Print

Tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia đến năm 2030

Thứ Sáu, 27 /10/2023 12:12

Ngày 26/10/2023, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Chương trình Tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia đến năm 2030. Chương trình có phạm vi thực hiện trên toàn quốc; đối với các sự cố môi trường có phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường trên địa bàn từ 2 đơn vị hành chính cấp tỉnh trở lên, thuộc quản lý của 2 Bộ, ngành trở lên hoặc có phạm vi ô nhiễm, suy thoái môi trường xuyên quốc gia.

Chương trình Tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia đến năm 2030 đặt mục tiêu:

Giai đoạn 2023 – 2025, hoàn thành việc sửa đổi, bổ sung quy định pháp luật về giám sát, cảnh báo và ứng phó sự cố môi trường quốc gia, kiện toàn hệ thống tổ chức, bổ sung chức năng, nhiệm vụ, chế độ, chính sách cho các lực lượng ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; xây dựng cơ chế phối hợp trong công tác phòng ngừa, phát hiện và ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia. Hoàn thành việc xây dựng bộ kịch bản, quy trình ứng phó, các tài liệu hướng dẫn và thực hiện việc điều tra, khảo sát, đánh giá nguy cơ sự cố môi trường cấp quốc gia trên phạm vi cả nước. Hoàn thiện hệ thống quan trắc, nâng cao năng lực giám sát, cảnh báo; hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu về lực lượng, phương tiện ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia. 100% kế hoạch ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia của các bộ, ngành, địa phương được ban hành. Tăng cường hợp tác quốc tế trong giám sát, cảnh báo và ứng phó sự cố môi trường.

Giai đoạn 2026 – 2030, hoàn thành việc nâng cao năng lực cho các lực lượng tham gia ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; 100% cán bộ trực tiếp thực hiện nhiệm vụ ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia được đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ và năng lực thực hành các giải pháp kỹ thuật.

Về nhóm nhiệm vụ, giải pháp, Chương trình đề ra: Hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; Hoàn thiện hệ thống tổ chức lực lượng ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; Nâng cao năng lực giám sát, cảnh báo của các trạm quan trắc phục vụ ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; Nâng cao năng lực ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; Nâng cao nhận thức về phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia; Tăng cường hợp tác quốc tế trong nghiên cứu, tổ chức ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia.

Trong đó, hoàn thiện hệ thống tổ chức lực lượng ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia bằng cách tập trung sắp xếp, kiện toàn hệ thống tổ chức lực lượng ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia trên cơ sở lực lượng của Bộ Quốc phòng và các bộ, ngành, địa phương để đảm bảo thực hiện tốt các nhiệm vụ: Quan trắc; sơ tán người dân, tài sản; hỗ trợ y tế ban đầu; ứng phó, khắc phục hậu quả; bảo đảm an ninh trật tự; trong đó, Trung tâm hành động quốc gia khắc phục hậu quả chất độc hóa học và môi trường (NACCET) là lực lượng nòng cốt bảo đảm hoạt động, kịp thời, hiệu lực, hiệu quả.

Tổ chức, sử dụng các lực lượng phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia bảo đảm hiệu quả; cảnh báo, ứng phó kịp thời, linh hoạt, rõ trách nhiệm, huy động, phối hợp đồng bộ, thống nhất các lực lượng khi sự cố xảy ra theo quy trình do Bộ Quốc phòng quy định, trong đó cần đảm bảo nguyên tắc: Địa phương nơi xảy ra sự cố phải báo cáo ngay cho cấp có thẩm quyền để đánh giá, phân cấp, ứng phó sự cố, đồng thời thông báo cho NACCET để sẵn sàng ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia. Bộ Quốc phòng là cơ quan chủ trì, tổ chức ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia, huy động lực lượng của các bộ, ngành, địa phương tham gia; chỉ đạo lực lượng nòng cốt thành lập sở chỉ huy hiện trường để tổ chức, điều phối các lực lượng tham gia ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia.

Tại Chương trình Tăng cường năng lực phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường cấp quốc gia đến năm 2030, cũng đề ra kinh phí thực hiện Chương trình lấy từ nguồn ngân sách nhà nước bố trí trong dự toán chi thường xuyên và kế hoạch đầu tư công trung hạn hàng năm của các Bộ, ngành, cơ quan Trung ương, hội, đoàn thể liên quan và các địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; các Chương trình Mục tiêu Quốc gia, các chương trình, dự án, đề án liên quan khác để thực hiện các hoạt động của Chương trình theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước. Ngoài ra, có sự đóng góp, hỗ trợ hợp pháp của DN, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Tùng Anh