Cần cẩn trọng khi so sánh mức đóng BHXH của Việt Nam với các quốc gia khác
13 Hiệp hội, ngành hàng vừa có công văn ở các ngành nêu một số vấn đề chưa hợp lý trong Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), đồng thời đề xuất nhiều nội dung như giảm tỷ lệ đóng BHXH, giảm tuổi nghỉ hưu, thay đổi cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu...
Theo văn bản của các Hiệp hội, Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) quy định tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc gồm BHXH, BHYT, BH thất nghiệp đối với NLĐ và người SDLĐ có HĐLĐ vẫn giữ như Luật BHXH 2014. Có nghĩa, tỷ lệ đóng của cả NLĐ và người SDLĐ là 32%- tỷ lệ đóng BHXH rất cao. Cụ thể, tỷ lệ đóng BHXH của người SDLĐ ở Việt Nam đang cao hơn rất nhiều nước như: Malaysia đóng 16,5%, Ấn Độ 15,25%, Indonesia 10,26%, Campuchia 6,1%, Thái Lan 5%, Myanma 2%, Bangladesh 0%...
Trên cơ sở này, các Hiệp hội đề nghị, đối với tỷ lệ đóng BHXH bắt buộc của NLĐ và người SDLĐ nên đưa về mức đóng của năm 2009, tức là NLĐ đóng 5% và người SDLĐ đóng 15%, tổng cộng 20%, chứ không phải 25,5% hiện nay (người SDLĐ đóng 17,5%, trong đó 3% quỹ ốm đau thai sản; 14% quỹ hưu trí và tử tuất và 0,5% BH TNLĐ-BNN và NLĐ đóng 8%).
Trong văn bản gửi đi, các Hiệp hội tiếp tục nêu nhiều kiến nghị liên quan đến tuổi nghỉ hưu và các tính tỷ lệ hưởng lương hưu. Về tuổi nghỉ hưu, theo lộ trình, tính đến năm 2035 thì nam đủ 62 tuổi và nữ đủ 60 tuổi mới đủ tuổi nghỉ hưu, ngoài ra Luật BHXH quy định NLĐ được nghỉ hưu sớm tối đa 5 tuổi thấp hơn so với tuổi nghỉ hưu khi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến dưới 81%. Đối với đối tượng đủ điều kiện nghỉ hưu thì cứ mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi sẽ bị trừ 2%. Các hiệp hội cho rằng, những quy định này không phù hợp với thực tiễn NLĐ Việt Nam. Bởi thực tế có rất lao động tham gia BHXH sớm, đến 50- 55 tuổi sức khỏe đã giảm sút, không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu công việc, thậm chí rất khó tìm được việc làm và có thời gian đóng BHXH đã đủ 20 năm, thậm chí 30 năm, như vậy cả về thời gian và số tiền đóng BHXH là đã đủ lớn. Nếu chờ đợi đến đủ tuổi nghỉ hưu thì sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo chi tiêu cuộc sống. Việc để NLĐ lớn tuổi về hưu sớm cũng để trao cơ hội việc làm cho lao động trẻ có nhiều cơ hội việc làm hơn.
Theo các Hiệp hội, đối tượng có số thời gian đóng BHXH thấp hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng hưu 75%, mỗi năm không đóng BHXH sẽ bị trừ 2% là không hợp lý. Bởi mức trừ này quá cao so với mức hưởng trợ cấp 1 lần khi nghỉ hưu đối với đối tượng có thời gian đóng cao hơn số năm tương ứng tỷ lệ 75% (cứ mỗi năm đóng BHXH thì chỉ được tính bằng 0,5 tháng của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH). Nếu NLĐ đủ điều kiện nghỉ hưu sớm (đóng BHXH từ đủ 30 năm) thì mỗi năm nghỉ hưu hưu sớm bị trừ tương ứng 2% là không hợp lý. Điều này không đảm bảo nguyên tắc có đóng có hưởng, đóng nhiều hưởng nhiều, tỷ lệ trừ 2% là quá cao. Trong khi đó, chính sách BHXH hội đang cố gắng khuyến khích, động viên NLĐ ở lại với BHXH. Do đó, tỷ lệ này cần xem xét, đặc biệt có cơ chế thưởng cho những NLĐ tham gia BHXH từ đủ 30 năm trở lên. Bên cạnh đó, việc tăng tuổi nghỉ hưu làm tăng tỷ lệ rút BHXH 1 lần, giảm số người hưởng BHXH 75%.
Từ những phân tích trên, các Hiệp hội đề xuất trường hợp NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu sớm (tối đa 5 tuổi thấp hơn so với tuổi nghỉ hưu) theo quy định và có thời gian đóng BHXH trên 20 năm thì được quyền về hưu, mỗi năm về hưu sớm sẽ bị trừ đi 1 tháng lương hoặc cao nhất bị trừ không quá 1% tương ứng với 1 năm như Luật BHXH năm 2006. Trường hợp đủ tuổi nghỉ hưu sớm và có thời gian đóng BHXH đủ 30 năm đối với nữ và 32 năm đối với nam sẽ được về hưu ngay và hưởng hưu tối đa là 75%.
Về cách tính tỷ lệ hưởng lương hưu, các Hiệp hội cho rằng, cách tính trợ cấp 1 lần cho những năm vượt quá thời gian để hưởng BHXH 75% đang được tính bằng “mỗi năm đóng BHXH cao hơn thì được tính bằng 0,5 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH”, cũng như cách tính tỷ lệ nghỉ lương hưu của những người tham gia đóng BHXH vượt quá số năm quy định để được hưởng mức BHXH 75% là không hợp lý. Lý do là đối với NLĐ muốn rời quỹ BHXH và nhận trợ cấp BHXH một lần thì mỗi năm làm việc (sau 2014) được 2 lần của mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH. Trong khi đó, NLĐ vẫn ở lại với quỹ và đóng góp hơn 30 năm chỉ được nhận 0,5 lần. Do đó, các hiệp hội đề xuất tỷ lệ hưởng lương hưu tối đa nên tính dựa trên tổng thời gian tham gia BHXH tương ứng, không nên áp mức trần 75%.
Trước đề xuất của các Hiệp hội về giảm tỷ lệ đóng BHXH vào quỹ BHXH vì cho rằng mức đóng BHXH của Việt Nam, bà bà Ingrid Christensen- Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) tại Việt Nam cho biết, không tính BHYT thì mức đóng vào quỹ BHXH của Việt Nam chiếm 27,5% tiền lương tháng làm căn cứ. Đây là mức tương đồng các quốc gia thiết kế hệ thống BHXH cung cấp các chế độ an sinh tương tự như Việt Nam. Mức đóng ở Việt Nam giống như một số quốc gia trong khu vực như Trung Quốc (gần 33%), Nhật Bản (gần 30%) hay Malaysia (26,7%); không xa mức đóng góp của các quốc gia có hệ thống BHXH toàn diện hơn như: Bồ Đào Nha (gần 35%), Đức (gần 40%) và ngang bằng một số quốc gia có hệ thống BHXH phát triển như Brazil (29%), Argentina (27%)…
Một số quốc gia có mức đóng thấp hơn nhưng đồng thời các chế độ hệ thống cung cấp ít hơn rất nhiều. Nếu không đóng góp vào quỹ, luật quy định chủ SDLĐ phải chi trả một số chế độ cho lao động khi gặp rủi ro. Đơn cử Malaysia với mức đóng 26,7% chỉ thấp hơn Việt Nam 0,8% nhưng chế độ ốm đau thai sản do người SDLĐ trực tiếp chi trả. Hoặc ở một số nước khi xảy ra TNLĐ-BNN thì người SDLĐ phải chi trả... “Tuy nhiên việc để người SDLĐ chi trả sẽ khó giám sát, đánh giá, thậm chí xảy ra tranh chấp, khiếu kiện. Theo một số tiêu chuẩn lao động quốc tế, các chế độ này tốt nhất nên được chi trả qua hệ thống đảm bảo sự chia sẻ và minh bạch. Tại Việt Nam, tất cả chế độ an sinh đều được chi trả qua hệ thống BHXH và được Chính phủ, Quốc hội, xã hội giám sát. Do đó chúng tôi cho rằng cần hết sức cẩn trọng khi so sánh mức đóng”- bà Ingrid Christensen khẳng định.
Nguyệt Hà