vào năm 2030 thì mới đáp ứng được các cam kết trong Thỏa thuận khí hậu Paris.

Ngọc Tuấn