Print

Cần giải pháp đột phá, đặc thù để thực hiện 3 Chương trình MTQG

Thứ Hai, 30 /10/2023 18:17

Chiều nay (30/10), Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về việc thực hiện 3 Chương trình Mục tiêu quốc gia (MTQG). Nêu ý kiến tại phiên thảo luận, các ĐBQH thống nhất đề nghị, cần tiếp tục kiên định mục tiêu với cách làm mới; có giải pháp đột phá và cơ chế đặc thù để phân cấp trong thực hiện.

Điểm sáng giảm nghèo

Phát biểu giải trình về 3 Chương trình MTQG diễn ra chiều 30/10, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đánh giá cao kết quả giám sát khách quan, toàn diện về quá trình triển khai các nội dung. Đồng thời cho rằng, việc giám sát đã tạo chuyển biến căn bản trong nhận thức và hành động của các cấp, các ngành.

Quốc hội thảo luận về việc thực hiện 3 Chương trình MTQG

Theo Bộ trưởng Dung, đây là nhiệm kỳ thứ 2 cả nước thực hiện chương trình giảm nghèo bền vững. Tuy nhiên, các phần việc ở nhiệm kỳ này đòi hỏi cao hơn, nhiệm vụ giảm nghèo trước đây đã khó, giờ còn khó hơn. Bởi, yêu cầu đặt ra không chỉ giảm nghèo về thu nhập, mà đòi hỏi giảm nghèo đa chiều, cao hơn, toàn diện hơn, bao trùm hơn và đòi hỏi sự bền vững.

Đặc biệt, trong 2 năm qua, việc thực hiện chương trình giảm nghèo còn chịu sự tác động, ảnh hưởng nặng nề bởi những điều kiện khách quan, nhất là do đại dịch Covid-19. Ngoài ra, tình trạng thiên tai, lũ bão, sạt lở cũng tập trung chủ yếu các vùng khó khăn, gây thêm ảnh hưởng nặng nề. Do đó, các khu vực này "đã khó càng khó hơn, đã nghèo lại bị tác động nhiều hơn".

Cũng theo Bộ trưởng Dung, cả hệ thống chính trị đã rất cố gắng, hiện đang tập trung giải quyết những vùng lõi nghèo. Các cơ quan xác định vùng khó khăn nhất là vùng đồng bào DTTS, miền núi, vùng sâu, xa, đặc biệt khó khăn. Kết quả thực hiện chương trình giảm nghèo vừa qua còn nhiều điểm hạn chế, chưa đạt mong muốn về tỷ lệ hộ nghèo, chất lượng giảm nghèo, tính bền vững của giảm nghèo. Tuy nhiên, những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, đặc biệt các địa phương và của bản thân các hộ nghèo, hộ cận nghèo rất đáng ghi nhận.

Chính vì vậy, kết quả là các chỉ tiêu đề ra trong Nghị quyết số 24 của Quốc hội cơ bản đều đạt, được cộng đồng quốc tế ghi nhận là điểm sáng. Đáng chú ý, Việt Nam là nước duy nhất ở Châu Á thực hiện chương trình giảm nghèo đa chiều, bền vững. “Không ai sinh ra và lớn lên lại muốn mình nghèo và không ai không muốn thoát nghèo, chỉ là vì chưa có khả năng và thực tế, nếu còn trong danh sách hộ nghèo, ít nhất được hưởng nhiều chính sách hỗ trợ”- Bộ trưởng Dung khẳng định.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung báo cáo giải trình về việc thực hiện 3 Chương trình MTQG

Về định hướng thực hiện chương trình trong thời gian tới, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung phân tích: Chương trình giảm nghèo hiện không còn chính sách cho không, mà đã chuyển hoàn toàn sang hỗ trợ có điều kiện. Thời gian qua, nhiều địa phương có hàng trăm hộ nghèo tự nguyện viết đơn xin thoát nghèo và chủ động nhường quyền lợi hỗ trợ cho người khác. Người dân cũng e ngại, băn khoăn khi nhận là "hộ nghèo" và tự mình muốn vươn lên. Đối với các hộ nghèo không có khả năng lao động, không có khả năng thoát nghèo, Bộ LĐ-TB&XH đang phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu Chính phủ đưa ra các tiêu chí để những người này có cuộc sống tốt hơn hoặc không thấp hơn hộ nghèo.

Về việc hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, tinh thần Quyết định số 90 và Nghị quyết số 24 của Quốc hội là phấn đấu trong nhiệm kỳ này xóa được khoảng 100.000 căn hộ dột nát cho các hộ nghèo ở 74 huyện nghèo. Đặt trong tổng thể 3 Chương trình MTQG, có thể thấy, việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững đang triển khai tương đối tốt. Hiện chỉ còn Chương trình phát triển kinh tế-xã hội đồng bào DTTS và miền núi gặp nhiều khó khăn, thách thức.

Tuy nhiên, cả 3 Chương trình đang tồn tại 4 vấn đề. Cụ thể, các cơ quan chức năng phải ban hành quá nhiều văn bản, bình quân mỗi Chương trình 60-70 văn bản khác nhau. Hơn nữa, việc phân cấp, phân quyền chưa rõ, dẫn đến tình trạng dưới chờ trên, trên bảo dưới cứ làm nhưng dưới sợ. Điều đó dẫn đến hiện tượng thông tư đã hướng dẫn, nhưng cấp dưới tiếp tục đề nghị... hướng dẫn của hướng dẫn. Ngoài ra, việc phân bổ các dự án nhỏ lẻ, manh mún; giao vốn chậm, nhỏ giọt. Riêng khâu tổ chức thực hiện cũng có vấn đề, 4-5 nguyên nhân dồn lại thành những nút thắt không dễ gỡ”- Bộ trưởng Dung khẳng định.

Nên ban hành bộ tiêu chí định hướng chung, dài hơi hơn

Tại phiên thảo luận, các ĐBQH nhấn mạnh, việc giám sát 3 Chương trình MTQG là rất cần thiết, nhằm nhận diện đầy đủ những khó khăn, vướng mắc, nguyên nhân, thúc đẩy nhận thức, trách nhiệm cũng như sự vào cuộc mạnh mẽ của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương; từ đó đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình MTQG.

Từ thực tiễn tại địa phương, ĐB Vũ Xuân Hùng (Thanh Hóa) thẳng thắn chỉ rõ, Trung ương giao vốn chậm, đến quý II/2022 mới giao vốn xong. Các nội dung phân bổ vốn chưa sát tình hình, nhu cầu thực tế của địa phương. Có những dự án, tiểu dự án, đối tượng, nhu cầu ít, nhưng phân bổ vốn lại quá nhiều. Việc giao vốn sự nghiệp bất cập, chưa thống nhất giữa 3 Chương trình: Chương trình MTQG xây dựng NTM giao tổng số vốn sự nghiệp; Chương trình MTQG giảm nghèo và Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi giao chi tiết đến từng dự án thành phần.

ĐB Hoàng Thị Đôi (Sơn La) nêu ý kiến tại phiên thảo luận

Liên quan đến Chương trình MTQG xây dựng NTM, ĐB Hoàng Thị Đôi (Sơn La) nêu vấn đề, một số tiêu chí như thu nhập, nghèo đa chiều vẫn quy định khá cao, trong khi tốc độ phát triển kinh tế-xã hội của các xã khó bắt kịp so với chỉ tiêu bộ tiêu chí; một số chỉ tiêu khi áp dụng thực tiễn khó triển khai như chỉ tiêu “xã phải có vùng nguyên liệu tập trung để truy xuất nguồn gốc sản phẩm” trong khi nhiều xã vùng III của các tỉnh không có vùng nguyên liệu tập trung, các sản phẩm nông lâm sản và thủy sản quy mô nhỏ, chủ yếu theo mùa vụ; hoặc chỉ tiêu quy định diện tích sân bóng đá, thể thao; chỉ tiêu quy định tỷ lệ phần trăm phải hỏa táng chưa phù hợp với vùng, miền, dân tộc.

“Cần rà soát, đánh giá và có sự điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, chỉ tiêu cho phù hợp tình hình thực tiễn, để triển khai có hiệu quả và đạt mục tiêu đề ra. Cùng với đó, xem xét, chấp thuận cho các địa phương trong kế hoạch hằng năm, địa phương được điều chỉnh nguồn kinh phí giữa các nội dung trong cùng một dự án không cùng lĩnh vực chi, để nâng cao tính chủ động, đẩy nhanh tiến độ giải ngân nguồn vốn, hạn chế việc nộp trả ngân sách cho Trung ương”- ĐB Đôi đề nghị.

Liên quan đến vấn đề này, ĐB Hồ Thị Kim Ngân (Bắc Kạn) cũng nêu thực tế, việc duy trì NTM của các xã đã được công nhận ở giai đoạn trước khi áp theo bộ tiêu chí ở giai đoạn này khó đạt được. Bên cạnh đó, một số tiêu chí khó đánh giá ở thời điểm hiện tại như: Tỷ lệ người có sức khỏe, tỷ lệ người dân có Sổ Sức khỏe điện tử và tham gia sử dụng ứng dụng KCB từ xa, do điều kiện kinh tế của người dân còn nhiều khó khăn, không có điện thoại thông minh, một số nơi chưa có hoặc còn hạn chế trong tiếp cận dịch vụ internet; một số chỉ tiêu, tiêu chí chưa phù hợp với điều kiện thực tế như quy định tỷ lệ nghèo đa chiều đạt dưới 13% là bài toán khó, thách thức đối với những địa phương có tỷ lệ hộ nghèo đa chiều cao…

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, các ĐBQH đánh giá cao việc Quốc hội quyết định giám sát ngay trong quá trình thực hiện, nhằm nhận diện đúng kết quả và khó khăn, để tập trung tháo gỡ, tạo chuyển biến. Đồng thời, đánh giá cao sự nỗ lực, trách nhiệm, quyết tâm của Đoàn giám sát để khắc phục khó khăn, hoàn thành nhiệm vụ được giao; sự phối hợp của Chính phủ, các cơ quan Chính phủ, sự tham gia tích cực, hiệu quả của Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, UBND, HĐND các tỉnh, thành phố… góp phần nâng cao chất lượng giám sát tối cao của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng nêu rõ, quá trình giám sát đã tác động, tạo chuyển biến trong nhận thức, hành động của các cấp, các ngành. Do đó, đề nghị Chính phủ đẩy mạnh tổ chức phong trào thi đua thực chất hơn, nhất là phong trào tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, phát huy truyền thống tương thân tương ái của dân tộc ta. Chính phủ cũng cần rà soát mô hình tổ chức của các Ban Chỉ đạo, văn phòng, bộ phận giúp việc của các cơ quan từ Trung ương tới cơ sở, nhất là cán bộ ở cấp cơ sở xã, phường; ban hành các loại sổ tay hướng dẫn tổ chức tốt hoạt động truyền thông, xây dựng ý thức tự vươn lên thoát nghèo của người dân.

Nguyệt Hà